Giá trị lịch sử của chùa Nam Nhã

Trần Kiều Quang

Chùa Nam Nhã hay Nam Nhã đường, tên đầy đủ là Nam Nhã Phật đường, tọa lạc tại số 612 đường Cách mạng Tháng 8, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ theo đạo Minh Sư, mà còn là cơ sở hoạt động cách mạng của các phong trào yêu nước ở Cần Thơ nói riêng, Nam Bộ nói chung vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Nam Nhã Phật Đường nằm bên dòng sông Bình Thủy. Ảnh: DUY KHÔI

Nam Nhã Phật Đường nằm bên dòng sông Bình Thủy. Ảnh: DUY KHÔI

Người lập chùa Nam Nhã là ông Nguyễn Giác Nguyên (1850-1919), bí danh Nguyễn Phương Thảo, đạo danh Long Khê đạo nhân, đạo hiệu Nguyễn Đạo Cơ. Ông là học trò của cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, là thầy quy y của ông Bùi Hữu Sanh (con trai của cụ Bùi) và là anh vợ của ông Nguyễn Doãn Cung - người đã góp tài vật chủ yếu xây dựng chùa Nam Nhã.

Khoảng năm 1890, ông Nguyễn Giác Nguyên bắt đầu tham gia phong trào Đông Du. Thoạt đầu, ông dời nhà từ Rạch Sao ra chợ Bình Thủy, lập tiệm thuốc bắc Nam Nhã đường ở gần cầu Rạch Miễu làm cơ sở liên lạc chống Pháp. Được ít lâu, có hai vị lão sư Đinh Hán Khiêm, Ngô Cẩm Tiền từ Quảng Nam Phật đường (Sài Gòn) đến Bình Thủy truyền đạo Minh Sư. Năm 1895, ông Nguyễn Giác Nguyên thôi làm tiệm thuốc Bắc, chuyển ra vàm sông Bình Thủy lập một ngôi chùa nhỏ ba gian cũng mang tên là Nam Nhã đường. Đến năm 1905, chùa được tái thiết quy mô hơn với năm căn hai chái(1).

Trải qua thời gian, ngôi chùa hư hại nhiều, những người trong đạo muốn xây dựng lại nhưng Pháp không cho vì chùa còn đang bị theo dõi. Nhờ có ông Nguyễn Háo Văn - thân phụ của ông Nguyễn Háo Vĩnh, người đứng đầu du học sinh đi Nhật chuyến đầu tiên - đã cùng với ông Bùi Hữu Sanh, lúc ấy đang xuất gia tại chùa Nam Nhã, vận động với nhà cầm quyền Pháp mới được phép xây dựng. Năm 1917, chùa được xây lại bằng gạch ngói, nhiều vật liệu được đặt mua từ bên Pháp(2).

Di tích quốc gia Nam Nhã Phật Đường. Ảnh: DUY KHÔI

Cũng như nhiều ngôi chùa khác, chùa Nam Nhã được xây cất gần bờ sông để khách thập phương thuận tiện tới lui chiêm bái, bởi giao thông ngày trước chủ yếu là phương tiện đường thủy. Vì vậy, cổng chùa cũng hướng ra rạch Bình Thủy. Nhiều tài liệu mô tả cổng chùa xây bằng gạch, lợp ngói. Ở hai cột có đôi câu đối, mà hai chữ đầu của mỗi câu ghép lại thành tên chùa: “Nam địa độ nguyên nhân, bát nhã cầm thinh thông giác lộ/ Nhã đình chiêu thiện khách, bồ đề thụ ảnh cái thiền môn” (nghĩa là “Nam địa độ nguyên nhân, tiếng đàn Bát Nhã thông cõi giác/ Nhã đình mời thiện khách, bóng mát Bồ Đề phủ cửa thiền”).

Sân chùa lát gạch tàu, được bao quanh bởi một khu vườn lớn trải dài ra tận bờ sông Bình Thủy. Giữa vườn là hòn non bộ cao trên 2m được đặt trong một bồn nước xây bằng gạch. Trong vườn trồng nhiều cây tùng, cây trắc bá diệp và các cây cổ thụ khác. Đan xen dưới những gốc cây này là những cây kiểng quý giá, nhiều tuổi, được cắt uốn rất công phu. Chánh điện là một ngôi nhà gạch kiên cố, gồm 5 gian, lợp ngói âm dương, trên có hình lưỡng long tranh châu. Đặc biệt, mặt tiền chánh điện có kiểu kiến trúc Á - Âu kết hợp hồi đầu thế kỷ XX, và khá khác với kiểu chùa truyền thống ở Nam Bộ. Bên trong chánh điện, ở khu trung tâm được bài trí rất trang trọng, dùng làm nơi đặt bàn thờ Tam giáo Thánh nhân (có ba pho tượng thờ bằng đồng là Đức Thích Ca Văn Phật, Đức Khổng Tử Chí Thánh và Đức Lão Tử Đạo Tổ). Đối diện với bàn thờ Tam giáo là nơi thờ Long Thần Hộ Pháp và nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa; 2 bên có bàn thờ Lịch Đại Tổ Sư, Quan Thánh Đế Quân, và người sáng lập chùa là Thái Lão Sư Nguyễn Đạo Cơ; cùng bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ. Hai bên tiền điện có 2 bàn hương án đặt bài vị của các vị Lão Sư trụ trì và các vị tiền bối trong Đạo.

Sau chính điện là một hành lang dài có hai căn phòng tiếp khách. Bên phải và bên trái chùa là hai dãy nhà lợp ngói gọi là Càn Đạo Đường (dãy nhà Đông Lang) dùng cho nam giới và Khôn Đạo Đường (dãy nhà Tây Lang) dùng cho nữ giới ăn thông với nhà bếp. Hiện nay, chùa Nam Nhã còn có nhiều ruộng vườn, đặc biệt phía sau chùa là cả một vườn cây ăn trái, hoa kiểng xanh tươi, tỏa mát cả không gian yên tĩnh của chùa.

Ngoài việc sinh hoạt tôn giáo, chùa Nam Nhã còn là cơ sở hoạt động cách mạng. Chùa là “trụ sở hoạt động của phong trào Đông Du ở Cần Thơ. Tại đây, vào tháng 2-1913, sau khi từ Pháp trở về nước, chí sĩ yêu nước Cường Để cùng với ông Nguyễn Giác Nguyên bàn quốc sự vận động phong trào yêu nước ở Nam kỳ, bị thực dân Pháp theo dõi phát hiện nên cho đóng cửa chùa. Tuy nhiên, nơi đây vẫn tiếp tục duy trì là cơ sở bí mật hoạt động cách mạng. Năm 1929 khi Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang được thành lập ở Bình Thủy, chùa Nam Nhã chính là cơ sở liên lạc giữa Đặc ủy Hậu Giang với Xứ ủy Nam kỳ của những nhà cách mạng, trong đó có đồng chí Ngô Gia Tự, Bí thư Cấp ủy Lâm thời Đảng bộ Nam kỳ”(3).

Tóm lại, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa Nam Nhã luôn đi liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Chùa Nam Nhã tu theo tông phái thờ Phật tại gia, còn được gọi là đạo Minh Sư, có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng khi truyền vào Việt Nam “đạo Minh Sư đã hòa nhập vào các phong trào cứu quốc sôi động ở Việt Nam như phong trào Đông Du, Duy Tân, rồi đến các phong trào đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đấy là căn duyên hình thành Nam Nhã Phật đường - một ngôi chùa gắn chặt giữa đạo và đời, luôn tỏa sáng tinh thần nhập thế mặc dù thoát tục tu tiên”(4).

Với những giá trị về mặt kiến trúc và lịch sử như vậy, ngày 25 tháng 1 năm 1991, chùa Nam Nhã đã được Bộ Văn hóa Thông tin - Thể thao và Du lịch ban hành quyết định số 154-QĐ xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

-----------------------------------

(1) Nguyễn Văn Hoài (2005), “Chùa Nam Nhã”, in trong cuốn “Bước đầu tìm hiểu văn hóa dân gian Bình Thủy - Long Tuyền”, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, tr.114-115.

(2) Phan Lương Minh (2008), “Nam Nhã Đường”, Tạp chí Xưa và Nay, số 304, tháng 3, tr.38.

(3) Ban quản lý di tích thành phố Cần Thơ (2019), “Di tích lịch sử - văn hóa thành phố Cần Thơ”, tr.32.

(4) Nguyễn Văn Hoài, Sđd, tr.119.

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/gia-tri-lich-su-cua-chua-nam-nha-a154735.html