Giá trị nền văn hóa Đại Việt qua những hiện vật khảo cổ

Diễn ra vào mùa thu hàng năm, Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học là sự kiện được nhiều nhà nghiên cứu mong chờ nhất trong trong năm.

Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 54 năm 2019 diễn ra trong 2 ngày 26 và 27-9, tại Hà Nội, đã thu hút nhiều nhà khảo cổ học tham dự, trở thành diễn đàn để giới nghiên cứu khảo cổ học nước nhà cùng nhau trao đổi thông tin về những phát hiện mới, tranh luận học thuật để mở ra các cơ hội nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

“Mảnh ghép” hình thành nên bản sắc văn hóa Việt

Năm vừa qua, trên địa bàn cả nước, các nhà khảo cổ học đã phát hiện và khai quật được rất nhiều hiện vật có giá trị. Trong đó phải kể đến cuộc khai quật các di cốt người cổ tại di tích hang động núi lửa Krông Nô (Đắc Nông). Đặc biệt khảo cổ học lịch sử đã có thêm khối tư liệu đồ sộ từ khai quật, nghiên cứu khảo cổ học minh chứng cho tầm vóc văn hóa Đại Việt trải qua các triều đại quân chủ độc lập với nền văn hiến rực rỡ, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có các cuộc khai quật ở Điện Kính Thiên (Hà Nội), Thành Nhà Hồ, Khu Lăng miếu Triệu Tường (Thanh Hóa) và đặc biệt là cuộc khai quật Khu di tích văn hóa Óc Eo...đó là những mảnh ghép quan trọng để hình thành nên bản sắc văn hóa Việt Nam.

Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam tuy còn rất non trẻ nhưng đã có một số hoạt động đáng ghi nhận, tiếp tục được đẩy mạnh với những cuộc khảo sát ở khu vực duyên hải Đông Bắc, Nam Trung Bộ, Nam Bộ và đặc biệt là cuộc khai quật tàu đắm Dung Quất (Quảng Ngãi).

Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối, quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học, trong năm qua, ngành khảo cổ học đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào việc nhận thức quá trình tiến hóa của loài người cùng các tầng văn hóa thời tiền sử; khẳng định giá trị các nền văn hóa, văn minh, văn hiến Đại Việt và các thể chế chính trị-xã hội thời trung đại ở Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối nhấn mạnh: Khảo cổ học bên cạnh việc nghiên cứu lịch sử, nhân học, văn hóa còn gắn chặt với hoạt động nghiên cứu, đánh giá các giá trị di sản văn hóa. Trong một năm qua, ngành khảo cổ học đã tư vấn cho các cơ quan quản lý văn hóa và một số địa phương tiến hành công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích khảo cổ học và di sản văn hóa, đóng góp tích cực vào việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng con người, văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

PGS, TS Bùi Văn Liêm, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Đây là hội nghị thông báo kết quả thăm dò, khai quật trong năm qua. Những hiện vật thu được từ các đợt khảo cổ trên cả nước cho thấy những giai đoạn hình thành cuộc sống của người Việt cổ.

Theo PGS, TS Bùi Văn Liêm, về khảo cổ học thời kỳ đồ đá, trong năm qua, đã có những phát hiện mới, lớn ở Tây Nguyên, đặc biệt ở An Khê, Gia Lai và Đắc Nông. Những hiện vật về đá cũ là những tư liệu minh chứng cho sự hình thành con người Việt Nam và bản sắc đầu tiên của văn hóa Việt.

Trong lĩnh vực khảo cổ học thời đại kim khí, đã có những hoạt động lớn, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội, trong đó có cuộc khai quật ở di tích Vườn Chuối, Hoàng thành Thăng Long. Những tư liệu ở di tích Vườn chuối cho thấy giai đoạn tiền Đông Sơn ở Thủ đô Hà Nội, quá trình hình thành con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam ở Hà Nội. Khi khai quật ở khu vực điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long) phát lộ nhiều hiện vật mới. Trước đây, các nhà khảo cổ chỉ phát hiện ra thời đại Lý Trần ở Điện Kính Thiên, năm 2019, qua các lần khảo cổ đã thấy xuất hiện thời Lê Trung Hưng.

Khai quật ở Thành Nhà Hồ.

Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc

PGS, TS Bùi Văn Liêm cho rằng: Khai quật di tích Vườn Chuối nhằm nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị, phục vụ việc phát triển kinh tế của Hà Nội. Với di tích Vườn Chuối, ngoài khai quật để nghiên cứu, còn nhằm quảng bá để các nhà khoa học, nhân dân biết đến di tích này như một minh chứng của lịch sử, tài liệu quý giá về khảo cổ học, sử học, môi trường học.

Với Hoàng thành Thăng Long, đã có nhiều nghiên cứu ở đây với những giai đoạn khác nhau. Viện Khảo cổ học đã thực hiện khai quật mở rộng, nghiên cứu thấu đáo, khoa học và nghiêm túc về Hoàng thành Thăng Long. Những gì cần bảo tồn tại chỗ sẽ có đề xuất với cơ quan chức năng để có phương án bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đồng thời sẽ tiếp tục có phương án khảo cổ để khai quật, phát hiện tiếp những hiện vật có giá trị.

Hai pho tượng thuộc nền văn hóa Óc-Eo, phát hiện ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp).

Ngoài việc khai thác hai di tích trên, Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật 2 ngôi mộ gạch phát hiện tại trụ cầu P96 Phạm Văn Đồng (Hà Nội). Mộ còn khá nguyên vẹn về cấu trúc và đồ tùy táng. Ngôi mộ được xác định có niên đại vào khoảng cuối thời Tùy đầu thời Đường, thế kỷ VI-VII.

Tại Thanh Hóa, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ khai quật tường thành phía Đông Bắc với tổng diện tích 400 m2 nhằm tìm hiểu rõ hơn về kỹ thuật gia cố lớp đất trên tường thành, lớp móng gia cố và nền gia cố chân thành khu vực tường thành phía Đông Bắc thành Nhà Hồ.

Những đóng góp của ngành khảo cổ học cho nền văn hóa nước nhà đã được ghi nhận và đánh giá cao, góp phần vào sự nghiệp phục dựng, soi sáng lịch sử, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/gia-tri-nen-van-hoa-dai-viet-qua-nhung-hien-vat-khao-co-592136