Giá trị văn bia trên vách động Kính Chủ

'Tự chi hữu bi, do quốc chi hữu sử' (Chùa có bia như nước có sử), nhưng ở vách núi của động Kính Chủ (Hải Dương) cũng có những văn bia. Sau lớp bụi thời gian, chằng chịt rễ cây rừng xâm lấn, chúng ta nhận ra những dòng chữ của người xưa như là thông điệp gửi tới hậu thế.

Thong thả bước chân theo từng bậc đá, tôi bỗng choáng ngợp trước cảnh núi non kỳ thú hiện ra trước mắt: Đây là động Kính Chủ, nằm ở phía nam sườn núi Dương Nham, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Trên vách đá vẫn có thể đọc rất rõ ràng những chữ Hán “Thiên Nam đệ lục động” (nghĩa là: “Động thứ sáu của trời Nam"). Ở đây non thanh khí tú, ấm về mùa đông, mát mẻ vào ngày hè. Thời chống giặc Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông từng đóng quân trên núi Dương Nham chỉ huy quân dân nhà Trần đánh giặc.

Mảnh đất lưu giữ nhiều hình ảnh của du khách từ vua chúa, quan lại, văn nhân, sĩ thứ, tăng ni tới đây vãng cảnh đề thơ, gửi gắm nỗi niềm suy tư về thế sự. Vẫn còn đây lưu bút của chủ súy “Hội Tao Đàn-Lê Thánh Tông” được các thợ đá đục 4 chữ “Nam thiên động chủ” và nhiều sự kiện các vị vua triều Mạc từng quan tâm cho tôn tạo.

 Những tấm bia trên vách động Kính Chủ.

Những tấm bia trên vách động Kính Chủ.

Rải rác khắp các vách động, hơn 40 tấm bia với những kích thước to nhỏ, hình dạng, ở góc độ khác nhau, đã tạo nên một không gian đá vừa thực vừa ảo giữa chốn bồng lai tiên cảnh ấy. Cũng nhờ bia, hậu thế biết được về Phạm Sư Mạnh, người huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn, tiến sĩ đời Trần, từng làm chức quan Nhập nội Hành khiển, ngày 5 tháng 9 năm thứ 144 đời Trần (1368), đi duyệt binh các lộ vùng Đông Bắc. Ông lên núi, xúc động đề thơ trước cửa động. Người thợ đá đã khắc trung thành nét bút, để bây giờ còn lưu lại áng thơ có những câu hào sảng, ca ngợi giang sơn hùng vĩ, gợi nhớ chiến công hiển hách của quân dân đời Trần chống xâm lược: Hành quân qua núi nhà/ Ngẩng đầu nhìn muôn dặm… An Phụ như chạm trời/ Cuồn cuộn sóng Bạch Đằng/ Tượng Đầu cao ngàn nhận… Tưởng như thuyền Ngô Vương/ Nhớ xưa vua Trùng Hưng/ Tài chuyển xoay trời đất/ Cửa biển ngàn chiến thuyền/ Hiệp Môn vạn cờ chiến/ Trở tay định thái bình… (trích bản dịch bài thơ “Hành dịch đăng gia sơn” của Phạm Sư Mạnh).

Cũng tại đây, nhờ bia Trùng tu Dương Nham tự khắc năm 1532, chúng ta mới hiểu thêm ở núi Kính Chủ từ thế kỷ 15 đã có nghề khắc bia đá nổi tiếng cả kinh thành. Từ năm Thiệu Bình thứ ba (1436), Hành khiển Nguyễn Trãi đã dâng biểu và khánh đá lên vua. Vua khen, nhận, sai thợ đá ở huyện Giáp Sơn lấy đá núi Kính Chủ để làm.

Thật là kỳ thú, giữa một vùng sông nước bằng phẳng lại hiện lên những dãy núi đá vôi có niên đại hàng triệu năm. Trong chiều dài lịch sử, đây từng là căn cứ quân sự hiểm yếu chống giặc ngoại xâm phương Bắc, trong đó có những quân giặc hung hãn nhất thế giới là quân Mông-Nguyên. Đó cũng là chiếc cầu nối kinh tế, văn hóa, chính trị giữa kinh đô Thăng Long với Biển Đông và các quốc gia lân bang. Một vùng đất thiêng ấy là chứng nhân bao đời vua chúa, văn thần, danh sĩ trong nước đã tới đây thưởng ngoạn, hoặc dinh dưỡng tinh thần, lập danh lập nghiệp. Tất cả còn hiển hiện trên những tấm bia trên vách đá động Kính Chủ hôm nay.

Trong đời sống văn hóa cổ truyền của dân tộc, bia và văn bia có vai trò quan trọng, phản ánh những giá trị về học thuật, sự kiện lịch sử, biến thiên thời đại, về thời cuộc với tấm lòng tha thiết của con người, kể cả niềm tự tôn dân tộc trước bạo quyền. Trong đó khá nhiều văn bia trở thành tác phẩm văn học.

Trong khi hàng vạn văn bản được khắc trên chất liệu đá, hầu như không có tính danh người thợ khắc, thì ở động Kính Chủ bây giờ vẫn còn tấm bia “Trùng tu Dương Nham tự” khắc năm 1532 do xã trưởng Nguyễn Quang Mục viết và khắc. Bia ký này đã xác nhận vai trò của thợ đục đá Kính Chủ từ thế kỷ 16. Thú vị hơn khi được biết chỉ bằng phương pháp thủ công, nghệ nhân có thể chẻ thành phiến đá dài rộng 4-5 mét, bằng phẳng, an toàn trên sườn núi. Đôi tay tài hoa của họ đã làm nên những cầu, quán, đình, chùa, lăng mộ, kể cả những dụng cụ gia đình thô sơ nhưng lại thân thuộc với đời sống người nông dân, như: Trục lúa, cối giã, đá tảng kê nền nhà… Có lẽ vì tự hào về những người thợ khắc đá và nghề đục đá, ngày 25 tháng 11 năm Thịnh Đức nguyên niên (1653), các chức sắc ở Kính Chủ cho dựng bia, ghi rõ tính danh 14 thợ tiêu biểu trong nghề tạc voi ngựa đá, đục bia tông miếu.

Trên hành trình kiếm tìm tri thức và bồi đắp nên phẩm giá con người, có biết bao nhiêu cách tiếp cận, qua nhiều con đường, nhưng tiếp cận với văn bia quả thực là quý giá. Những dòng chữ từ tấm bia chùa Ngọc Hồ (Hà Nội) còn da diết lòng người: “Tự chi hữu bi, do quốc chi hữu sử”. Sử để chép cuộc thịnh suy của một nước; bia để ghi công đức của một chùa. Bia là tấm ảnh vậy. Người quan tâm đến đạo lý xưa, há nên để thiếu ư?”.

Những tấm đá xanh trên vách động Kính Chủ đâu còn là tấm đá vô cảm vô hồn. Đó là báu vật tinh thần. Từ bia có văn chương, lịch sử, có chứng vật của thời đại, đã thành một trong hàng ngàn vạn bức thông điệp của người xưa muốn gửi tới mai sau.

Có lẽ vì thế mà quần thể An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương ở Kinh Môn đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2016; riêng hệ thống bia ma nhai ở động Kính Chủ được công nhận là bảo vật quốc gia.

Bài và ảnh: KHÚC HÀ LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/gia-tri-van-bia-tren-vach-dong-kinh-chu-609204