Giá trị vĩnh cửu của văn hóa Sa Huỳnh

Vọng lại từ nghìn xưa tiếng của tiền nhân ẩn vào trong bờ đá, trong mép đầm, trong giếng nước Chămpa nhiều năm tuổi, cả trong những chữ Phạn lưu lại dấu tích của một thời di sản. Bây giờ, Sa Huỳnh với nền văn hóa cổ xưa nghìn năm tuổi càng khẳng định danh phận của mình.

Một góc trưng bày văn hóa Sa Huỳnh tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi. Ảnh: Tiêu Dao

Tiếng vọng từ đất

Làng Gò Cỏ (Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) yên bình đến lạ, dù mới đây, vào ngày 24/3/2023, người làng và những cư dân xung quanh Sa Huỳnh rầm rộ chuẩn bị đón nhận danh phận huy hoàng chưa từng có, ấy là sự kiện tỉnh Quảng Ngãi đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt về văn hóa Sa Huỳnh của Thủ tướng Chính phủ. Văn hóa Sa Huỳnh, ấy là cái tên chung của cả một nền văn hóa trải dọc nhiều địa phương miền Trung, nhưng đậm đặc nhất vẫn là ở Quảng Ngãi, mà nơi khởi thủy đó chính là khu vực làng Gò Cỏ này.

Bà Bùi Thị Vân (68 tuổi) bảo rằng, cả đời bà sống giữa di sản mà chẳng biết. Ngày cả làng, cả địa phương rầm rộ đón những đoàn khảo cổ cách đây gần chục năm, rồi bây giờ đón nhận danh hiệu Di tích quốc gia đặc biệt về văn hóa, người làng như rộn ràng hơn, thấu cảm được cả những huy hoàng trong đất mà tiền nhân để lại. Bà Huỳnh Thị Thương (71 tuổi) thì tự hào khi ngôi làng vốn vô danh bây giờ cũng đã nổi tiếng. Mà quả thật, chỉ cách đây ít năm thôi (năm 2017), làng Gò Cỏ mới được các chuyên gia khảo cổ trong và ngoài nước biết đến. Chính đoàn khảo sát cũng tiếp cận ngôi làng từ phía biển.

Ngôi làng gần như chẳng mấy ai biết đến, nhưng rồi tất cả phải vỡ òa khi phát lộ ở làng Gò Cỏ, đầm An Khê là vùng lõi của văn hóa Sa Huỳnh, cùng tiếp nối là văn hóa Chămpa, với hàng loạt di tích như đường đá, giếng Chăm, bia ký Chăm, tường đá, tháp Chăm, hệ thống thủy lợi bằng đá được xếp vô cùng công phu... Đặc biệt, dưới đáy đầm An Khê còn có một cây cầu đá Chămpa xây dựng dang dở. Song song với đó là nhiều di chỉ văn hóa Sa Huỳnh đã được khai quật nhằm phục vụ đoàn khảo sát xây dựng hồ sơ không gian văn hóa Sa Huỳnh trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Cả một nền văn hóa 2.000-2.500 năm tưởng chừng ngủ im trong lòng đất đã được đánh thức. Hơn 100 năm qua, bắt đầu từ khi văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ học người Pháp M. Vinet phát hiện năm 1909 tại Sa Huỳnh, thì cái tên địa danh ấy đã được đặt tên cho nền văn hóa khảo cổ này: “Văn hóa Sa Huỳnh”, sánh ngang với văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc và văn hóa Óc Eo ở phía Nam. Sa Huỳnh là nền văn hóa tồn tại trước Công nguyên 500 năm và kéo dài đến thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên. Nền văn hóa Sa Huỳnh cùng với văn hóa Đông Sơn, văn hóa Óc Eo tạo thành tam giác văn hóa của Việt Nam từ khởi thủy.

Theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, thì thông tin đầu tiên trong Niên giám 1909 của tập san Trường Viễn Đông Bác cổ về việc phát hiện một kho chum khoảng 200 chiếc nằm cách mặt đất không sâu, trong một cồn cát ven vùng biển Sa Huỳnh. Từ đó đến nay, hàng trăm di tích của nền văn hóa này đã được tìm thấy khắp các tỉnh ven biển miền Trung từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận. Trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu, hiện đã có 26 di tích được khai quật.

Vùng lõi văn hóa Sa Huỳnh cần được bảo vệ đặc biệt rộng hơn 1.600ha gồm: Di tích Long Thạnh (còn gọi là Gò Ma Vương), Di tích Thạnh Đức, Di tích Phú Khương, Quần thể di tích Chămpa trong không gian Sa Huỳnh, đầm An Khê, lạch An Khê - sông Cửa Lỗ đều ở Sa Huỳnh. Diện mạo của văn hóa Sa Huỳnh, từ nguồn gốc đến các giai đoạn phát triển, từ loại hình di tích, di vật đến đặc trưng văn hóa… ngày càng được khám phá rõ nét hơn.

Cũng theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, thủy tinh nhân tạo là một thành tựu rực rỡ của văn hóa Sa Huỳnh. Đây là một trong những nơi làm ra thủy tinh nhân tạo sớm trên thế giới. Chúng không những có kiểu dáng đa dạng, mà còn phong phú về màu sắc như xanh lơ, xanh đen, xanh lá mạ, xám, tím, đỏ và nâu.

Nâng giá trị cho miền di sản

Gò Cỏ bây giờ “bỗng dưng” nổi tiếng, dù ít năm vừa qua, người dân nơi đây đã đón không ít đoàn khách đến tham quan thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa và cả để nghỉ dưỡng. Trong Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh nằm bên đầm An Khê cách trung tâm làng Gò Cỏ vài trăm mét, nhiều người khách lạ như thấy mình lạc vào vùng đất đã từng hàng ngàn năm dung chứa nhiều câu chuyện của người xưa. Với hành trình chống chọi với đủ thứ khắc nghiệt của thiên nhiên, để ghè đẽo chế tác, săn bắt, canh tác, ăn uống, yêu đương… rồi cả những hoạt động thương mại với các nền văn minh Trung Hoa, Ấn Độ đều hiện hữu nơi này.

Đầm An Khê tổ chức nhiều hoạt động du lịch như chèo thuyền, đánh bắt cá... được du khách thích thú khám phá. Ảnh: Tiêu Dao

Sa Huỳnh gần như là nơi duy nhất còn giữ lại được không gian sinh tồn của người cổ Sa Huỳnh, từ môi trường sinh thái, địa lý nhân văn, địa chất địa mạo... Đây là nguồn tài nguyên quý hiếm, là “bảo tàng sống” cho công tác nghiên cứu và phát triển du lịch bền vững. Di sản văn hóa dân gian của cư dân sống quanh đầm An Khê, nương tựa vào đầm An Khê là một di sản văn hóa phong phú, đặc trưng. Vài ba năm trở lại đây, làng Gò Cỏ và các khu vực lân cận như đầm An Khê, Gò Ma Vương... được định hướng để xây dựng thành điểm du lịch, làng du lịch cộng đồng. Những người dân một đời chỉ quen đi biển, làm muối, trồng cấy đã hăng hái trước vận mệnh của làng, của vùng đất này. Ngay cả những người nhiều tuổi trong làng như bà Bùi Thị Vân, bà Huỳnh Thị Thương cũng học làm du lịch. Ngôi nhà tranh của bà Vân giờ đã thành homestay.

“Làng tôi từng không ai biết, không ai thèm đến. Chính con cháu trong làng cũng bỏ đi nơi khác sinh sống. Nhưng giờ khác rồi, du khách đến nườm nượp, nhiều đến mức có khi chúng tôi phải từ chối đón đoàn vì quá tải” - bà Vân tâm sự.

Cùng với đó, như ông Lê Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cũng tự hào khi nói rằng, bà con ở vùng này đã chú trọng quan tâm tôn tạo, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp, xây dựng các hạ tầng homestay, dịch vụ ăn uống, tham quan trải nghiệm đan lưới, làm bánh, hát hố, hát bài chòi. “Cái này đang làm rất tốt, thu hút được con em có kiến thức đi làm ăn xa trở về cùng tham gia. Nhiều người trẻ sau khi đi học đã mang kiến thức về để phát triển du lịch địa phương. Đời sống người dân đã khá lên trông thấy nhờ di sản này. Hy vọng trong tương lai, với sự đầu tư của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp, thì Sa Huỳnh sẽ là điểm du lịch nổi bật ở miền Trung này” - ông Phụng cho biết.

Sa Huỳnh bây giờ đã lột xác không ngờ, bởi nơi ấy không chỉ có di sản, mà văn hóa làng còn vẹn nguyên. Du khách đến vẫn được người dân hướng dẫn đánh bắt cá bằng thuyền nan trên đầm An Khê hay trên sông Cửa Lỗ, vun đất trồng khoai hay ngồi đan lưới, làm bánh ít... Gò Cỏ cùng với hàng loạt địa điểm như Gò Ma Vương, tháp Núi Một, tháp Gò Đá, cầu Đá, miếu Chămpa, bia ký Vũng Bàng, hệ thống giếng Chămpa gồm 12 giếng, con đường xếp đá cổ, hệ thống mương dẫn nước cổ; địa điểm đầm An Khê và lạch An Khê - sông Cửa Lỗ… tạo thành một hệ thống du lịch từ văn hóa cổ tới thiên nhiên và nghỉ dưỡng rất tiềm năng. Không những thế, địa danh văn hóa Sa Huỳnh bây giờ đã có danh phận, trong khi Di sản văn hóa Sa Huỳnh lại may mắn hội tụ đầy đủ những giá trị về du lịch.

Tiêu Dao

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gia-tri-vinh-cuu-cua-van-hoa-sa-huynh-post460105.html