Giã từ xứ sở hoa anh đào, bỏ 'kiếp làm thuê' về quê làm ông chủ

Sau 6 năm định cư ở Nhật với công việc ổn định, được gần gũi với người thân trong gia đình, thế nhưng anh quyết định về quê hương Bình Định tìm cơ hội làm ăn, để 'rứt đời' ra khỏi cảnh làm thuê.

Nhặt tiền bên Nhật

Anh là Phạm Ngọc Thọ (SN 1973) hiện ở số nhà 16 - 18 Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn). Thọ sang định cư bên Nhật vào năm 1994 theo diện đoàn tụ gia đình. Vì mất thời gian làm thủ tục xuất cảnh mà anh dở dang việc học, sang đất khách quê người mà trong tay chưa có bằng tốt nghiệp cấp 3.

Anh Phạm Ngọc Thọ trò chuyện với PV

Ngày ấy, nước Nhật có nhiều chính sách ưu đãi người nhập cư theo diện đoàn tụ, nên anh đã kiếm được việc làm ổn định. “Vừa sang Nhật là tôi được Chính phủ Nhật cho đi học về văn hóa, lối sống của nước họ 4 tháng, sau đó học tiếng Nhật 2 tháng. Mọi chi phí học hành Nhà nước Nhật lo tất. Ngoài ra, mỗi tháng tôi còn được hỗ trợ 50 USD để tiêu vặt”, Thọ nhớ lại.

Không chỉ được tạo điều kiện thích nghi với cuộc sống mới, Thọ còn được tạo điều kiện kiếm việc làm ổn định. Khi còn đang học, nhiều công ty của Nhật đã đến tận lớp tuyển chọn công nhân. Thọ được cho đi tham quan cơ sở sản xuất của nhiều nhà máy để chọn cho mình công việc phù hợp.

Khi ấy, Thọ chọn làm tại 1 nhà máy chuyên dập khuôn các sản phẩm kim loại. Công việc tuy không vất vả, vì máy móc vận hành hết, nhưng cả ngày phải đứng “chôn chân” 1 chỗ và 2 tay “múa may” liên tục để bắt kịp nhịp vận hành máy móc, nhiều khi Thọ thấy “bó chân” dù có thu nhập ổn định. Mới vào việc, Thọ được nhận mức lương 1.800 - 2.000 USD/tháng, sau tăng dần đến 2.400 USD/tháng.

Công việc ổn định, được đoàn tụ với gia đình, nhưng trong lòng Thọ vẫn đau đáu về quê hương. “Hàng ngày tôi đi làm mà lòng không ngớt nghĩ đến quê nhà. Bởi tôi nghĩ, nếu cứ định cư ở Nhật thì phải chấp nhận kiếp làm thuê. Do vậy, trong lúc định cư tôi chi tiêu rất tiết kiệm, dành dụm vốn liếng để chờ 1 ngày nào đó về quê làm ăn”, Thọ tâm sự.

Những chuyến về thăm quê, Thọ không ngớt theo dõi báo chí, “ngó nghiêng ngó ngửa” để nắm bắt tình hình. Với sự mẫn cảm, Thọ biết Bình Định trồng rừng mạnh nhất miền Trung với hơn 150.000ha, mỗi năm khai thác và trồng mới hơn 10.000ha. Rừng trồng hầu hết là ở trên núi, khi khai thác phải có đường để vận chuyển gỗ về xuôi.

Muốn có đường thì phải cần đến xe múc, xe ủi…, vậy là Thọ chọn ngay xe cơ giới nặng phục vụ việc trồng rừng để khởi nhiệp. Thêm vào đó, Bình Định có hơn 100 doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Đã làm đồ gỗ thì phải cần xe nâng, thêm 1 đối tượng nữa được Thọ chọn cho công cuộc kinh doanh khi về định cư tại quê nhà.

Về quê dựng cơ nghiệp

Năm 2000, Thọ quyết định giã từ xứ sở hoa anh đào. Sau 6 năm dành dụm, trong tay Thọ chỉ có khoảng 100 ngàn USD. Chừng ấy tiền không thấm vào đâu. Thọ quyết định kinh doanh máy cơ giới nặng đã qua sử dụng cho nhẹ vốn. Gọi là máy cũ nhưng hầu như còn rất mới.

Chiếc xe được lắp hoàn chỉnh chuẩn bị giao cho khác hàng

Mùa đông ở Nhật thường có tuyết rơi, nên hầu hết các gia đình sắm 1 chiếc máy đào để xử lý tuyết trong sân nhà mình. Tuyết rơi khoảng 1 tháng, vài 3 ngày mới múc tuyết 1 lần, nên cả năm chiếc máy đào vận hành chỉ chục lần, 1 lần vài ba giờ đồng hồ. Khi thị trường cho ra đời máy mới là họ bán máy cũ dù chưa hư hỏng gì. Những ngày ấy, hàng ngày Thọ dong xe đi khắp nơi mua máy đưa về nước bán.

Ngày đầu khởi nghiệp vốn liếng còn khó, suốt 3 năm liền Thọ phải thuê bãi để đưa hàng về. Chuyện làm ăn ngày càng thuận tiện, Thọ nghĩ cần phải có nơi chốn ổn định để xây dựng nhà xưởng, kho bãi. Năm 2004, Thọ mua dần của người dân xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) được 1.400m2 đất dọc QL1 để thành lập Cty TNHH Thương mại Việt - Nhật JP, chuyên mua bán xe chuyên dùng, máy móc thiết bị và phụ tùng máy phục vụ sản xuất lâm nghiệp, ngư nghiệp và xây dựng.

Rồi Thọ mua thêm những thửa đất liền kề mở rộng kho bãi lên 8.000m2. Bấy nhiêu cũng chưa đủ để xây dựng nhà xưởng lắp ráp máy, được UBND tỉnh ưu ái, Thọ thuê thêm 6.000m2 đất liền kề phía sau với thời hạn 50 năm.

“Hồi đó, ở Bình Định chỉ có những công ty lớn mới có máy đào, đếm trên đầu ngón tay. Trong khi nhu cầu làm đường vào các khu rừng trồng là bát ngát, vả lại mặt hàng này được Nhà nước Việt Nam miễn thuế, thuế nhập khẩu bằng 0, nên tôi cầm chắc thắng lợi nếu về quê kinh doanh máy cơ giới nặng”, Thọ nói.

Qua 6 năm, Thọ ngày càng ăn nên làm ra. Thọ không còn phải đi đi lại lại để mua rong máy móc, mà đặt hẳn bên Nhật 1 công ty thu mua máy, đóng container đưa về Việt Nam. “Hiện công ty chúng tôi cung ứng đủ các loại máy múc, máy ủi, máy đào, xe lu, xe nâng; riêng xe nâng chúng tôi bán xe hoàn toàn mới. Mỗi năm bán ra khoảng 150 xe cơ giới nặng”, Thọ cho biết.

Hôm tôi đến công ty làm việc với Thọ, tình cờ tôi được trò chuyện với 1 khách hàng từ Mang Giang (Gia Lai) xuống mua máy đào về phục vụ cho rẫy cà phê.

Anh Nguyễn Văn Hiệu (40 tuổi) nguyên là người ở xã Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ, Bình Định) lên Mang Giang làm cà phê đã 10 năm nay, đang sở hữu 5ha cà phê.

Công việc cải tạo đất trong sản xuất cà phê rất cần nhân công, tuy nhiên công làm rất cao, nên anh Hiệu tiến tới cơ giới hóa để đạt hiệu quả cao hơn.

“Lâu nay cứ dựa vào nhân công, nên đôi khi tiến độ sản xuất trì trệ, vì nhân công ngày càng hiếm, nhiều khi muộn thời vụ. Lần này tôi xuống Cty Việt - Nhật mua 1 cái máy đào loại nhỏ để cải tạo đất. Tuy bỏ ra một lúc 150 triệu đồng, nhưng bù lại máy móc làm thì hiệu quả tăng cao”, anh Hiệu bộc bạch.

Nông dân Nguyễn Văn Hiệu từ Mang Giang (Gia Lai) xuống Bình Định mua máy đào về làm rẫy cà phê

“Đến cuối năm 2017, Bình Định có 6 dự án của người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư, tổng vốn đăng ký 28 triệu USD, trong đó có 3 dự án đã đi vào hoạt động, 2 dự án đang triển khai và 1 dự án đang triển khai giai đoạn 2. Ngoài ra, còn có 8 doanh nghiệp về quê lập nghiệp trên mọi lĩnh vực. Tuy chưa nhiều, nhưng đóng góp của người Việt ở nước ngoài đã tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập tốt cho người dân địa phương”, ông Hồ Quốc Dũng , Chủ tịch UBND tỉnh.

VŨ ĐÌNH THUNG

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/gia-tu-xu-so-hoa-anh-dao-bo-kiep-lam-thue-ve-que-lam-ong-chu-post217147.html