Giá vàng, giá dầu và chứng khoán châu Á đều đi xuống trong phiên 3/4

Trong phiên giao dịch chiều 3/4 tại thị trường châu Á, giá dầu giảm sau khi khi nhận mức tăng lớn nhất trong một ngày, giá vàng sụt giảm do đồng USD mạnh lên, thị trường chứng khoán châu Á đi xuống.

Vàng miếng được trưng bày tại một sàn giao dịch ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Trong phiên giao dịch chiều 3/4 tại thị trường châu Á, giá dầu giảm sau khi khi nhận mức tăng lớn nhất trong một ngày, giá vàng sụt giảm do đồng USD mạnh lên, thị trường chứng khoán châu Á đi xuống.

Giá dầu châu Á đảo chiều giảm trong phiên chiều 3/4

Giá dầu châu Á đi xuống trong phiên chiều 3/4 sau khi ghi nhận mức tăng lớn nhất trong một ngày hồi phiên trước đó.

Giá dầu hạ phản ánh tâm lý hoài nghi của thị trường về thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đóng vai trò trung gian cho một thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Saudi Arabia và Nga.

Theo đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 3,2% (tương đương 97 xu Mỹ) xuống 28,97 USD/thùng vào lúc 14 giờ 36 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi đã tăng vọt tới 21% vào phiên 2/4.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 4,1% (khoảng 1,04 USD) xuống 24,28 USD/thùng. Trong phiên 2/4, giá dầu này đã tăng tới 24,7%.

Tổng thống Trump cho biết Saudi Arabia và Nga có thể cắt giảm sản lượng từ 10-15 triệu thùng mỗi ngày - một con số chưa từng có và chiếm từ 10-15% nguồn cung toàn cầu. Song ông Trump không đưa ra đề nghị cắt giảm sản lượng của phía Mỹ.

Cũng trong ngày 2/4, Saudi Arabia đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn cấp giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất ngoài khối. Quốc gia vùng Vịnh này nói rằng họ cần đạt được một thỏa thuận công bằng để ổn định thị trường dầu mỏ.

Các nhà phân tích của ngân hàng UBS cho biết họ vẫn hoài nghi về khả năng các nhà sản xuất dầu có thể cam kết cắt giảm sản lượng. Những chuyên gia này dự kiến giá dầu sẽ chịu áp lực trở lại.

Trong khi đó, các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs nói rằng ngay cả khi đạt được một thỏa thuận, sự phối hợp cần thiết giữa các bên để thực hiện thỏa thuận này sẽ khiến việc thực thi diễn ra “nhỏ giọt.”

Các nhà phân tích cho biết rất khó để Nga và Saudi Arabia đạt được một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến giá cả giữa hai bên mà không có sự tham gia của các nhà sản xuất lớn khác.

Kể cả khi có một thỏa thuận như vậy, liệu nó có thể được ký kết đủ nhanh và có quy mô đủ lớn để cân bằng thị trường khi kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái sâu sắc do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chuyên gia Helima Croft, người đứng đầu mảng chiến lược hàng hóa tại công ty môi giới đầu tư RBC Capital Markets, cho biết, Saudi Arabia có thể giảm sản lượng xuống khoảng 8,5 triệu thùng/ngày.

Nhưng nước này sẽ khó giảm thêm xuống dưới mức đó vì Saudi Arabia vẫn muốn duy trì sản xuất khí đồng hành. Trong khi đó, Nga có thể sẽ tìm kiếm một số yêu cầu về nới lỏng các biện pháp trừng phạt từ Washington.

Giá vàng châu Á đi xuống phiên cuối tuần

Giá vàng tại thị trường châu Á sụt giảm trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 3/4, do đồng USD mạnh lên, mặc dù với biên độ hẹp khi giới đầu tư chờ đợi báo cáo việc làm tháng 3/2020 của Mỹ nhằm có thêm minh chứng về tác động kinh tế của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chiều phiên này, tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay giảm 0,2%, xuống 1.609,47 USD/ounce, sau khi tăng 1,4% trong phiên trước đó, do dữ liệu mới đây cho hay số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 27/3 tăng mạnh, qua đó càng làm dấy lên lo ngại về những tác động kinh tế của dịch COVID-19 và hướng các nhà đầu tư tới các tài sản an toàn như vàng.

Giá vàng giao ngay đã giảm 0,6% kể từ đầu tuần này, sau khi chứng kiến mức tăng 8% vào tuần trước. Giá vàng giao kỳ hạn cũng hạ 0,5% trong phiên này, xuống 1.629,20 USD/ounce.

Ilya Spivak, chiến lược gia tiền tệ của DailyFx, cho biết, giá vàng không thể duy trì đà tăng trong phiên này, do đồng USD mạnh lên. Đồng bạc xanh tăng 0,1% so với các đồng tiền chủ chốt khác trong rổ tiền tệ quốc tế, dao động quanh mức cao nhất một tuần ghi nhận trong phiên giao dịch ngày 2/4, giữa lúc các nhà đầu tư quan ngại về triển vọng suy thoái toàn cầu.

Theo ông Spivak, nếu số liệu về việc làm của Mỹ trong tháng Ba vừa qua thực sự tệ, Mỹ nhiều khả năng sẽ rơi vào suy thoái sâu và giá vàng cũng sẽ giảm do nhu cầu tiền mặt tăng cao trở lại.

Các chuyên gia kinh tế dự báo thị trường việc làm của Mỹ sẽ mất khoảng 100.000 việc làm trong tháng vừa qua, trái ngược với mức tăng 273.000 việc làm trong tháng Hai.

Giá vàng đã tăng 6% kể từ đầu năm nay, song gần đây đã chứng kiến đà bán tháo tăng mạnh do sự bất ổn của thị trường chứng khoán toàn cầu khiến giới đầu tư tăng cường bán vàng để lấy tiền mặt cũng như để chốt lời trong giai đoạn kinh tế khó khăn do khủng hoảng dịch bệnh COVID-19.

Cũng trong phiên 3/4, giá palladium đứng ở mức 2.213,25 USD/ounce, không đổi so với phiên trước đó. Trong khi giá bạch kim giảm 0,7%, xuống 722,39 USD/ounce. Giá bạc mất 0,7%, xuống 14,44 USD/ounce.

Vào lúc 15 giờ 45 phút ngày 3/4, Công ty Vàng bạc, Đá quý Sài gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 47,050-48,070 triệu/lượng (mua vào-bán ra).

Một cơ sở khai thác dầu tại cảng Jubail, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/ TTXVN

Chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên 3/4

Thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên ngày 3/4, "phớt lờ" đà tăng trên Phố Wall phiên trước trong bối cảnh các nhà đầu tư đón nhận thông tin cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ đã tăng vọt lên 6,7 triệu đơn trong tuần trước khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 buộc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.

Các quan chức y tế cũng cảnh báo rằng tác động từ dịch COVID-19 sẽ tồi tệ hơn trước khi tình hình được cải thiện, trong khi đó các chuyên gia cho rằng các nền kinh tế tổn thương nhiều hơn.

Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 được giao dịch ở mức 17.820,19 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 0,6% xuống 2.763,99 điểm, còn chỉ số Hang Seng của Hong Kong hạ 0,2% xuống 23.236,11 điểm.

Chứng khoán Sydney và Mumbai giảm hơn 1%, chứng khoán Singapore để mất hơn 2% còn chứng khoán Bangkok hạ 0,4%. Tuy nhiên, chứng khoán Jakarta và New Zealand đi lên.

Cùng ngày, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết dịch COVID-19 có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 4.000 tỷ USD, tương đương 5% GDP toàn cầu, khi dịch bệnh này đang tàn phá kinh tế Mỹ, châu Âu và các nước lớn khác.

ADB cũng dự đoán tăng trưởng khu vực châu Á sẽ ở mức 2,2% trong năm nay, mức tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính tại khu vực này 22 năm trước, trong khi GDP của Trung Quốc ước tính tăng 2,3%.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, thị trường đi lên trong suốt phiên giao dịch hôm nay, đặc biệt càng cuối phiên giao dịch các cổ phiếu tăng càng mạnh, nhiều mã cổ phiếu đầu ngành đã tăng lên mức giá trần.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/4, VN-Index tăng 21,57 điểm (3,17%) lên 701,8 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 233 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 3.502,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 297 mã tăng; trong đó có tới 58 mã tăng trần. Ở chiều giảm giá có 90 mã, trong khi có 41 mã đứng ở mức giá tham chiếu.

HNX-Index cũng tăng tới 2,23 điểm (2,33%) lên 97,84 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 53 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 482,8 tỷ đồng. Toàn sàn có 118 mã tăng giá; trong đó có 38 mã tăng trần. Có 52 mã giảm giá và 38 mã đứng ở mức giá tham chiếu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/gia-vang-gia-dau-va-chung-khoan-chau-a-deu-di-xuong-trong-phien-34/632252.vnp