Giá vàng thế giới tăng vọt lên mức kỷ lục mới 2.100 USD

Hôm thứ Hai (4/12), giá vàng lập kỷ lục với giá giao ngay chạm mức 2.100 USD khi cơn sốt vàng thỏi toàn cầu dường như sẽ tiếp tục.

Các nhà phân tích cho biết giá vàng đang trên đà đạt mức cao mới vào năm 2024 và có thể duy trì trên mức 2.000 USD/ounce, do bất ổn địa chính trị, đồng đô la Mỹ có thể yếu hơn và khả năng cắt giảm lãi suất.

Giá vàng đã tăng trong hai tháng liên tiếp khi xung đột Israel-Palestine thúc đẩy nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn, trong khi kỳ vọng cắt giảm lãi suất đã góp phần hỗ trợ thêm đà tăng cho vàng. Vàng có xu hướng hoạt động tốt trong thời kỳ bất ổn kinh tế và địa chính trị do vị thế của nó là một kho lưu trữ giá trị đáng tin cậy.

Heng Koon How, chiến lược gia của UOB cho biết: “Sự suy giảm được dự đoán của cả USD và lãi suất trong năm 2024 là động lực tích cực chính cho vàng”. Ông ước tính giá vàng có thể lên tới 2.200 USD/ounce vào cuối năm 2024.

Nicky Shiels, người đứng đầu chiến lược kim loại tại công ty kim loại quý MKS PAMP cho biết: “Đơn giản là đòn bẩy lần này ít hơn so với năm 2011 đối với vàng… có thể đưa giá vàng vượt qua mức 2.100 USD và dự kiến là 2.200 USD/ounce”.

Giá vàng giao ngay đã tăng lên mức cao kỷ lục mới là 2.110,8 USD/ounce vào thứ Hai (4/12) trước khi điều chỉnh trở lại và hiện giao dịch ở mức 2.088,3 USD/ounce.

Diễn biến giá vàng

Theo dữ liệu của LSEG, vàng chạm mức 2.075,09 USD vào thứ Sáu (1/12) và vượt qua mức cao kỷ lục trong ngày là 2.072,5 USD vào ngày 7/8/2020.

Bart Melek, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại TD Securities dự kiến giá vàng sẽ đạt trung bình 2.100 USD trong quý II/2024, với hoạt động mua vào mạnh mẽ của ngân hàng trung ương đóng vai trò là chất xúc tác chính thúc đẩy giá.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), 24% ngân hàng trung ương có ý định tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tới, do họ ngày càng bi quan về đồng đô la Mỹ như một tài sản dự trữ.

“Điều này có nghĩa là nhu cầu có thể cao hơn từ khu vực chính thức trong những năm tới”, chiến lược gia Bart Melek cho biết.

Bên cạnh đó, khả năng xoay trục chính sách của Fed vào năm 2024 cũng có thể được tính đến. Lãi suất thấp hơn có xu hướng làm suy yếu đồng đô la và đồng đô la yếu hơn khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua quốc tế, do đó thúc đẩy nhu cầu.

Fed bắt đầu đợt tăng lãi suất đều đặn vào tháng 3/2022 khi lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 40 năm, làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Lãi suất cao hơn làm ảnh hưởng đến nhu cầu về vàng, vì các tài sản như trái phiếu trở nên sinh lợi hơn do lợi suất cao hơn.

Vào ngày 29/11, Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết, ông đã hình dung ra chính sách nới lỏng tiền tệ nếu dữ liệu lạm phát tiếp tục giảm trong vòng 3 đến 5 tháng tới, khiến các nhà phân tích dự báo giá vàng sẽ tăng vọt.

Vào thứ Sáu (1/12), trong khi Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đẩy lùi kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất mạnh mẽ trong thời gian tới, nhận xét của ông cho thấy Fed phần nào đã có thể đã hoàn tất việc tăng lãi suất vào lúc này.

BMI Research cho biết: “Chúng tôi tin rằng các yếu tố chính thúc đẩy vàng vào năm 2024 sẽ là việc Fed cắt giảm lãi suất, đồng đô la Mỹ yếu hơn và căng thẳng địa chính trị vẫn ở mức cao”.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/gia-vang-the-gioi-tang-vot-len-muc-ky-luc-moi-2100-usd-post335160.html