Giá vàng thế giới và trong nước cùng giảm sâu, dù chưa liên thông

Giá vàng thế giới giảm sâu khi bất ổn địa chính trị tạm lui. Còn trong nước, giá cũng giảm nhưng chủ yếu là phản ứng của thị trường từ cách mà Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng.

Phiên giao dịch đầu tuần, ngày 22-4, theo giờ New York, thị trường thế giới đã chứng kiến một phiên giảm sốc của giá vàng.

Đóng cửa phiên giao dịch, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm đến 2,5% xuống 2.330,5USD/ounce. Giá vàng giao hợp đồng tương lai trên thị trường New York hạ 2,8% xuống 2.346,4USD/ounce.

Đây là phiên hạ sâu nhất của giá vàng trong hơn một năm qua.

Theo một chuyên gia về vàng, sức ép buộc các doanh nghiệp phải hạ giá mua bán vàng trong nước là rất lớn bởi nếu họ không chủ động làm việc này, họ phải ôm rất nhiều vàng ở vùng giá cao. Ảnh: GettyImages

Đây là phản ứng tức thì của thị trường, khi mà các diễn biến mới nhất tại Trung Đông cho thấy điểm nóng này đã hạ nhiệt. Các cuộc tấn công từ cả Iran hay Israel đều không gây ra nhiều thiệt hại và hiện cũng chưa có dấu hiệu gì cho thấy tình hình căng thẳng hơn trong ngắn hạn.

“Rủi ro về khả năng trả đũa tức thời tại khu vực Trung Đông đã được loại bỏ ít nhất ở hiện tại, vì vậy không ngạc nhiên khi nhà đầu tư bán vàng. Điều tiếp theo khiến nhà đầu tư quan tâm là giá vàng sẽ hạ đến đâu”, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại công ty chứng khoán TD Securities – ông Daniel Ghali phân tích.

Tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường vàng và thị trường chứng khoán Mỹ trái ngược trong phiên đầu tuần. Trong khi thị trường vàng chứng kiến nhiều đợt bán mạnh thì thị trường chứng khoán lại chứng kiến tâm lý lạc quan khi các chỉ số thị trường lên điểm khá mạnh.

Nhà đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu đang chờ đợi thông tin về chỉ số chi tiêu cá nhân của người Mỹ (PCE) được công bố vào ngày thứ Sáu tuần này (ngày 26-4) để có thể dự báo được chính xác hơn về lộ trình cắt giảm lãi suất cơ bản đồng USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chủ tịch Fed tại Chicago, ông Austan Goolsbee, đã không còn nói đến sự cấp thiết của việc hạ lãi suất.

Diễn biến đầy kịch tính của giá vàng thế giới trong 5 phiên gần nhất - Nguồn: Kitco News

Tại thị trường trong nước, đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 81 – 83,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), chênh lệch mua vào – bán ra lên đến 2,5 triệu đồng/lượng, cao hơn 500 nghìn đồng/lượng so với phiên liền trước.

Giá vàng nhẫn trơn PNJ 999.9 ở mức 74,3 – 76,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), chênh lệch mua vào – bán ra 1,9 triệu đồng/lượng.

Các mức giá trên vẫn còn khoảng cách khá lớn với giá vàng thế giới, mà quy đổi theo tỷ giá cùng ngày tương đương khoảng 72,3 triệu đồng/lượng.

Do chưa thực sự có liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thế giới, nên diễn biến này chủ yếu là phản ứng của thị trường trong nước với cách mà Ngân hàng Nhà nước can thiệp bằng các thông tin đấu thầu vàng miếng.

Giá tham chiếu cho cuộc đấu thầu dự kiến tổ chức hôm qua là 81,80 triệu đồng/lượng, vốn đã thấp hơn mặt bằng thị trường. Tiếp đó, dù cuộc đầu thầu bị hủy, thì giá tham chiếu mà Ngân hàng Nhà nước thông báo cho cuộc đấu thầu vàng miếng, dự kiến tổ chức hôm nay, lại được điều chỉnh giảm tiếp, còn 80,7 triệu đồng/lượng.

Chưa rõ cuộc đấu thầu được lên kế hoạch vào 10 giờ sáng nay có được triển khai trên thực tế hay diễn biến sẽ thế nào, nhưng theo một chuyên gia về vàng, các tín hiệu thể hiện sự quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước đã tạo sức ép, buộc các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước phải hạ giá. Bởi nếu không chủ động làm việc này, họ sẽ gặp rủi ro từ việc ôm giữ vàng ở vùng giá cao.

Trên thị trường đôla tự do tại Hà Nội, tỷ giá vẫn tiếp tục “nóng”, đồng USD giao dịch ở mức 25.750 – 25.850 đồng/USD.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/gia-vang-the-gioi-va-trong-nuoc-cung-giam-sau-du-chua-lien-thong-post786945.html