Giá vé máy bay tăng: Kích cầu du lịch nội địa bị ảnh hưởng

Thời gian gần đây, giá vé máy bay trong nước tăng cao liên tục đã và đang ảnh hưởng đến mục tiêu kích cầu du lịch của các địa phương, trước mắt là trong mùa hè này, đặc biệt là dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 sắp tới.

Giá vé máy bay đang quá đắt

Theo tính toán, trong tổng số chi phí du lịch thì giá vé máy bay chiếm tỷ trọng từ 40 - 60%. Như vậy, nếu như giá vé máy bay không ở mức hợp lý, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch đi du lịch nghỉ dưỡng của người dân, nhất là trong các dịp nghỉ lễ hay cao điểm hè. Điều này đã và đang tác động đến xu hướng chọn địa điểm đến của du khách, nhất là khi so sánh giá giữa đi du lịch trong nước và đi du lịch quốc tế.

Thực tế, việc giá vé máy bay nội địa cao vọt là chuyện đã nghe, nói, đã bàn rất nhiều từ lâu nay. Tuy nhiên, khi áp vào so sánh với những con số cụ thể, mới giật mình thấy sự vô lý và hệ lụy của nó.

Theo khảo sát, hiện giá vé máy bay, nhất là các đường bay nội địa đang ở mức cao. Điển hình như một cặp vé máy bay khứ hồi từ TP.HCM, Hà Nội đi Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc,… đắt gần bằng 1 tour du lịch nước ngoài. Nhiều hãng lữ hành đang chào giá từ 7 đến 10 triệu đồng/tour du lịch từ TP.HCM, Hà Nội đi Thái Lan 4 ngày 3 đêm (hoặc 5 ngày 4 đêm) với nhiều địa điểm khác nhau. Chuyến đi bao gồm vé máy bay, vé ăn tối nhà hàng 5 sao, xem biểu diễn, đi tham quan các chùa, đi thuyền trên dòng Chao Phraya… và di chuyển 2 địa điểm là Bangkok - Pattaya. Cũng lịch trình tương tự, nhưng nếu điểm đến là Trung Quốc, Singapore, Indonesia… thì giá có nhỉnh hơn một chút, từ 10 đến 14 triệu đồng/người.

Giá vé máy bay nội địa tăng, nhiều du khách chọn tour du lịch nước ngoài.

Trong khi đó, giá một cặp vé khứ hồi chặng bay TP.HCM hay Hà Nội đến Đà Nẵng thời điểm này đang dao động ở các mức 5 triệu đồng, 6 triệu đồng và 7 triệu đồng tùy theo hãng bay. Thậm chí còn cao hơn nữa vào sát ngày nghỉ lễ.

Vé máy bay đắt đỏ, ngoài nguyên nhân khách quan là do hơn 40 máy bay phải sửa chữa, bảo dưỡng động cơ; hãng hàng không ngừng hoạt động, hãng thu hẹp kinh doanh… thì nguyên nhân chủ quan còn đến từ việc phải “gánh” hơn 20 loại phí trực tiếp và gián tiếp.

Khách quan như sửa chữa máy bay thì không còn cách nào khác là phải chờ. Nhưng chủ quan đến từ 20 loại phí thì đã được nêu, được bàn, được đề xuất giải pháp rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa thấy lóe lên được tia hy vọng nào.

Nhiều người không “mặn mà” với tour nội địa

Điều đáng nói ở đây là không chỉ đắt đỏ đến mức vô lý mà vé máy bay nội địa thời điểm này còn khan hiếm, không phải cứ có tiền là mua được vé.

Với giá vé đắt đỏ cộng với khan hiếm đến vô lý như vậy, hệ lụy tất yếu là nhiều doanh nghiệp lữ hành đang “la làng” các tour nội địa trong dịp lễ 30/4 - 1/5 tới đây không thu hút được khách như kỳ vọng, đặc biệt là khách di chuyển hàng không, dù kỳ nghỉ kéo dài đến 5 ngày. Đây cũng là lý do nhiều người dân đã lựa chọn tour du lịch nước ngoài trong dịp này thay cho trong nước vì vừa có trải nghiệm mới, vừa rẻ hơn đi trong nước. Đó là còn chưa nói các tour trong nước dịp này nếu không giá cao thì dịch vụ cũng sẽ ảnh hưởng do giá vé máy bay tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn tới giá thành tour.

Theo đại diện một số công ty du lịch, thị trường du lịch trong mùa hè này, đặc biệt là dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 khá sôi động. Đối với tour du lịch trong nước, du khách có xu hướng đặt tour muộn và có tâm lý cân nhắc chọn tour đường bộ do vé máy bay tăng giá. Trong khi đó, các tour nước ngoài đã gần như kín chỗ vì có giá ưu đãi hơn so với tour nội địa.

Bà Nguyễn Lê Vân, Giám đốc Công ty Du lịch Bình An cho biết, hiện các tour du lịch ngoài nước đã lấp đầy khoảng 50% - 60%. Một số tour đặc biệt như Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc đạt tỉ lệ lấp đầy hơn 70%. Tại thị trường du lịch nội địa, các tuyến tour được khách quan tâm nhất có thể kể đến là Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định, Phú Quốc, Côn Đảo,... Tuy nhiên, số lượng người “chốt” tour chưa nhiều. Hầu hết, mọi người đặt tour ngoài nước vì có nhiều ưu đãi, giá cạnh tranh hơn các tour du lịch nội địa.

Ghi nhận tại Công ty Lữ hành Vietluxtour, thị trường tour du lịch mùa hè và dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 cũng đang sôi động. Trong đó, tour outbound (khách Việt du lịch nước ngoài) đạt khoảng trên 80% kế hoạch và du khách tập trung chọn các tuyến Thái Lan, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Úc, Đông Bắc Á… Riêng thị trường tour nội địa, hiện đã đạt khoảng 50%, bao gồm các loại tour trọn gói, combo, tour option…

Theo một khách hàng mua tour của Vietluxtour, gia đình chị đi du lịch 6 người với kế hoạch mua sắm khá lớn nên đã chọn tour đi Thái Lan, vì chi phí hợp lý và Thái Lan cũng có nhiều thứ để mua sắm hơn ở trong nước. “Khi tra cứu tour du lịch Thái Lan 5 ngày, mức giá chỉ dao động khoảng 7-8 triệu đồng/người, bằng 2/3 so với tour Phú Quốc. Tôi thấy việc chi khoảng 10 triệu đồng để đi nước ngoài đáng giá hơn cho một chuyến trong nước với mức giá tương tự”, vị khách hàng cho biết.

Giá thành phải chăng là yếu tố chính khiến các tour du lịch nước ngoài hấp dẫn du khách Việt. Trong khi đó, chi phí lưu trú, vé máy bay và vé tham quan các địa điểm trong nước có xu hướng tăng trong mùa hè năm nay.

Vẫn chờ mối liên kết du lịch - hàng không

Theo ghi nhận, để chuẩn bị cho chương trình du lịch hè năm nay, hiện các công ty du lịch đã lên kế hoạch đặt seri-booking vé máy bay, phòng và một số dịch vụ cơ bản khác. Thông thường vào mùa cao điểm các dịch vụ này sẽ tính phụ thu, với vé máy bay là áp dụng giá trần, do đó nếu không có sự chuẩn bị từ sớm thì rất khó ổn định giá tour hè nội địa.

Giá vé máy bay thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá tour du lịch, do đó khi giá vé máy bay biến động, giá tour đã xây dựng trước đó cũng sẽ khó tránh bị ảnh hưởng. Để tránh phải tăng giá do ảnh hưởng của giá vé trần điều chỉnh, các công ty du lịch, lữ hành cũng cho biết sẽ có chính sách khuyến khích khách hàng đặt vé sớm, giúp họ dễ hoạch định kế hoạch trong đặt seri-booking giá đoàn tốt hơn.

Đại diện Công ty Lữ hành Saigontourist cho biết, hợp tác giữa các hãng hàng không và công ty du lịch luôn là yêu cầu bức thiết, song thực tế quan hệ đối tác này chưa diễn ra như kỳ vọng. Trong khi nếu hãng hàng không và công ty du lịch cùng nhau chia sẻ dữ liệu, thông tin hay tham khảo phân tích thị trường của nhau thì có thể lên kế hoạch lịch trình bay hợp lý. Việc này giúp tối ưu hóa sự hiệu quả của các chuyến bay và tăng cơ hội bán vé, đồng thời đảm bảo rằng khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận các điểm đến mong muốn.

Các công ty du lịch luôn có kế hoạch bán tour, dịch vụ từng quý và tương đối chính xác, trong khi các hãng hàng không cũng tính được số chuyến bay dự kiến. Nếu hợp tác chia sẻ thì hai bên tối ưu được hiệu suất chuyến bay, từ đó có điều kiện giảm giá vé máy bay, đặc biệt trong mùa cao điểm.

Một trong những lý do mới đây Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất và Thủ tướng Chính phủ đồng ý hoán đổi để kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được kéo dài liên tục 5 ngày là nhằm tạo cơ hội để các địa phương kích cầu du lịch nội địa.

Việc này không chỉ tạo thêm công ăn việc làm cho người dân trước mắt mà còn nhắm đến mục tiêu phục vụ 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 850.000 tỉ đồng… mà ngành du lịch đã đặt ra cho năm 2024. Tuy nhiên, xem ra những mục tiêu này khó mà đạt được, ít nhất là trong kỳ nghỉ lễ 5 ngày tới đây vì giá vé máy bay nội địa đắt đỏ và khan hiếm không có dấu hiệu hạ nhiệt như thế này!

Hà Phong

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/gia-ve-may-bay-tang-kich-cau-du-lich-noi-dia-bi-anh-huong-169590.html