Gia Viễn: chuyển biến trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội

Với những giải pháp thiết thực, đồng bộ và hiệu quả, những năm gần đây, huyện Gia Viễn đã làm tốt công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; huy động sức mạnh của cộng đồng cùng chăm lo cho người nghèo.

Lao động làm việc tại Công ty SANICO VIET NAM, Cụm công nghiệp Gia Vân (Gia Viễn). Ảnh: Minh Quang

Lao động làm việc tại Công ty SANICO VIET NAM, Cụm công nghiệp Gia Vân (Gia Viễn). Ảnh: Minh Quang

Đây là cơ sở quan trọng để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân, người nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế cho địa phương.

Anh Hoàng Văn, một lao động ở xã Gia Tân đang làm việc trong Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công với mức thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng. Trước khi có công việc ổn định tại công ty này, anh Văn có quãng thời gian gần 10 năm làm việc tại tỉnh Bình Dương.

"Trước đây, tìm được việc làm tại quê hương rất khó khăn. Nhiều người trẻ như tôi đã phải ly hương vào tận các tỉnh phía Nam để tìm việc làm. Có việc làm, thu nhập ổn định, nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh bởi khi xa nhà có quá nhiều thứ phải chi tiêu.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của quê hương, từ năm 2019, tôi đã về quê tìm được việc làm và ổn định cuộc sống"- anh Văn chia sẻ. Gia Tân vốn là xã thuần nông. Tuy nhiên, những năm gần đây, phần lớn diện tích đất nông nghiệp được thu hồi phục vụ KCN Gián Khẩu. Địa phương xác định, đây vừa là cơ hội song cũng là thách thức lớn trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Bởi vậy, ngay từ khi có quyết định thu hồi đất, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu về việc học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp. Xã luôn đồng hành để chia sẻ khó khăn, giải đáp các vướng mắc, tư vấn kỹ cho nhân dân về cách lựa chọn nghề phù hợp. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng thực hiện đúng cam kết ưu tiên tạo việc làm cho lao động thuộc diện thu hồi đất.

Đến nay, toàn xã có hàng nghìn lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN Gián Khẩu với mức thu nhập ổn định. Hiện nay, huyện Gia Viễn có 4 khu, cụm công nghiệp đã và đang hoàn thiện, đi vào hoạt động, mang lại cơ hội việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Toàn huyện có 18 nghìn lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp với mức thu nhập ổn định, góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo bền vững, ổn định an sinh xã hội. Cùng với đó, huyện Gia Viễn cũng đã đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó, chủ yếu là nghề may công nghiệp.

Với hình thức liên kết đào tạo, doanh nghiệp cử cán bộ chuyên môn trực tiếp dạy nghề, cung cấp trang, thiết bị cho người học. Nhờ đó, học viên sau khi học xong đều được bố trí việc làm, đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Đáng chú ý, hầu hết lao động này đều ở độ tuổi ngoài 35- độ tuổi rất khó tìm việc trong các khu, cụm công nghiệp.

Ngoài ra, huyện Gia Viễn cũng đang duy trì hiệu quả các làng nghề như: nghề thêu ren ở Gia Xuân; làng nghề đan cót ở Gia Tân và làng nghề mây tre đan ở xã Gia Trung. Những cơ sở kinh doanh và làng nghề này đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động nông thôn, trong đó chủ yếu là những lao động ngoài độ tuổi tuyển dụng của doanh nghiệp, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho lao động nông thôn.

Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó có lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo là giải pháp hàng đầu được huyện Gia Viễn thực hiện rất có hiệu quả thời gian qua nhằm giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều hộ thuộc diện hộ nghèo do không còn trong độ tuổi lao động; không đủ sức khỏe để lao động; gặp tai nạn, rủi ro, bệnh tật… Vì vậy, bên cạnh việc tích cực kết nối việc làm cho người lao động, trong đó có lao động nghèo, huyện Gia Viễn cũng triển khai khá đa dạng, linh hoạt, có trọng điểm các phương pháp hỗ trợ khác để người nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống. Điển hình là huy động nguồn lực xã hội hóa, chung tay hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực như: Xây dựng, cải tạo nhà ở kiên cố để "an cư, lạc nghiệp"; tặng giống, vốn, tạo sinh kế phù hợp...

Để việc xã hội hóa công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, huyện đã giao cho Ủy ban MTTQ và các đoàn thể trong huyện tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là các doanh nghiệp phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ người nghèo thông qua Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội".

Với cách làm này, mỗi năm, Quỹ của huyện đã huy động được hàng tỷ đồng, tổng số tiền huy động từ năm 2017 đến nay đạt trên 6 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ này, huyện trích kinh phí hỗ trợ xây mới được trên 140 ngôi nhà, với tổng trị giá trên 4 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện Gia Viễn cũng huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, như Tập đoàn The Vissai, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Tập đoàn Vingroup... hỗ trợ kinh phí cho hàng trăm hộ nghèo xây mới, sửa chữa nhà ở.

Riêng năm 2021, các hội, đoàn thể của huyện đã khảo sát và kết nối hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 8 hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Qua đó, công tác giảm nghèo của huyện hàng năm đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn giai đoạn 2022-2025 của huyện Gia Viễn còn 1.184 hộ, chiếm tỷ lệ 2,97%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1.094 hộ, chiếm 2,76%.

Trong nhiệm kỳ 2021- 2025, Đảng bộ huyện Gia Viễn đã đặt ra mục tiêu mỗi năm giảm 0,4% hộ nghèo. Để đạt được mục tiêu này, huyện đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ và có lộ trình giảm nghèo cụ thể. Sau khi được phân công, mỗi cấp, mỗi ngành đều được khuyến khích áp dụng, sáng tạo các cách làm mới theo hướng cụ thể, chính xác và hiệu quả.

Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết thêm: Giai đoạn 2020-2025, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, huyện Gia Viễn vẫn coi đào tạo nghề là giải pháp quan trọng hàng đầu để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Huyện tiếp tục làm tốt công tác dự báo cung-cầu lao động để phối hợp với các cơ sở dạy nghề có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động. Phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo vào năm cuối cùng của nhiệm kỳ 2020- 2025 đạt trên 70%; tổng số lao động địa phương làm việc tại các KCN, CCN trên địa bàn đạt trên 19 nghìn người.

Cùng với đó, huyện tiếp tục quan tâm, huy động các nguồn lực tham gia vào công tác giảm nghèo. Việc xã hội hóa công tác giảm nghèo đã được chứng minh là một trong những giải pháp hiệu quả, vừa thể hiện được tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết trong cộng đồng, vừa tạo được một "lực đẩy" quan trọng đối với người nghèo thông qua sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực.

Trên cơ sở khảo sát, nắm rõ nguyên nhân nghèo, hoàn cảnh gia đình cũng như tâm tư, nguyện vọng của người nghèo, huyện cũng sẽ xây dựng phương án hỗ trợ thích hợp, hiệu quả, thực sự tạo "lực đẩy" để người nghèo vươn lên. Chẳng hạn, với người thiếu vốn sẽ được giới thiệu vay vốn tín chấp ở Ngân hàng Chính sách xã hội; người thiếu kiến thức được tập huấn, tư vấn lựa chọn mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp; người thiếu nông cụ sản xuất sẽ được hỗ trợ thông qua việc thực hiện các Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/gia-vien-chuyen-bien-trong-cong-tac-giam-ngheo-dam-bao-an/d2022031315577591.htm