Giả vờ bị lừa đảo để nhận tiền thưởng ở Nhật Bản

Giả vờ mắc bẫy khi nhận được các cuộc gọi lừa đảo, giúp cảnh sát tóm gọn tội phạm, người dân ở tỉnh Aichi có thể nhận được số tiền 10.000 yen.

Cảnh sát tỉnh Aichi (Nhật Bản) bắt đầu tuyên truyền đến người dân, khởi động chiến dịch "Giả vờ bị lừa" để triệt phá các loại tội phạm lừa đảo, nhất là lừa đảo qua điện thoại từ 1/5, theo Japan Today.

Chương trình này đang được áp dụng trước ở khu Minami, thành phố Nagoya. Khoản tiền thưởng được tài trợ bởi hiệp hội phòng chống tội phạm địa phương.

Các "nạn nhân" sẽ được nhận tiền nếu sự giúp đỡ của họ giúp cảnh sát xác định và bắt giữ được kẻ phạm tội.

Cảnh sát tỉnh Aichi đề xuất sáng kiến này sau khi ghi nhận sự gia tăng các vụ lừa đảo dạng "Ore Ore". Dù là mánh lâu đời, "Ore Ore" vẫn phổ biến trong giới tội phạm lừa đảo Nhật Bản và khiến không ít người sập bẫy.

Nhiều người cao tuổi Nhật Bản bị lừa tiền qua điện thoại. Ảnh: Pixta.

Theo đó, khi gọi điện thoại đến một nhà bất kỳ, nếu thấy giọng trả lời là người lớn tuổi, kẻ lừa đảo sẽ nói "Ore, Ore" (nghĩa là: "con đây, con đây" trong tiếng Nhật), giả vờ làm con, cháu của nạn nhân.

Nếu thành công, nạn nhân sẽ nhận nhầm kẻ lừa đảo là người thân của mình, hỏi lại: "Con/cháu có phải A (tên người thân) không?". Lúc này, kẻ lừa đảo chỉ cần xác nhận và bắt đầu lấy lý do cần tiền gấp, ví dụ như gây tai nạn phải bồi thường, đi chữa bệnh, trả tiền vay bạn, để lừa nạn nhân đưa tiền.

Nếu bị nghi ngờ giọng nói khác lạ, tội phạm thường lấy lý do bị ốm, ho nên lạc giọng.

Các màn kịch "Ore Ore" đa dạng tùy thuộc tay nghề lừa đảo của tội phạm. Có những tên hợp thành băng nhóm, tạo kịch bản chặt chẽ với mục đích làm nạn nhân hoảng sợ, nhanh chóng gửi tiền. Sau đó, băng nhóm sẽ ăn chia số tiền lừa được.

Thủ đoạn lừa đảo này nhắm vào tình thương, sự gắn kết gia đình trong xã hội Nhật Bản. Dù được cảnh sát tuyên truyền, hàng năm, vẫn có rất nhiều người cao tuổi mắc bẫy với tổng số tiền bị lừa lên tới hàng triệu yen.

Một phát ngôn viên của cảnh sát cho biết ngoài cảnh cáo tội phạm, chiến dịch "Giả vờ bị lừa" sẽ giúp nâng cao nhận thức về các trò gian lận, lừa đảo và khuyến khích mọi người cảnh giác hơn khi nhận được những yêu cầu tiền bạc qua điện thoại từ người tự xưng là người thân.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-vo-bi-lua-dao-de-nhan-tien-thuong-o-nhat-ban-post1213511.html