Giá xăng dầu ngày 1/1: Dầu thô ghi nhận tăng mạnh

Nhu cầu gia tăng trong khi lo ngại hiệu ứng kép do nguồn cung thắt chặt, cộng với đồng USD trượt về mức thấp nhất 1 năm đã đẩy giá dầu thô tuần qua tăng mạnh.

Khép tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, hôm nay ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2023 đứng ở mức 80,51 USD/thùng, tăng 2,11 USD trong phiên. Còn dầu Brent giao tháng 3/2023 đứng ở mức 86,23 USD/thùng, tăng 2,77 USD trong phiên.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Các chuyên gia cho rằng, bước vào tuần giao dịch từ ngày 26/12, giá dầu thế giới với xu hướng tăng mạnh khi thị trường ghi nhận thông tin Trung Quốc nới lỏng các hạn chế dịch Covid-19.

Ngược lại, trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu phục hồi thì nguồn cung dầu thô lại có nguy cơ thiếu hụt sau tuyên bố về việc cắt giảm 5-7% sản lượng của Nga, còn OPEC vẫn giữ thái độ thận trọng về việc duy trì mức sản lượng hiện tại. Đồng USD yếu hơn cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu thô đi lên.

Ảnh minh họa.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 26/12/2022 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2023 đứng ở mức 79,35 USD/thùng. Còn dầu Brent giao tháng 3/2023 đứng ở mức 83,97 USD/thùng.

Khi Trung Quốc công bố quyết định nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, giá dầu đã đồng loạt tăng mạnh.

Theo đó, ngày 26/12, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết nước này sẽ ứng phó với với dịch Covid-19 bằng các biện pháp đối với các bệnh truyền nhiễm loại B, thay vì các bệnh truyền nhiễm loại A, đồng thời loại bỏ các biện pháp kiểm dịch bệnh truyền nhiễm đối căn bệnh này.

Ngoài ra, giá dầu còn được hỗ trợ bởi thông tin xuất khẩu dầu Urals của Nga trong tháng 12/2022 đã giảm tới 20%.

Lo ngại các cơn bão đang đổ bộ vào nước Mỹ làm gián đoạn các hoạt động sản xuất năng lượng cũng là yếu tố đẩy giá dầu đi lên.

Ngày 27/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về các biện pháp đáp trả đối với trần giá dầu do phương Tây áp đặt. Theo tài liệu được công bố, việc cung cấp dầu và các sản phẩm dầu của Nga cho các pháp nhân và cá nhân nước ngoài bị cấm, với điều kiện là các hợp đồng cung cấp này trực tiếp hoặc gián tiếp quy định cơ chế ấn định giá tối đa.

Điều này áp dụng cho tất cả các giai đoạn cung cấp đến người mua cuối cùng. Tuy nhiên, việc cung cấp này vẫn có thể được thực hiện trên cơ sở quyết định đặc biệt của Tổng thống Nga.

Đà tăng của giá dầu chỉ bị chặn lại khi thị trường dấy lên lo ngại diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 và bão tuyết tại Mỹ sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tiêu thụ dầu toàn cầu.

Áp lực suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu trong những phiên giao dịch gần đây cũng được dấy lên khi nhiều dự báo cho thấy các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Fed sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong năm 2023.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần, đồng USD yếu hơn và áp lực nguồn cung thắt chặt do sản lượng toàn cầu giảm cũng như dầu Nga vận chuyển bằng đường biển khó khăn đã hỗ trợ giá dầu quay đầu tăng mạnh.

Theo kế hoạch, Nga sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch cắt giảm sản lượng từ 5-7% vào đầu năm 2023.

Tại Mỹ, thời tiết khắc nghiệt đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất năng lượng tại khu vực, trong khi nước này cũng có kế hoạch mua dự trữ thêm 3 triệu thùng dầu vào kho dự trữ chiến lược vào đầu tháng 2/2023.

Trong khi nguồn cung dầu đang bị thắt chặt, triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu lại đang khá tích cực trước quyết định mở cửa trở lại nền kinh tế của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Năm 2022 đã khép lại với giá dầu tăng năm thứ hai liên tiếp. Tính cả năm, giá dầu Brent đã tăng khoảng 10%, sau khi tăng 50% vào năm 2021; dầu WTI của Mỹ tăng gần 7%, sau khi tăng 55% vào năm trước đó.

Nguyên Dương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gia-xang-dau-ngay-1-1-dau-tho-ghi-nhan-tang-manh.html