Giá xăng, giá điện không còn bí mật: Vì sao chưa làm?

Việc đóng dấu mật với giá xăng, giá điện đang làm dấy lên những lo ngại về việc lạm dụng dấu mật trong nền kinh tế.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời đề nghị góp ý về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục bí mật nhà nước ngành Công thương.

Trên cơ sở lấy ý kiến của các bên liên quan, VCCI cho rằng, cần đánh giá lại các hiệu ứng tiêu cực, tích cực và cân nhắc loại bỏ việc giá xăng, giá điện khi chưa công bố thuộc Danh mục bí mật nhà nước ngành Công thương. GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng, đề xuất trên là thỏa đáng, phải làm ngay.

Đề xuất bỏ giá xăng, giá điện khỏi danh mục bí mất nhà nước. Ảnh: sputniknews

Đề xuất bỏ giá xăng, giá điện khỏi danh mục bí mất nhà nước. Ảnh: sputniknews

PV:- Vì sao ông lại cho rằng đề xuất của VCCI là thỏa đáng, phải làm ngay? Ở các nền kinh tế phát triển, các vấn đề như giá xăng, giá điện... được quản lý theo xu hướng nào và Việt Nam có nên cập nhật cách thức quản lý đó không? Xin ông phân tích cụ thể.

GS.TS Đặng Đình Đào:- Trước hết, phải hiểu rõ dự thảo Danh mục bí mật nhà nước ngành Công thương là xuất phát từ việc ra đời của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước mới được Quốc hội thông qua năm 2018. Theo quy định tại luật, Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ lập danh mục bí mật nhà nước của ngành, lĩnh vực quản lý.

Về mặt quản lý nhà nước, việc quy định các lĩnh vực, phạm vi thuộc danh mục bí mật quốc gia là cần thiết nhằm đảm bảo các vấn đề an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền. Bộ Công thương đã xây dựng dự thảo Danh mục bí mật nhà nước ngành Công thương cũng xuất phát từ quy định trên.
Tuy nhiên, trong danh mục được đưa ra lấy ý kiến của Bộ Công thương, có 13 thông tin, tài liệu thuộc diện Tối mật và 30 thông tin, tài liệu thuộc danh mục Mật.

Trong đó báo cáo điều hành kinh doanh và phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá mặt hàng xăng dầu chưa công bố; phương án chỉ đạo điều chỉnh giá điện chưa công bố được Bộ đưa vào danh mục tài liệu mật là chưa phù hợp.

Bởi lẽ không phải cái gì cũng có thể đưa vào danh mục bí mật, tuyệt mật. Việt Nam đang trong xu hướng hội nhập, nền kinh tế nên vận hành theo cơ chế thị trường. Quá trình tính toán điều chỉnh giá xăng, giá điện cần thực hiện theo Luật Giá, cần công khai, minh bạch, không nên khoanh vùng, tạo vùng cấm với một lĩnh vực vốn dĩ phải để thị trường điều chỉnh.

Hơn nữa, tại điều 7 của luật về phạm vi bí mật nhà nước đã quy định 15 lĩnh vực chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc cũng có quy định rất rõ. Theo đó, thông tin về kinh tế thuộc phạm vi bí mật nhà nước gồm: chiến lược, kế hoạch đầu tư và dự trữ quốc gia bảo đảm quốc phòng, an ninh; đấu thầu phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia; thông tin về tài chính, ngân sách, ngân hàng; phương án, kế hoạch thu, đổi tiền, phát hành tiền; thiết kế mẫu tiền, chế tạo bản in, khuôn đúc, công nghệ in, đúc tiền và các giấy tờ có giá; số lượng và nơi lưu giữ kim loại quý hiếm, đá quý và các vật quý hiếm khác của Nhà nước… Không có quy định về giá.

Dựa trên căn cứ này, đưa phương án xây dựng giá xăng, giá điện vào danh mục mật, tuyệt mật là chưa phù hợp. Hơn nữa, xăng, điện là những thông số đầu vào rất quan trọng với các ngành sản xuất, tuy nhiên thông thường, việc tăng giá điện chỉ được thông báo rộng rãi vào đúng thời điểm quyết định tăng giá có hiệu lực. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng điện gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính.

Vì thế, góp ý của VCCI khi cho rằng loại bỏ phương án tính giá xăng, giá điện khi chưa công bố thuộc Danh mục bí mật nhà nước ngành Công thương là rất phù hợp. Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh, chủ động điều chỉnh phương án tài chính.

Việc đóng dấu mật với giá xăng, giá điện đang làm dấy lên những lo ngại về việc lạm dụng dấu mật trong nền kinh tế. Một chuyên gia lĩnh vực giao thông từng vừa cười, vừa chia sẻ về dự án BOT cũng bị đóng dấu mật. Nghe như một câu chuyện hài hước nhưng nó lại là sự thật.

Một dự án đường bộ không liên quan đến quốc phòng, an ninh thì không thể được xếp vào diện bí mật nhà nước, nhưng vẫn được đóng dấu mật để giữ bí mật với ai? Trong khi đó, chúng ta luôn kêu gọi phải minh bạch, công khai. Minh bạch là giải pháp duy nhất để loại bỏ những tiêu cực tại các dự án BOT, nhưng nếu còn bảo mật sẽ còn nhiều góc khuất tại các BOT, khó kiểm soát được tiêu cực, tham nhũng, thất thoát.

Trong điều hành giá xăng, giá điện cũng vậy. Có quá nhiều lời ca thán về cách tính giá xăng, giá điện thiếu minh bạch, bất hợp lý gây bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân cũng là do không rõ ràng được đầu vào, đầu ra, giá thành, giá cả, lời lãi thỏa đáng. Chính vì sự không rõ ràng mà giá xăng, giá điện đưa ra mức nào, tăng lên bao nhiêu người tiêu dùng cũng phải ngậm ngùi chấp nhận.

Vấn đề của Việt Nam là phải dứt khoát chuyển sang cơ chế thị trường, xóa bỏ bao cấp, xóa bỏ việc hạch toán giá không theo quy luật thị trường.

PV:- Phải thừa nhận rằng, hiện tại giá xăng và giá điện ở Việt Nam vẫn đang được hưởng lợi từ chuyện độc quyền, và bản thân các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh trong hai lĩnh vực này cũng phải gánh thêm nhiệm vụ ổn định thị trường, tránh đầu cơ. Dù vậy, theo ông, việc mật hóa giá xăng, giá điện có nên coi là cách thức để doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhiệm vụ này hay không và vì sao? Liệu ở đây có tư duy viện cớ, chọn dễ bỏ khó, đi ngược lại với xu hướng minh bạch của các nền kinh tế thị trường hay không? Sự phản ứng nhạy cảm của người dân và thị trường, theo ông, vì những nguyên nhân nào?

GS.TS Đặng Đình Đào:- Không sai. Ngành xăng dầu, điện đang tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước với giá rẻ nhưng lại ăn theo giá thế giới, tăng giá khi lên, còn khi giảm thì chần chừ, đó là do độc quyền, chỉ tính lợi cho mình.

Đặc biệt với giá xăng dầu, sự nhập nhèm trong tính toán chi phí sản xuất trong nước với giá thành nhập khẩu thế giới chính là nguyên nhân dẫn tới sự thiếu minh bạch trong cách điều hành xăng dầu, khiến người dân chịu thiệt.

Trước đây, ngành xăng dầu phải đi nhập tới 60% nhưng bây giờ nguồn cung từ các nhà máy trong nước như Dung Quất đã giúp tỉ lệ nhập khẩu xăng dầu giảm xuống rất thấp, không còn đáng kể, thậm chí còn tiến tới mục tiêu xuất khẩu xăng dầu. Đây là tín hiệu tốt, có lợi cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, dù đang sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước với giá rẻ, song ngành xăng dầu vẫn luôn điều chỉnh giá xăng dầu theo giá thế giới và tính theo khung giá điều chỉnh theo từng chu kỳ là không hợp lý. Đã đến lúc phải minh bạch vấn đề này.

Đáng lẽ, khi có được nguồn nguyên liệu trong nước giá rẻ hơn thì người được hưởng lợi trước tiên phải là người tiêu dùng trong nước, ngành xăng dầu được hưởng lợi dựa theo số lượng xăng dầu được bán ra lớn hơn thì lợi nhuận thu về cũng cao hơn.

Tương tự, với lĩnh vực điện cũng vậy. Trong điều kiện của những năm trước đây khi nguồn cung điện trong nước còn hạn chế thì việc mua điện Trung Quốc là giải pháp cần thiết để giải bài toán cân đối cung cầu điện. Nhưng thời gian gần đây, nguồn điện trong nước được tăng cường hơn, nhiều nhà máy điện ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa huy động hết công suất, có thời điểm điện dư thừa, giá lại rẻ hơn nhiều giá điện Trung Quốc bán cho Việt Nam mà Việt Nam lại vẫn tiếp tục nhập khẩu điện của Trung Quốc với giá cao là rất khó hiểu.

Nhất là gần đây, điện mặt trời bùng nổ nhưng không tìm được đầu ra, không thể bán được cho EVN. Vận hành theo cơ chế đó chắc chắn là sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân, cho người dân cũng như cho các doanh nghiệp.

Điều này, một mặt chứng tỏ khả năng điều tiết thị trường, khả năng dự báo nhu cầu điện và năng lực sản xuất điện trong nước đang có nhiều vấn đề.

Mặt khác nó chứng tỏ tính độc quyền mặt hàng điện hiện nay, mà EVN nắm độc quyền chủ yếu. Trong điều kiện như thế, người tiêu dùng không thể hi vọng giá điện, giá xăng ở Việt Nam sẽ rẻ hơn.

Trong bối cảnh có nhiều bức xúc như vậy, nếu ngành Công thương lấy lý do tránh đầu cơ để đóng dấu mật với giá xăng, giá điện càng khó được chấp nhận.

Việc đầu cơ, găm hàng đối với mặt hàng điện gần như là điều không thể, do tính đặc thù của ngành là vừa sản xuất vừa tiêu dùng luôn. Doanh nghiệp có muốn tích trữ cũng không thể. Còn về giá xăng đã có rất nhiều quy định điều hành, quản lý, việc chống đầu cơ tích trữ xăng dầu nếu làm nghiêm theo luật thì cũng không doanh nghiệp nào lách được.

Với những gì đang diễn ra, nếu ngành Công thương đang nhằm mục tiêu chống đầu cơ, đó sẽ như một cách viện cớ, chọn dễ bỏ khó, muốn duy trì cơ chế bảo hộ, độc quyền, đi ngược lại với xu hướng minh bạch của các nền kinh tế thị trường.

Đây là kiểu điều hành theo tư duy cũ, cần phải xóa bỏ. Càng bí mật, càng bảo hộ chỉ càng tạo ra các rào cản kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.

Câu chuyện tương tự như ngành công nghiệp ô tô vậy. Bao bọc, bảo hộ, cuối cùng 20 năm triển khai chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô nhưng tới nay vẫn đứng yên ở vạch xuất phát, vẫn chỉ là con số 0.

Do đó, phải xóa bỏ độc quyền, tuân theo cơ chế thị trường, có như vậy mới khuyến khích các doanh nghiệp cạnh tranh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

PV:- Nhiều người vẫn nghi ngại, lợi ích từ việc độc quyền, không minh bạch trong kinh doanh điện và xăng dầu sẽ là rào cản khiến kiến nghị của VCCI khó được tiếp thu. Ông có chia sẻ với nghi ngại trên của dư luận hay không? Để thể hiện quyết tâm của Việt Nam về việc xây dựng một môi trường kinh doanh sòng phẳng, minh bạch, bình đẳng với mọi thành phần, các nhà quản lý nên có thái độ như thế nào với đề xuất bỏ giá xăng, giá điện khỏi danh mục bí mật? Có thể kỳ vọng một bước tiến tiếp theo về việc công khai cách tính giá xăng, giá điện được không và nếu vậy, lộ trình nên thế nào?

GS.TS Đặng Đình Đào:- Phải khẳng định lại một lần nữa, kiến nghị của VCCI về việc loại bỏ việc giá xăng, giá điện khi chưa công bố thuộc Danh mục bí mật nhà nước ngành Công thương là hoàn toàn hợp lý.

Tuy nhiên kiến nghị là một chuyện, còn khả năng được tiếp thu tới đâu, ngành Công thương có thực hiện hay không lại là chuyện khác.

Câu chuyện điều hành giá xăng, giá điện lâu nay luôn gắn với những dấu hỏi về lợi ích. Và rõ ràng vẫn còn những câu chuyện lấy giá xăng thế giới để tính giá xăng trong nước; mua điện từ Trung Quốc với giá cao, trong khi điện trong nước dư thừa thì những góp ý trên rất khó được tiếp thu.

Điều này cũng giống câu chuyện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Chủ trương đã có, Chính phủ cũng nhiều lần chỉ đạo, nhưng không “ông lớn” nào muốn buông. Đơn giản là vì còn có lợi ích, còn có cơ hội tìm kiếm, trục lợi từ chủ trương cổ phần hóa nên còn tình trạng ôm hoặc chây ì, cố kéo dài thời gian cổ phần hóa.

Trở lại vấn đề giá xăng, giá điện, muốn công khai, minh bạch hoàn toàn ngay một lúc là rất khó. Nhưng muốn xây dựng một môi trường kinh doanh sòng phẳng, minh bạch, bình đẳng với mọi thành phần thì rõ ràng các nhà quản lý nên có thái độ kiên quyết.

Cùng với việc công khai giá xăng, giá điện, cũng cần tiến tới công khai, minh bạch nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế.

Một điều rất quan trọng để tiến tới một nền kinh tế công khai, minh bạch là thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không sử dụng tiền mặt. Khi các giao dịch thông qua ngân hàng, việc kiểm soát tài chính cũng dễ dàng, minh bạch hơn, qua đó việc kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng thuận lợi, hiệu quả hơn.

Kiến nghị bỏ giá xăng, điện khỏi danh mục bí mật

PV:- Đối với nền kinh tế, trong khi xăng, dầu là những sản phẩm thiết yếu, là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu của các ngành sản xuất, để giá xăng dầu, giá điện được minh bạch, có sự giám sát của xã hội sẽ mang lại tác động tích cực thế nào? Đặc biệt, đối với giá điện, khi các cuộc thanh tra giá thành đầu vào cho sản xuất điện chưa khiến dư luận hoàn toàn tin tưởng, minh bạch hóa giá điện liệu có thể giúp giảm giá thành và khuyến khích thêm tư nhân tham gia vào sản xuất điện hay không, thưa ông?

GS.TS Đặng Đình Đào:- Rõ ràng rồi. Những tác động tích cực của việc công khai, minh bạch giá xăng, giá điện với các ngành sản xuất, với nền kinh tế là không thể phủ nhận.

Việc tăng giá xăng, giá điện vừa qua đã gây rất nhiều bức xúc, làm mất lòng tin của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt gây ảnh hưởng không nhỏ tới các phương án tài chính, kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp cũng như làm ảnh hưởng không tốt tới đời sống, sinh hoạt của người dân.

Nên nhớ, tăng giá xăng, giá điện không đơn giản chỉ là tăng ở hai lĩnh vực này, mà việc tăng giá điện, giá xăng sẽ kéo theo tăng giá các mặt hàng khác. Tình trạng tăng giá kiểu "té nước theo mưa” kéo theo làm tăng chi phí sản xuất, gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp, cho ngành sản xuất. Dù người chịu thiệt cuối cùng vẫn là người tiêu dùng, nhưng đứng về phía doanh nghiệp, họ cũng phải chịu áp lực không nhỏ trong bối cảnh phải cạnh tranh quá lớn.

Đáng nói, việc điều chỉnh giá xăng, giá điện gây bức xúc không phải do mức giá tăng bao nhiêu, mà do bị thiếu thông tin, người dân phải chấp nhận mức giá một cách tù mù, phải chấp nhận tăng giá như việc hiển nhiên khiến họ càng bức xúc.

Một minh chứng rõ ràng nhất là lần tăng giá điện lên tới 8,36% của ngành Công thương gần đây. Mặc dù những kết luận của các đoàn thanh tra đều khẳng định việc tăng giá điện là đúng quy trình, quy định, nhưng rõ ràng sự thiếu minh bạch, thiếu công khai mới là nguyên nhân khiến người dân phản ứng.

Vấn đề mà dư luận, xã hội quan tâm là tính công khai, minh bạch, tính hợp lý trong cách tính giá điện hiện nay. Khi các thông số đầu vào chưa được công khai, minh bạch thì dù đưa ra mức giá nào cũng bị cho là mang tính chủ quan, tính toán dựa theo chủ ý của ngành Công thương.

Do đó, minh bạch hóa giá điện, giá xăng không chỉ giúp xỏa bỏ độc quyền, tạo cơ chế mở mà còn khuyến khích các ngành sản xuất phát triển.

Một trong những bước đi quan trọng để giúp việc giá điện, giá xăng được vận hành theo cơ chế thị trường là xây dựng thị trường giá cả cạnh tranh.

Nếu có thể đưa ngành điện, ngành xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường thì quá tốt, tuy nhiên để làm được như vậy chắc cần một quá trình dài để thay đổi. Dù vậy, rõ ràng việc mở cửa cho các doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia là cơ hội tạo ra một thị trường giá cả cạnh tranh hơn, có lợi cho nền kinh tế hơn. Điều này rất khó khăn nhưng đây là mục tiêu phải được đặt ra và từng bước thực hiện.

PV:- Xin cảm ơn GS!

Vũ Lan

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/gia-xang-gia-dien-khong-con-bi-mat-vi-sao-chua-lam-3387877/