Giả xuất xứ Việt Nam: Không thể lơ là!

Tình trạng núp bóng, giả mạo xuất xứ Việt Nam rồi xuất khẩu đi các nước khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng vì nguy cơ bị vạ lây

Liên quan đến lô hàng 1,8 triệu tấn nhôm trị giá 4,3 tỉ USD "đội lốt" xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi Mỹ, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết vụ việc vẫn đang trong quá trình xử lý, đơn vị sẽ có thông tin cụ thể hơn vào thời gian tới.

Phát hiện hàng loạt vụ

Vụ việc nêu trên được phát hiện vào năm 2016 khi lực lượng hải quan nghi vấn lô hàng nhập theo diện tạm nhập tái xuất, sau đó xuất sang thị trường Mỹ. Doanh nghiệp (DN) nhập khẩu lô hàng là Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam, có trụ sở tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhôm Trung Quốc xuất sang Mỹ chịu thuế lên đến 374%, trong khi hàng từ Việt Nam xuất đi chỉ chịu thuế khoảng 15%. Trong ảnh: Các thỏi nhôm lưu trữ tại cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông -Trung Quốc Ảnh: REUTERS

Nhôm Trung Quốc xuất sang Mỹ chịu thuế lên đến 374%, trong khi hàng từ Việt Nam xuất đi chỉ chịu thuế khoảng 15%. Trong ảnh: Các thỏi nhôm lưu trữ tại cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông -Trung Quốc Ảnh: REUTERS

Do được phát hiện kịp thời, lô hàng không thể xuất sang Mỹ dưới "mác" hàng Việt Nam như chủ đích ban đầu. Lý do khiến lô hàng diện tạm nhập tái xuất trên "đi Mỹ" qua đường Việt Nam là bởi nhôm nguồn gốc Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ chịu thuế khoảng 15%, trong khi nhôm Trung Quốc chịu thuế lên đến 374%.

Đây không phải là vụ việc duy nhất bị phát hiện mà gần đây, khi thương chiến Mỹ - Trung căng thẳng, rất nhiều lô hàng có xuất xứ từ Trung Quốc gắn nhãn Made in Vietnam với mục đích xuất khẩu sang Mỹ và các nước khác nhằm né thuế đã bị cơ quan chức năng chặn đứng.

Ông Trần Việt Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 (đóng tại Cảng Cát Lái), cho biết gần đây, đơn vị đã phát hiện một container hàng chứa quần áo, vải nhập khẩu trên tờ khai nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng khi kiểm tra hàng hóa mới thấy ghi Made in Vietnam. Khi cơ quan chức năng mời DN lên làm việc để khui container kiểm tra hàng thì họ không đến. "Đây có thể là hình thức giả nguồn gốc xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu sang một nước thứ 3 có ưu đãi về thuế với Việt Nam mà Trung Quốc không có. Vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự" - ông Thắng khẳng định.

Mới đây, Cục Hải quan Bình Dương cũng đã phối hợp với Cục Kiểm tra sau thông quan - Tổng cục Hải quan kiểm tra, phát hiện một lô hàng xe đạp xuất khẩu giả mạo xuất xứ Việt Nam. Cụ thể, lô hàng bị phát hiện sai phạm có 313 chiếc xe đạp, tổng trị giá trên 26.000 USD, tương đương khoảng 603 triệu đồng của Công ty TNHH Xe đạp E., chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Theo khai báo ban đầu của DN, số xe đạp này được lắp ráp tại Việt Nam, có xuất xứ Trung Quốc và tờ khai được hệ thống tự động phân luồng vàng (kiểm tra hồ sơ). Tuy nhiên, qua soi chiếu, kiểm tra thực tế hàng hóa, cơ quan hải quan đã phát hiện trên bao bì sản phẩm toàn bộ lô hàng xe đạp đều ghi Made in Vietnam. Trong khi, Công ty TNHH Xe đạp E. là một DN của Trung Quốc, đã nhập toàn bộ sản phẩm linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam và chỉ thực hiện công đoạn lắp ráp giản đơn cuối cùng của sản phẩm tại Việt Nam.

Cảnh giác cao độ

Xung quanh những vụ việc trên, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ủng hộ việc thắt chặt quản lý xuất xứ hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang các thị trường trên thế giới nhằm tránh tình trạng quốc gia khác lợi dụng xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi. "DN Việt không thể vì lợi ích của mình mà tiếp tay cho "rửa xuất xứ", bỏ qua lợi ích cộng đồng và uy tín quốc gia. Tại các cuộc họp với Bộ Công Thương, chúng tôi cũng lưu ý các DN về việc này. Tuy nhiên, với những DN thương mại không thuộc hiệp hội thì có lẽ cần nhiều cơ quan quản lý khác cùng chung tay" - ông Đa thông tin.

Cũng theo Chủ tịch VSA, quản lý ngoại thương của Việt Nam đang rơi vào tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng", sự việc xảy ra rồi mới tìm giải pháp xử lý, tháo gỡ. Do đó, các cơ quan nhà nước như hải quan, quản lý thị trường… cần rút kinh nghiệm trong việc phối hợp quản lý.

Ông Đinh Công Khương, Giám đốc Công ty CP Thép Khương Mai, đề nghị xử lý mạnh tay hơn nữa đối với các trường hợp lợi dụng xuất xứ hàng Việt để hưởng lợi. Bởi vì, việc này không những không đem lại lợi ích cho các DN chân chính trên thị trường mà thậm chí còn gây thiệt hại do bị vạ lây. Tuy nhiên, không nên lợi dụng việc thanh tra, kiểm tra để làm khó, nhũng nhiễu DN.

Ông Khương cũng cho biết việc nhiều DN Việt Nam nhập thép cán nóng từ nước ngoài về cán nguội, mạ rồi xuất khẩu là khá phổ biến. Nguyên nhân là hiện cả nước chỉ có 1 nhà máy đủ năng lực sản xuất thép cán nóng là Formosa đáp ứng được 30% nhu cầu, DN trong nước không thể không nhập khẩu nguyên liệu thành phẩm từ nước ngoài. Trong khi đó, từ 2-3 năm trước, phía Mỹ đã đặt vấn đề xuất xứ của sản phẩm tôn mạ Việt Nam và tăng thuế với một số dòng sản phẩm. "Trong trường hợp này, quan điểm của tôi là không thể kết luận DN giả xuất xứ bởi sau khi nhập khẩu về, họ có làm qua một số công đoạn chế biến khác. Việc này hoàn toàn khác với giả xuất xứ của sản phẩm bằng cách thay tem nhãn, nhập nguyên chiếc về dán tem nhãn Việt Nam… Nhà nước nên có chính sách bảo vệ và có lập luận trước quốc tế để bảo vệ DN Việt trong từng trường hợp cụ thể bên cạnh việc xử lý nghiêm DN gian lận, kiểm soát chặt đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc…" - ông Khương kiến nghị.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Phong Phú, ông Phạm Xuân Trình, cho biết bản thân Phong Phú nói riêng và các DN trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã nhận được nhiều văn bản khuyến cáo, cảnh báo về việc cẩn trọng với tình trạng gian lận xuất xứ và tuyệt đối không hợp tác, tiếp xúc với những đối tác nước ngoài có ý định mượn, giả xuất xứ hàng Việt. "Chúng tôi ý thức rất rõ chuyện này bởi khi có tình trạng một mặt hàng xuất khẩu tăng đột biến thì nguy cơ bị nhà chức trách nước nhập khẩu áp thuế chống bán phá giá cho toàn bộ mặt hàng là rất lớn. Nhưng DN cần sự hỗ trợ và biện pháp của cơ quan quản lý để kiểm soát chặt chẽ, tránh vạ lây cho cả ngành hàng" - ông Phạm Xuân Trình nói.

Trong ngành gỗ, mặc dù không dễ núp bóng do nguyên liệu rất cồng kềnh nhưng ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco), vẫn cho rằng các DN và hiệp hội luôn phải cảnh giác. Theo đó, cần thống kê toàn quốc có bao nhiêu DN xuất khẩu, kim ngạch bao nhiêu, nguyên liệu về Việt Nam bằng đường nào… Cơ quan hải quan phải có hệ thống cảnh báo theo dõi chặt chẽ kim ngạch xuất khẩu của các DN, phát hiện trường hợp đột biến để xử lý.

"Các DN và hiệp hội ngành nghề phải chung sức phát hiện bất thường vì thực tế rất nhiều trường hợp DN thông báo để cơ quan chức năng xử lý. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa được giải quyết triệt để, cơ quan quản lý phía Việt Nam phải hết sức cảnh giác, kiểm soát chặt xuất xứ để tránh bị vạ lây" - ông Trần Quốc Mạnh đề xuất.

Bảo đảm các lô hàng tạm nhập đều phải tái xuất

Nhìn nhận tình trạng giả mạo xuất xứ là thủ đoạn mà các DN lợi dụng để biến Việt Nam thành trạm trung chuyển nhằm hưởng ưu đãi thuế quan, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị trực thuộc kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất theo đúng quy định kể từ khi hàng hóa tạm nhập Việt Nam cho đến khi tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ nơi lưu giữ đến cửa khẩu tái xuất.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu Cục Hải quan các địa phương phải giám sát, quản lý đối với hàng tạm nhập tái xuất, bảo đảm các lô hàng tạm nhập đều phải tái xuất, không thẩm lậu vào nội địa.

Có thể phát hiện những bất thường

Các DN cho rằng Tổng cục Hải quan sẽ là đơn vị có thể phát hiện những bất thường khi DN xuất khẩu một mặt hàng tăng đột biến về số lượng, bởi bất kỳ DN ngành hàng nào, nhất là các DN lớn, năng lực sản xuất trong 1 năm không thể tăng cao tới 25%-30%. Hoặc, không có chuyện năng lực sản xuất của DN chỉ 100 tấn nhưng nhập tới 1.000 tấn nguyên liệu về. Nếu có, cơ quan quản lý cần lập tức kiểm tra, có giải pháp kiểm soát.

Nhóm phóng viên

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/gia-xuat-xu-viet-nam-khong-the-lo-la-20191030220534509.htm