'Giặc lửa' thiêu rụi và xóa sổ hàng trăm hecta rừng phòng hộ

Đại hạn kéo dài khiến hàng trăm hecta rừng tại Hà Tĩnh biến thành biển lửa, do một chút sơ sẩy của con người. Để khống chế 'hỏa diệm sơn' ngùn ngụt cháy, Hà Tĩnh đã huy động hàng ngàn người cùng đủ các loại phương tiện, ngày đêm dầm mình trong biển lửa để cứu rừng...

Hàng trăm người dầm mình trong lửa để cứu rừng. Ảnh: HY

Hàng trăm người dầm mình trong lửa để cứu rừng. Ảnh: HY

4 ngày, 11 vụ cháy rừng nghiêm trọng

Liên tiếp trong 4 ngày, từ 26 đến 30/6, trên địa bàn Hà Tĩnh liên tục xảy ra hàng chục vụ cháy rừng, rải khắp các huyện Nghi Xuân, Hương Sơn, Đức Thọ, Lộc Hà và Kỳ Anh. Hơn 10 vụ cháy rừng này đã thiêu rụi hàng trăm héc ta rừng thông phòng hộ và rừng tự nhiên.

Đặc biệt, chiều ngày 28/6, một ngọn lửa xuất phát từ sự bất cẩn của người dân khi đốt rác trong vườn đã cháy lan sang vùng tiểu khu 92 thuộc rừng thông thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân. Do nắng nóng lâu ngày kéo dài kèm theo gió thổi mạnh, lớp thực bì dày làm ngọn lửa bùng cháy dữ dội và nhanh chóng lan sang các khoảnh rừng khác. Chỉ trong chốc lát, hàng chục hecta rừng thông trên 30 năm tuổi bị xóa sổ, khói bụi lan ra cả Quốc lộ 1A đoạn đi qua đường tránh Hồng Lĩnh. Đường dây điện cao thế, đường dây 500kV đoạn Đà Nẵng - Hà Tĩnh đặt trong tình trạng báo động.

Hơn 20 giờ nỗ lực của hàng ngàn người được huy động để dập lửa cứu rừng, mọi nỗ lực cố gắng để dập tắt ngọn lửa và mãi đến chiều 30/6, ngọn lửa mới được cơ bản khống chế.

Ông Nguyễn Đình Anh, người dân thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân cho biết: “Tôi sống ở đây hơn chục năm nay nhưng chưa thấy cháy rừng bùng phát nhanh và lan rộng như lần này. Chỉ trong chốc lát lửa cháy lan sang sát sườn nhà các hộ dân nên chính quyền địa phương giúp đỡ người dân dưới chân núi nhanh chóng di tản tránh thiệt hại về người và của. Trong 3 ngày 2 đêm liên tiếp, chúng tôi đã phải thức trắng, túc trực cùng với lực lượng công an PCCC, bộ đội, dân quân… để dập lửa cứu rừng. Nhìn những khoảnh rừng thông cháy rụi xót xa vô cùng”.

Những cánh rừng tan hoang sau hỏa hoạn. Ảnh: HY

Ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết: “Sau 3 ngày, đám cháy rừng kỷ lục trên địa bàn huyện Nghi Xuân cơ bản được khống chế, đám cháy bao trùm trên diện tích 50ha, hiện chúng tôi đang thống kê mức thiệt hại”.

“Để đảm bảo đám cháy được dập tắt hoàn toàn, UBND huyện Nghi Xuân phối hợp với lực lượng công an, đồn biên phòng Lạch Kèn, lực lượng kiểm lâm cùng các đơn vị hỗ trợ với khoảng 200 người đang ngày đêm bám trụ tại rừng, “cõng” các thùng đựng nước từ 5 đến 10 lít nước lên rừng, đến từng chỗ có nguy cơ cháy lại, tưới vào từng gốc cây đang âm ỉ cháy để dập tắt lửa triệt để”, ông Hưng cho biết thêm.

Không chỉ ở Nghi Xuân, các khu rừng trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra tình trạng tương tự. Nguyên nhân được xác định là do nắng nóng kéo dài, gió phơn Tây Nam thổi mạnh, lớp thực bì dày nên chỉ cần một phút bất cẩn của con người cũng đủ “xóa sổ” các khu rừng.

Điển hình, vào 30/6, rạng sáng 1/7, một đám cháy rừng đã bùng phát ở núi Mồng Gà và Hói Lã thuộc xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ.

Ông Võ Công Hàm, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ thông tin: “Từ 14h chiều 30/6 đến 5 giờ sáng 1/7, chúng tôi đã huy động gần 1.000 người gồm lực lượng Quân khu 4, lực lượng công an, quân sự huyện, người dân địa phương túc trực ngày đêm tập trung làm đường ranh cản lửa, dập lửa, đóng gói đồ đạc các nhà dân lận cận để sẵn sàng di dời khi lửa bén sát khu dân cư. Do trời tối, thực bì dày, đồi dốc khiến việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Đến 5h30 sáng 1/7, hỏa hoạn mới được khống chế".

Rừng khô trụi lá sau “bão lửa”. Ảnh: HY

Trước đó, 3 vụ cháy liên tiếp diễn ra trên địa bàn từ chiều ngày 26 đến rạng sáng 27/6 tại xứ rừng Động Mầu, thuộc tổ dân phố Đông Trinh, phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh đã thiêu rụi trên 50ha rừng keo 1-3 năm tuổi.

Những cánh rừng liên tiếp bị “bà hỏa” ghé thăm đặt Hà Tĩnh vào địa phương báo động về nạn cháy rừng. Nếu không có biện pháp kịp thời ngăn chặn, đối phó thì nguy cơ cháy rừng sẽ lại bùng phát.

Tan hoang sau “bão lửa”

Ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường rú Hồng Lĩnh thuộc huyện Nghi Xuân cả một vùng “đồi thông reo” trù phú, xanh mướt đi vào thơ ca, biểu tượng tự hào của người Hà Tĩnh bỗng trở nên trơ trụi. Sau khi “bão lửa” quét qua, toàn bộ khu rừng thông bị thiêu rụi, những gốc thông già nua hơn 30 năm tuổi bị bật gốc, cháy rụi, khói bụi ám cả một vùng trời Nghi Xuân xám xịt. Theo người dân nơi đây, những vùng thông bị cháy như thế này không còn khả năng khôi phục lại.

Ông Lê Văn Hải, người dân sống dưới chân rú Hồng Lĩnh, vừa cõng bình nước 10 lít đi ngược lên rú để tưới vào các gốc cây còn khói bốc lên có nguy cơ bùng cháy lại, cho biết: "Bây giờ dù có muốn cứu lại rừng cũng không cứu được, chỉ hy vọng dập được lửa hoàn toàn không cháy lan sang các vùng khác. Những ngày qua, quân và dân chúng tôi chiến đấu với “giặc lửa” kiệt sức rồi".

Rừng thông bị xóa sổ khi “bà hỏa” quét qua. Ảnh: HY

Để động viên tinh thần người dân, trưa ngày 30/6, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trực tiếp đến hiện trường vụ cháy rừng ở thôn 7, xã Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh để kiểm tra tình hình.

Ông Phạm Minh Chính đã thăm hỏi, động viên, tặng quà người dân và lực lượng tham gia chữa cháy rừng. Đồng thời ghi nhận các tổ chức, cá nhân đã nỗ lực để khống chế và dập tắt đám cháy cũng như không để đám cháy lan rộng, uy hiếp nhà và tài sản của người dân; chỉ đạo chính quyền địa phương cùng các lực lượng chức năng tiếp tục phải phối hợp chặt chẽ với nhau để cố gắng dập tắt đám cháy, không để tiếp tục bùng phát.

Ngay khi xảy ra các vụ cháy rừng liên tiếp, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa ký ban hành Công điện số 1600-CĐ/TU chỉ đạo UBND tỉnh, các ban, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống cháy rừng. Thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về phòng cháy, chữa cháy rừng, phân công lực lượng trực 24/24 giờ trong suốt thời gian nắng nóng.

Đồng thời bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, nhất là những khu vực có nguy cơ cháy cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng chức năng và người dân tham gia khống chế, dập tắt trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để xảy ra cháy lớn. Thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” hiệu quả; tăng cường lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí và các điều kiện khác để luôn sẵn sàng cao nhất dập tắt cháy rừng kịp thời khi mới phát hiện điểm cháy...

Hải Yến

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/moi-truong/giac-lua-thieu-rui-va-xoa-so-hang-tram-hecta-rung-phong-ho_t114c1143n150661