Giấc mơ 40 năm của nghệ sỹ ưu tú Xuân Hinh

Dù được mệnh danh là nghệ sỹ “bạc tỷ” của âm nhạc dân tộc với thu nhập thuộc hàng khủng nhưng cũng phải “chờ” tới 40 năm, NSƯT Xuân Hinh mới có thể làm một liveshow riêng của mình. Một liveshow đánh dấu 40 năm sự nghiệp biểu diễn của Xuân Hinh - nghệ sỹ chèo danh tiếng nhất Việt Nam, đồng thời cũng là đêm tri ân Xuân Hinh gửi tới khán giả - những người đã luôn yêu mến đồng hành cùng nghệ sỹ suốt 40 năm qua.

Xuân Hinh luôn tự nhận mình là “một gã nhà quê”. Không giống nhiều người thường ít muốn nhắc tới một tuổi thơ nghèo khó, cơ cực, Xuân Hinh lại luôn kể về điều đó. Anh hay kể về những tháng ngày tuổi thơ khốn khổ, nghèo khó của 7 anh chị em con một gia đình làm nông. Từ lúc còn rất bé, Xuân Hinh đã trồng rau, bắt cua và thu mua đồng nát để giúp đỡ bố mẹ. Nhưng điều hạnh phúc và có lẽ là may mắn- là những viên gạch đầu tiên của sự nghiệp rạng rỡ sau này chính là nhờ cái nôi gia đình nghèo ấy. Dù khó khăn, nhưng gia đình Xuân Hinh không bao giờ nghèo về tinh thần. Lúc nào cũng có tiếng nhạc, tiếng hát. Nó ăn sâu vào tiềm thức những đứa trẻ như Xuân Hinh, đến nỗi sau này lớn lên, anh luôn nghĩ, việc mình trở thành một nghệ sĩ có lẽ cũng chính vì những tiếng hát, tiếng nhạc đã ngấm sâu vào trong máu đó.

Tham gia đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh từ lúc 13 tuổi, nhưng sau 6 năm, Xuân Hinh tìm xuống Hà Nội thi vào ĐH Sân khấu điện ảnh- khoa Chèo. Xuân Hinh vẫn nhớ mãi cái lần về xin mẹ 20 nghìn đồng để trang trải chi phí học hành. Nhà thì nghèo, mẹ xoay xở, vay mượn mãi không ra. Mãi đến hôm sau, khi ông con đang chuẩn bị lên xe đi Hà Nội, người mẹ nghèo mới chạy tới giúi vào tay 20 nghìn đồng. Đấy là số tiền mà bà đã phải dậy từ sáng sớm lội ao bèo trong cái rét cắt da để vớt đủ 4 gánh mang đi bán. Cầm tiền mẹ cho, cố nuốt nước mắt vào lòng, Xuân Hinh nhủ thầm, từ nay, sẽ không xin tiền mẹ nữa.

Tự lập, có nghĩa là từ đó, NSƯT Xuân Hinh tập đi buôn để có tiền đi học. Anh buôn từ dưới xuôi quần áo, đồ dùng, kim chỉ lên bán cho người vùng cao. Rồi buôn măng miến, mộc nhĩ, chó mèo, lợn gà xuôi xuống. Anh còn “lọ mọ” vào rất sâu trong rừng đổi áo quần, mắm muối cho dân để lấy vàng cám mà họ đãi được ở suối, mang về bán cho ông thợ kim hoàn ngay gần trường. Bây giờ, Xuân Hinh vẫn hóm hỉnh kể rằng: “Nhờ thế mà giờ tôi vẫn nhớ cách phân biệt vàng thật giả đấy”.

Dù vất vả buôn bán ngược xuôi để có tiền trang trải, nhưng Xuân Hinh vẫn học rất tốt, học xong, anh được giữ lại trường nhưng người nghệ sĩ tự cảm thấy mình thuộc về sân khấu hơn là giảng đường nên đã xin nghỉ dạy và chuyển công tác về Nhà hát Chèo Hà Nội. Từ đó, Xuân Hinh bắt đầu tạo tiếng vang với những tác phẩm như Người ngựa- Ngựa người, Lý Toét xử kiện, Xuân Hinh đi hỏi vợ… Với cách diễn hài hước, dí dỏm nhưng cũng rất tự nhiên, mỗi khi xuất hiện, Xuân Hinh đều mang đến tiếng cười cho khán giả.

Vào ngày 5-10 tới đây, nghệ sỹ Xuân Hinh sẽ chịu chi tới 10 tỷ đồng để thực hiện liveshow Xuân Hinh - Kẻ chọc cười dân dã tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Được dàn dựng bởi tổng đạo diễn nổi tiếng Phạm Hoàng Nam, đạo diễn sân khấu Lê Hùng, biên tập nội dung Đỗ Thanh Hải, trong không gian mô phỏng sân khấu chèo truyền thống nhưng đậm đặc hơi thở đương đại, những tiết mục nghệ thuật để đời của Xuân Hinh sẽ được chính nghệ sĩ thực hiện cùng các bạn diễn lâu năm như: Thanh Thanh Hiền, Hồng Vân, Xuân Bắc, Vân Dung... cùng gần 20 diễn viên hài đình đám... Đặc biệt, khán giả còn được chứng kiến trên sân khấu một Bằng Kiều, Tùng Dương hoàn toàn mới lạ với những tiết mục nghệ thuật dân gian cùng nhân vật chính Xuân Hinh.

Cũ mà mới, hài mà bi, khán giả sẽ lại được khóc cười cùng Xuân Hinh và bạn diễn nổi tiếng Thanh Thanh Hiền trong vở diễn để đời: Người ngựa - Ngựa người. Lần đầu tiên trên sân khấu, Người ngựa - Ngựa người được diễn trọn vẹn với những cảnh chưa từng công chiếu. Vở diễn Của gia bảo lần đầu tiên ra mắt công chúng, với sự góp mặt của diễn viên trẻ Hoài Thu.

Khán giả sẽ mãn nhãn với một Xuân Hinh biến hóa tài tình trong tiết mục nghệ thuật dân gian “Ngũ biến”. Trong 10 phút, Xuân Hinh hóa thân thành 5 nhân vật mang đậm dấu ấn và phong cách của anh. Yếu tố ảo thuật thay phục trang và hình ảnh minh họa những lớp diễn gắn với các nhân vật sẽ tiếp thêm sự thăng hoa cho màn diễn tưởng như quen thuộc.

Sẽ có những cuộc hội ngộ xúc động chưa từng có giữa Xuân Hinh với ân nhân từng giúp anh ngày đầu tiên vào nghề. Sẽ có những tâm sự rút ruột rút gan của người nghệ sỹ lớn với khán giả yêu mến Xuân Hinh. Nghệ thuật truyền thống được tôn vinh, thăng hoa khi kết hợp và đan xen tinh tế với các yếu tố đương đại, như những mong muốn và kỳ vọng của tổng đạo diễn Phạm Hoàng Nam khi thực hiện show diễn này. Bởi theo đạo diễn Phạm Hoàng Nam chia sẻ: “Lần đầu tiên trong lịch sử sân khấu nước nhà có liveshow hề chèo của một nghệ sỹ sân khấu tên tuổi như Xuân Hinh. Lần đầu tiên nghệ thuật truyền thống được tái hiện trên phông nền sân khấu hiện đại, độc đáo nhưng vẫn đậm chất dân gian. Chưa bao giờ người ta thấy một cuộc quy tụ nhiều nghệ sĩ, danh hài đình đám Bắc - Nam đến thế. Chúng tôi hi vọng liveshow sẽ đem tới sự bùng nổ và dấu ấn để đời cho không chỉ nghệ sỹ Xuân Hinh mà cho cả nền sân khấu nghệ thuật truyền thống”.

Xuân Hinh có một lượng khán giả rất lớn, và dù chưa bao giờ anh thừa nhận nhưng điều có thể chắc chắn rằng anh đắt show, cát-sê cũng không “phải dạng vừa”. Nhưng cũng phải tới lúc kỷ niệm 40 năm sự nghiệp, Xuân Hinh mới có một liveshow của riêng mình. Mà theo anh bộc bạch: “Nếu không có những người bạn lớn khích lệ và tự nguyện trong vai trò mạnh thường quân thì Xuân Hinh cũng không dám nghĩ đến một đêm diễn đánh dấu 40 năm sự nghiệp của mình đâu”. Thế mới biết, nghệ sĩ sống được bằng nghề là điều không dễ dàng. Nhưng dù khó khăn, Xuân Hinh vẫn tỏ rõ quyết tâm: “Nghệ thuật dân tộc đang gặp nhiều khó khăn, những khán giả trẻ đang không thực sự mặn mà với nghệ thuật dân tộc nên chính vì thế nó đang bị mai một. Nhưng tôi muốn khẳng định nghệ thuật dân tộc là của quý, có người quý ít và có người quý nhiều nhưng chừng nào người Việt không còn thì nghệ thuật dân tộc mới mất đi được. Liveshow này là cố gắng của tôi và các cộng sự, dù chỉ là một chút thôi, để tiếp tục mang tới tình yêu nghệ thuật dân tộc cho các bạn trẻ. Chúng tôi sẽ cố gắng làm hay, đặc sắc, sáng tạo và bùng nổ với sự kết hợp tài tình giữa truyền thống và hiện đại để mang một hơi thở mới cho nghệ thuật dân tộc”.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giai-tri/giac-mo-40-nam-cua-nghe-sy-uu-tu-xuan-hinh-117786