Giấc mơ Á vận hội

Tròn 30 năm trở lại với đấu trường quốc tế sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Thể thao Việt Nam đã vươn đến tầm cao nhất của khu vực để rồi đang hướng mục tiêu thực sự đến sân chơi châu lục với Đại hội thể thao châu Á - ASIAD 2018 khép lại tại Indonesia vào đúng ngày 2/9 này. Nhưng ít ai biết, giấc mơ Á vận hội từng là câu chuyện đã cũ của cả nền thể thao quốc gia...

Huy chương Vàng đầu tiên của Thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018 được ghi do công của các cô gái Rowing

Từng có mặt trong Top 10

Các chuyên gia và những nhà nghiên cứu thể thao lâu năm đều thống nhất rằng, từ thập niên 60 đến khoảng đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, mặc dù khi đó đất nước còn bị chia cắt với không ít những khó khăn, nhưng thể thao cả 2 miền Bắc và Nam đều có trình độ đạt tới tầm châu lục.

Thời bấy giờ, thể thao miền Nam tham dự ngay từ kỳ ASIAD thứ hai tổ chức tại Philippines vào năm 1954 và 4 năm sau tới kỳ Á vận hội thứ 2 tại Tokyo (Nhật Bản), các tuyển Việt Nam đã giành 2 HCV - 4 HCĐ để vươn lên xếp hạng 8 trong tổng số 20 quốc gia và vùng lãnh thổ góp mặt tại Đại hội.

Sau này, đoàn thể thao miền Nam Việt Nam còn tham dự các kỳ ASIAD 1962 ở Indonesia; 1966 và 1970 đều ở Bangkok (Thái Lan), dù không có thêm tấm HCV nào nữa. Tuy nhiên, có 1 thành tích cũng đang là thách thức cho đến tận hôm nay, đội tuyển bóng đá miền Nam Việt Nam đã vào đến tận trận tranh HCĐ và đáng tiếc đã để thua Malaysia 1-4.

Còn với thể thao miền Bắc, do những điều kiện khách quan không tham gia các kỳ ASIAD, nhưng cũng có riêng cho mình 1 sân chơi tầm châu lục, thậm chí là thế giới để thử thách, đó là Đại hội Thể thao của các nước mới trỗi dậy GANEFO vào thập niên 60.

Dấu ấn lớn nhất tại đấu trường này là chức vô địch của nữ kình ngư Vũ Thị Sen năm 1966 cùng những chiến thắng vang dội của đội tuyển bóng đá Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (gồm lứa cầu thủ đầu tiên của Trường Huấn luyện) khi vào đến trận tranh hạng ba GANEFO 1963 gặp Uruguay. Trận đấu này kết thúc với tỉ số hòa 2-2, sau đó chúng ta đành chấp nhận hạng tư vì thua trong... bốc thăm (lúc đó chưa có luật đá luân lưu).

Và giấc mơ xa

Đất nước hoàn toàn thống nhất, tuy nhiên, những năm tháng khó khăn tiếp theo khiến thể thao Việt Nam ít có cơ hội cọ sát quốc tế và cũng không có điều kiện để đầu tư, phát triển chuyên môn. Trong khi đó, thể thao châu Á với những bước tiến vượt bậc đã trở thành thế lực của thể thao toàn cầu. Á vận hội đã trở thành giấc mơ xa vì thế.

Câu chuyện về tấm HCV ASIAD đầu tiên của Thể thao Việt Nam

Đêm 17/5/1958, tại nhà thi đấu Tokyo (Nhật Bản), đội tuyển bóng bàn nam Việt Nam với 4 cái tên lừng danh: Lê Văn Tiết, Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được và Trần Văn Liễu đã hạ đội tuyển chủ nhà Nhật Bản có trong đội hình nhà đương kim vô địch thế giới Tanaka ở trận chung kết đồng đội nam.

Khi kim đồng hồ vừa chỉ 22h40, tay vợt đương kim vô địch bóng bàn đơn nam thế giới Tanaka đã quăng vợt, chạy đến quì xuống ôm chân mẹ khóc ròng. 10.000 khán giả chủ nhà ngồi lặng ngắt như tờ. Cả Tokyo, cả nước Nhật cùng rơi nước mắt theo Tanaka. Một tờ báo Nhật hôm sau đã viết: “Đây là lịch sử đau buồn của thể thao Nhật". Ngoài chức vô địch đồng đội nam, cặp Mai Văn Hòa/ Trần Cảnh Được còn giành được tấm HCV đồng đội.

Năm 1980, nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô cũ, đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Moscow - kỳ đại hội quốc tế đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất. 2 năm sau, với tư cách thành viên Hội đồng Ủy ban Olympic châu Á (OCA), 40 thành viên của đoàn Việt Nam chính thức tham dự ASIAD lần thứ 9 diễn ra ở New Dehli (Ấn Độ) và bất ngờ giành tấm HCĐ nội dung súng ngắn bắn nhanh nhờ công nam xạ thủ Nguyễn Quốc Cường. Tấm huy chương quốc tế đầu tiên của thời kỳ hội nhập trở lại.

Nhưng như đã đề cập ở trên, khi chúng ta đứng lại, thậm chí là tụt hậu, thì mặt bằng thể thao châu Á đã quá xa. Quá trình hội nhập của Thể thao Việt Nam chỉ bắt đầu vào năm 1989 với mục tiêu "sát sườn" đó là Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games. Thực tế đã chứng minh tính đúng đắn của mục tiêu này. Sau những bước đi thăm dò, chỉ mất 14 năm, tức 7 kỳ SEA Games, đoàn Thể thao Việt Nam đã vươn lên ngôi đầu khu vực với chức vô địch toàn đoàn trên sân nhà vào năm 2003. Kể từ đó đến nay, chúng ta luôn đảm bảo một vị trí vững chắc trong Top 3 Đông Nam Á và đó cũng chính là cơ sở để các nhà quản lý thể thao bắt đầu mơ đến mục tiêu cao hơn - châu lục và thế giới.

Thực ra thì sau tấm HCĐ ở ASIAD 1982, phải đến Á vận hội Bắc Kinh 1990, Thể thao Việt Nam cũng mới đều đặn tham dự sân chơi này. Tính đến trước ASIAD 2018 diễn ra tại Indonesia, đoàn thể thao nước nhà cũng đã giành được 11 HCV - 54 HCB - 70 HCĐ (không tính các kỳ tham dự của đoàn thể thao miền Nam Việt Nam trước kia) - một thành tích chẳng đến nỗi nào, nhưng chẳng hề đồng nghĩa với việc có lại vị thế đủ sức cạnh tranh như trước khi bởi đơn giản, lúc này để có dù chỉ là 1 tấm HCV cũng hết sức khó khăn.

Cần phải quy hoạch lại cả giấc mơ

ASIAD 2018 khép lại tại Indonesia vào ngày 2/9 này cũng chẳng là ngoại lệ. Dù lần đầu cử đến đại hội đoàn đại quân đông kỷ lục - 523 thành viên, trong đó có 352 VĐV tham gia thi đấu ở 32 môn thể thao trong chương trình, vượt xa con số 21 môn so với kỳ ASIAD gần đây nhất. Đặc biệt, đoàn đặt ra mục tiêu giành 3 HCV căn cứ trên cơ sở có 10 VĐV đủ khả năng cạnh tranh HCV ở các môn điền kinh, bơi lội, bắn súng, cử tạ, xe đạp, Wushu, Pencak Silat, Taekwondo và Karate.

Và rồi tấm HCV chờ đợi cũng đến khi các cô gái đua thuyền Rowing bất ngờ mở hàng, nhưng trước đó, hàng loạt thất bại của những niềm hy vọng Vàng như: Xạ thủ đương kim vô địch Thế vận hội Hoàng Xuân Vinh; nữ kình ngư Ánh Viên; lực sĩ cử tạ Thạch Kim Tuấn; cua-rơ nữ Nguyễn Thị Thật... đã chỉ ra khoảng cách còn rất lớn của chúng ta so với mặt bằng châu lục, đặc biệt là các môn trong chương trình thi đấu Olympic vốn là thước đo chuẩn cho sự phát triển của bất kỳ nền thể thao quốc gia nào.

Xa, thậm chí là còn rất xa. Nhưng không có nghĩa là buông bỏ. Thể thao Việt Nam không chỉ mãi quẩn quanh và tự bằng lòng với thứ hạng dẫn đầu ở cái "ao làng" SEA Games mà phải hướng tới đấu trường châu lục, thế giới.

Bài toán đặt ra lúc này là chúng ta hướng đến bằng gì và bằng cách nào? Tất cả các môn đều có sức cạnh tranh theo kiểu dàn hàng ngang là không thể nếu nhìn vào tiềm lực kinh tế lẫn mặt bằng chuyên môn. Và thực tế, trên thế giới cũng chẳng có quốc gia nào... giỏi hết các môn thể thao. Vấn đề của Thể thao Việt Nam cần phải xác định được môn thế mạnh đủ sức cạnh trên ở tầm châu lục và thế giới để đầu tư, đặc biệt là các môn cơ bản trong hệ thống thi đấu Olympic như: Điền kinh; Bơi; Bắn súng; Cử tạ; Đua thuyền... cùng các môn võ thuật. Rồi ngay trong các môn này cũng phài là những nội dung phù hợp với thể hình, thể chất của người Việt Nam.

Quan trọng hơn, cách đầu tư cũng phải thay đổi theo hướng chuyên nghiệp, bài bản thay vì môn nào cũng... trông cả vào ngân sách nhà nước, hay kiểu nuôi gà nòi "sáng được, tối bỏ". Ngoài ra, là huy động thêm nguồn lực xã hội để đầu tư cho thể thao đỉnh cao.

Chỉ có như vậy, giấc mơ Á vận hội mới có thể thành hiện thực gần hơn.

Bài học từ U23 Việt Nam

Nếu cần phải có 1 bài học tốt nào về quá trình đầu tư nhằm nâng tầm thì đó chính là bài học về đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam. Sau thời gian dài cuốn vào cơn lốc tiền của thứ gọi là chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam trở lại với nền tảng là công tác đào tạo huấn luyện trẻ và ngay lập tức đã thu được thành công.

Lứa U23 vừa làm nên kỳ tích lớn với ngôi á quân U23 châu Á hồi đầu năm và lọt vào tốp các đội hàng đầu ở ASIAD 2018 này chính là trái ngọt của các lò đào tạo như: Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội, Viettel, PVF... chứ chưa hẳn là chiến lược chung của các nền bóng đá. Rõ ràng, với tiềm năng sẵn có, nếu tiếp tục đầu tư vào lớp trẻ, bóng đá Việt Nam có thể chạm tới mặt bằng châu Á.

Ngọc Minh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/giac-mo-a-van-hoi.aspx