Giấc mơ bị trì hoãn

Trên bàn làm việc của tôi, một món quà là chiếc đồng hồ báo thức nhỏ, nhắc nhở về một kỳ vọng cũ, khi người thầy tặng tôi lúc rời buổi học cuối cùng.

Ông nói: “Chúng ta thường trì hoãn mọi việc xảy ra và ảnh hưởng trong đời mình. Ta cứ trì hoãn mãi, không hiểu vì sao mình trì hoãn. Nhiều sinh viên tôi gặp từng nói nếu họ có thể nỗ lực làm mọi điều họ nghĩ tới, có thể thế giới đã thay đổi. Tôi không biết thế giới sẽ thay đổi ra sao, nhưng tôi tin rằng cứ mỗi lần ta bớt đi một trì hoãn, là mục tiêu ở rất xa đã gần lại hơn nhiều lần.” – Chiếc đồng hồ được tặng làm quà cho nhiều sinh viên trong khóa học, khi chúng tôi thực hiện xong bài luận cuối kỳ.

Sự trì hoãn đã ở đâu khi ý nghĩ của tôi quẩn quanh trong bài học ông giảng? – Tâm trí tôi mông lung đặt câu hỏi khi nhìn ông đặt chiếc đồng hồ xuống trước mặt mình. Tôi đã trì hoãn chuyến đi đến một vùng đất quan trọng ở Đông Nam Á, khi mải miết chậm rãi lăn mình trong công việc tiện nghi của văn phòng cũ. Tôi trì hoãn một nhóm bài viết quan trọng, khi nhân vật phỏng vấn mỏi mệt muốn lần lữa cuộc mổ xẻ thông tin. Tôi trì hoãn bài tập chạy cuối ngày, khi lời mời uống bia reo lên trong tin nhắn điện thoại. Tôi trì hoãn khóa học này hai năm, cho đến khi người đi học cùng đặt trước mặt mình tờ phiếu đăng ký như một tối hậu thư không thể quay đầu.

Ảnh: TL

Ta trì hoãn nhiều dự định trong đời với ý niệm mình có thể thực hiện ngày mai. Mình có thể học sau một tháng nữa. Mình có thể làm dự án đó sau một năm. Không có mình thế giới vẫn ổn. Không có sự chăm chỉ thất thường của bài thể thao thì mình vẫn sống. Không đọc đống tài liệu phức tạp kia thì mình vẫn có thể hoàn thành bài luận. Lý lẽ rất vừa đủ. Sự trì hoãn kéo nỗ lực xuống đáy cạn, kéo thân thể ta rời khỏi vùng rướn để đạt được điều gì ta từng có khoảnh khắc ao ước. Ta khỏa lấp bất an bằng lý luận “vừa đủ”, nhắm mắt lờ đi sự thật là cơ thể mình đã không hề chịu tiến lên bước nào trong nhiều năm lờn vờn quanh vị trí an toàn nào đó vừa rúc vào được.

Sự trì hoãn kéo cuộc đời ta đi về hướng hoàn toàn không lường được. Người cha vì mải làm việc, trì hoãn mãi không đưa con mình đi khám khi bé chậm nói, để cuối cùng biết bé bị vấn đề mãi hai năm sau, khi việc tập luyện khó khăn hơn rất nhiều. Một người đàn ông trì hoãn lời cầu hôn, cho đến khi người yêu anh phải vào viện vì căn bệnh ập tới. Lời cầu hôn không còn ý nghĩa gì khi chị rời bỏ sự sống. Một đứa con phân vân mãi không trở về và thực hiện khu vườn như anh từng hứa với cha, cho đến khi ông không còn đủ sức khỏe thực hiện nó như anh từng bắt ông hứa thời niên thiếu. Giấc mơ hóa thành tiếc nuối chỉ vì bàn tay vô hình kéo chân người thực hiện lại trong vô vàn lý do được giăng bẫy.

Bức ảnh meme trôi đâu đó trên mạng viết: “Mục tiêu 2018 của tôi là hoàn thành những mục tiêu 2017 đã xác định hoàn thiện năm 2016 và lên kế hoạch thực hiện năm 2015”. Nhiều người yêu thích nó. Tôi từng cười “haha” khi ai đó đăng trên tường trước kỳ nghỉ Tết.

Nhưng chiếc đồng hồ làm tôi bối rối. Nó tiết lộ sự “đồng cảm” bên trên là vỏ bọc cho bao trì hoãn tôi từng bỏ qua khi phải đối mặt với thực tại ồn ào và quá nhiều bận tâm vụn vặt. Tôi không thực hiện ước mơ của mình chỉ vì không đủ thời gian (một lý do phổ biến). Tôi không thực hiện dự định mình mong mỏi vì quá bận làm việc (rất nhiều người có lý do tương tự). Và tôi có thể trì hoãn mãi mãi không có bất kỳ thúc bách nào đẩy mình tới quyết tâm phải thực hiện.

Tuổi trẻ không ai thúc bách. Thời gian không ai mua cho ai. Giấc mơ không thể thành hình chỉ vì ta “định làm”. Và mọi thứ sẽ tan thành tro bụi sau vô vàn trì hoãn tiếp tục cứ mỗi năm mới trôi qua.

Chiếc đồng hồ được thầy tặng kèm với bài tập Pomodoro – một kỹ thuật chia nhỏ thời gian làm việc, để tập trung thực sự đào sâu vào công việc gì đó, với những bước chia nhỏ thời gian:

Người làm việc cần xác định thứ họ cần phải làm.

Đặt thời gian cho đồng hồ trong 25 phút.

Tập trung toàn bộ sự chú ý vào 25 phút đó cho một việc duy nhất đã định từ đầu.

Khi đồng hồ reo, đánh dấu vào sổ cho thấy đã hoàn thành phần việc đó.

Nghỉ ngắn 3 -5 phút.

Tiếp tục quay lại khoảng thời gian tập trung 25 phút.

Nếu công việc dài hơn bốn quãng 25 phút trên, hãy nghỉ 15 phút sau bốn lần.

Kỹ thuật do một chuyên gia người Ý tên Francesco Cirillo phát triển vào thập niên 1980. Thầy giáo đã kèm nó vào món quà tặng cuối cùng cho tôi, để đánh dấu kỳ vọng ông mong đợi những học trò sẽ thay đổi ý niệm của họ về thời gian của cuộc đời.

Tôi mất tới vài năm sau để ngồi vào bàn, đọc thật kỹ bài giảng về Pomodoro trên một trang web học bài. Nó lý giải rất nhiều về cách ta không để não mình bị thao túng vì vô số thứ bận tâm trong 25 phút ngắn. Ta tập trung toàn bộ để làm một việc trong thời gian đó, và cảm thấy mình tiến bộ dần dần. Bài giảng được nhiều người viết lại, khẳng định nó là thời gian vừa đủ để não bước vào cuộc chạy tập trung đến điều nó cần học/giải quyết. Ta không được cầm điện thoại lên trả lời tin nhắn. Ta không được xem Facebook. Ta không được đi uống nước. Ta không được mở truyện tranh ra xem vài trang. Ta không được phép check instagram xem người yêu làm gì. 25 phút cô lập toàn bộ và tập trung toàn lực. Và sau đó, ta thưởng cho mình 5 phút lề mề, dòm xung quanh, xem tin nhắn, đọc status người thương. Gì cũng được. Và ta quay lại chu kỳ 25 phút tiếp tục.

Đồng hồ của thầy có tác dụng. Chuông của nó to khủng khiếp, một thứ âm thanh phản cảm thực sự. Nhưng nó reo lên như niềm vui sau mỗi 25 phút, cho tôi được đi pha cafe 5 phút, quay trở vào bàn, nhìn qua tin nhắn bạn bè. Và tiếp tục.

Tôi thuộc loại người không tin vào đa nhiệm, không tin tôi có thể vừa đọc bài vừa trả lời Facebook. Không tin tôi có thể vừa lái xe vừa nghe điện thoại. Không tin mình có thể vừa chạy vừa nghe audio book. Tôi tin vào sự tập trung mà bài tập đã dạy phải luyện tập suốt thời gian dài. Sự toàn vẹn của tin tưởng rằng 25 phút ngắn ngủi đó thật tuyệt, đầy đủ, không chút lơ láo, ngơ ngác. Tôi thấy lại trong mình niềm vui sướng hoàn thành một bước nhỏ trong mục tiêu bao lâu nay chưa chịu nảy mầm vì vô vàn trì hoãn.

Tôi cho mình được tái sinh trong giấc mơ đã xếp xó, phủ bụi và phai nhòa. Tuổi trẻ không thể trì hoãn thêm nữa…

Và chiếc đồng hồ của thầy, quả là một trò chơi đủ vui vẻ.

Khải Đơn

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/giac-mo-bi-trihoan-22154.html