Giấc mơ CPTPP thành hiện thực

Với việc trở thành quốc gia thứ sáu phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Australia đã góp phần giúp hiệp định thế kỷ 'thành hình'.

CPTPP sẽ tạo ra vùng thương mại chiếm hơn 13% GDP toàn cầu. Ảnh: CNBC

Sau Nhật Bản, Singapore, Mexico, New Zealand và Canada, Australia đã chính thức thông báo phê chuẩn CPTPP, theo thông tin từ Reuters. Các quốc gia còn lại chưa phê chuẩn tính đến nay bao gồm Việt Nam, Brunei, Chile, Malaysia và Peru.

Nghị quyết phê chuẩn CPTPP sẽ được Quốc hội Việt Nam xem xét, thông qua trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, một bước đi được giới chuyên gia và các doanh nghiệp kỳ vọng.

Hiệp định thương mại này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào cuối tháng 12 năm nay, sớm hơn so với dự kiến vào tháng 1 năm sau.

“Động thái này sẽ kích hoạt thời gian chờ 60 ngày để đưa thỏa thuận vào thực thi, tiến hàng cắt giảm thuế quan vòng đầu tiên”, Reuters dẫn lời ông David Parker, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Tăng trưởng xuất khẩu New Zealand.

CPTPP sẽ tạo ra một vùng thương mại chiếm hơn 13% GDP toàn cầu, tương đương khoảng 10 nghìn tỷ USD và sở hữu gần nửa tỷ dân. Nếu có sự tham gia của Mỹ như trước đây, khu vực này sẽ chiếm tới 40% GDP toàn cầu.

Việc CPTPP đạt được sự ký kết và có hiệu lực được xem là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực lớn của các thành viên còn lại sau khi Mỹ rút đi và là đối trọng với sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ từ nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Xuất phát là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 12 thành viên, hiệp định thế kỉ đứng trước bờ vực sụp đổ khi nước Mỹ tổ chức bầu cử vào tháng 11/2016.

Theo điều kiện ban đầu, TPP chỉ có hiệu lực trong trường hợp GDP của tất cả các nước quyết định kí kết chiếm ít nhất 85% GDP của toàn bộ 12 nước tham gia. Điều này đồng nghĩa với việc TPP sẽ không thể được thông qua nếu không có Mỹ bởi GDP của quốc gia này chiếm hơn 15%.

Viễn cảnh tệ nhất đối với hiệp định thế kỉ đã xảy đến khi ông Trump trở thành tân tổng thống Mỹ và chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, ông Trump đã kí sắc lệnh tuyên bố rút Mỹ ra khỏi TPP.

Sự ra đi của Mỹ khiến tương lai của TPP trở nên tối tăm hơn bao giờ, nhiều thành viên bày tỏ sự dè dặt và cùng với đó, nhiều quy định tại hiệp định vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.

Rõ ràng, việc TPP được cứu sống và thành hình sẽ giúp tăng năng lực đàm phán của các quốc gia thành viên và giúp tạo thế cân bằng với chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ. Không chỉ vậy, TPP còn có khả năng mở rộng khi nhiều quốc gia khác cũng bày tỏ sự quan tâm đến hiệp định này như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia hay Philippines.

Vũ Ninh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/giac-mo-cptpp-thanh-hien-thuc-1540958204566.htm