Giấc mơ của 'ông lớn' AEON có thành?

Nuôi kế hoạch đến năm 2025 mở 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam, tuy nhiên, những trở lực của thị trường bán lẻ Việt thời gian qua sẽ là bài toán không nhỏ đối với AEON.

Aeon vào thị trường Việt Nam từ năm 2011 với số vốn đầu tư 190 triệu USD. Kể từ đó đến nay, Aeon đã xây dựng và vận hành trung tâm mua sắm tại ba thành phố lớn: TP.HCM, Hà Nội và Bình Dương.

Tham vọng lớn

Mới đây, Tập đoàn AEON (Nhật Bản) đã chính thức công bố việc đưa AEON Mall Hà Đông vào hoạt động từ cuối tháng 11 này, với vốn đầu tư khoảng 180 triệu USD. AEON Mall Hà Đông có tổng diện tích sàn khoảng 150.000 m2 và tổng diện tích cho thuê là 74.000 m2.

Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông dự kiến sẽ đi vào hoạt động ngày 26/11 tới đây. Ảnh Báo dân sinh.

Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông dự kiến sẽ đi vào hoạt động ngày 26/11 tới đây. Ảnh Báo dân sinh.

AEON Mall Hà Đông sẽ có khoảng 220 gian hàng, trong đó gian hàng chủ chốt là Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị AEON Hà Đông, do Công ty TNHH AEON Việt Nam đầu tư và quản lý, với tổng diện tích trên 16.259 m2.

Kể từ khi bắt đầu đưa AEON Mall đầu tiên vào hoạt động (năm 2014), đến nay, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản đã có 5 trung tâm thương mại tại Việt Nam, gồm AEON Mall Tân Phú Celadon, AEON Mall Bình Dương Canary, AEON Mall Long Biên, AEON Mall Bình Tân và AEON Mall Hà Đông.

Sau 8 năm hoạt động tại Việt Nam, vốn đầu tư của AEON đã lên tới gần 700 triệu USD, một con số không nhỏ so với vốn đầu tư mà các đại gia bán lẻ nước ngoài khác đã “dốc” vào Việt Nam.

Mục tiêu của AEON đến năm 2025 là đầu tư khoảng 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam. Hiện tại, Aeon có 179 liên doanh trong và ngoài Nhật Bản, sở hữu và vận hành 17.000 trung tâm thương mại và cửa hàng.

Đường đi không dễ dàng

Thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua diễn ra sôi động với nhiều vụ mua bán - sáp nhập và đã tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, thực tế kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài không hề dễ dàng và không được như kỳ vọng ban đầu của họ. Thậm chí, nhiều "ông lớn" đã phải ngậm ngùi rời thị trường hoặc bán lại cổ phần vì kinh doanh không hiệu quả.

Gần đây nhất, ngày 16/5/2019, Tập đoàn Auchan (Pháp) đã tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam sau 5 năm hoạt động và chuyển nhượng lại chuỗi 18 siêu thị cho một doanh nghiệp nội. Quyết định đóng cửa chuỗi siêu thị Auchan tại Việt Nam được Chủ tịch Tập đoàn Auchan Retail cho biết là kinh doanh không khả quan.

Trước đó, Metro Cash & Carry (Đức) sau một thời gian kinh doanh tại Việt Nam đã phải bán lại cả chuỗi 19 siêu thị cho TC Land (Thái Lan) vào năm 2015 và từ đó đến nay, TC Land vẫn trong quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình hình doanh mà chưa mở mới được siêu thị nào.

Trong khi đó, đến nay, Parkson đã đóng cửa 5/9 trung tâm thương mại và báo lỗ liên tiếp 8 năm gần đây. Cần phải nói thêm, bước chân vào thị trường bán lẻ Việt Nam từ năm 2005, Parkson từng có những “năm tháng huy hoàng” trong giai đoạn 2005 - 2010. Tuy vậy, từ năm 2011, việc kinh doanh của tập đoàn đến từ Malaysia này gặp vấn đề và liên tục thua lỗ. Đầu năm 2018, trung tâm thương mại cuối cùng của Parkson tại TP.HCM đã đóng cửa, đánh dấu sự rút lui hoàn toàn tại thị trường Việt Nam.

Về phần mình, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) cũng không dễ dàng “bơi” trên thị trường bán lẻ. Cuối năm 2018, họ phải chuyển lại 30% cổ phần trong hệ thống 23 siêu thị Fivimart - Aeon cho Vingroup để Vingroup sở hữu 100% hệ thống này.

Sau 8 năm hoạt động, Aeon mới mở được 4 trung tâm thương mại, sắp tới nâng lên con số 5 trung tâm, thay vì kỳ vọng vài chục trung tâm như ban đầu.

Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của các doanh nghiệp Việt trong thời gian qua cũng là những trở ngại "đáng gờm" đối với đại gia bán lẻ đến từ Nhật Bản.

Chẳng hạn, hệ thống Vimart và Vinmart+ của Tập đoàn Vingroup đã gây dựng được 1.700 siêu thị mini và hơn 100 siêu thị trên 44 tỉnh, thành phố trên toàn quốc (bao gồm 2 thương vụ mua lại 23 siêu thị Fivimart và 87 cửa hàng tiện lợi Shop & Go) và trở thành nhà bán lẻ đứng đầu ở Việt Nam chỉ sau 4 năm.

Theo kế hoạch phát triển của Vinmart và Vinmart+, đến năm 2020, hệ thống sẽ có 200 siêu thị và 4.000 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các doanh nghiệp bán lẻ khác như Saigon Co.op, Satra cũng đều có những bước phát triển rất đáng khích lệ và lần lượt xếp vị trí thứ 3 và thứ 7 trong Top 10 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Với dân số 97 triệu người, kinh tế tăng trưởng ổn định, thị trường bán lẻ của Việt Nam vẫn được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, sau những thăng trầm trên thị trường bán lẻ thời gian qua, bản thân AEOn cũng cần có những tính toán kỹ lưỡng hơn.

Khánh Hà

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/giac-mo-cua-ong-lon-aeon-co-thanh-160845.html