Giấc mơ Nhật Bản: Lao động giá rẻ bọc trong chiếc vỏ 'tu nghiệp sinh'

Mới đây, tờ Japan Times cho đăng tải bài viết tựa đề: "Cái giá của sự tiện lợi ở Nhật Bản: Khi sinh viên nước ngoài làm nhiều hơn học". Bài viết là sự lột tả chân thực tình trạng du học hiện nay ở Nhật, nơi có rất đông du học sinh Việt Nam.

Tại một cửa hàng tiện lợi mở cửa thâu đêm suốt sáng ở quận trung tâm Shinjuku, thủ đô Tokyo, một người đàn ông đứng phía sau quầy hàng đang sắp xếp các kệ hàng, mang vác các thùng nặng, lau dọn, nấu thức ăn, gọi mua hàng, phát vé số. Anh ta luôn lịch sự, sử dụng những từ tiếng Nhật đầy tôn trọng, từ irasshaimase (xin chào) cho đến arigato gozaimasu (cảm ơn rất nhiều).

Một lần, anh ta bổ nhào xuống phố đuổi theo một người khách đang rời khỏi cửa hàng. Đó không phải là vì khách đã trộm hàng mà chỉ là bởi khách đã quên cầm tiền thừa (khoảng 40 yên, tương đương 8.000 đồng). Anh nhân viên siêu nhân này đã gần như bay ra khỏi quầy tính tiền và lao xuống phố để trao số tiền thừa này cho khách.

Một lao động đang làm việc tại một siêu thị tại Nhật. (Ảnh minh họa)

Sajith Sampath năm nay 26 tuổi, là người Sri Lanka và đã đến Nhật được 2 năm. Sampath rời quê hương với mong muốn có thể học hành để trở thành một kỹ sư cơ khí ở Nhật Bản. “Sau khi học kỹ thuật, tôi lên kế hoạch quay về Sri Lanka, tìm một công việc và đỡ đần cho mẹ tôi”, Sampath chia sẻ. Anh khá cao, với bờ vai rộng, nói tiếng Anh hay tiếng Nhật đều rất nhẹ nhàng và cẩn thận.

Tuy nhiên, trong 2 năm sống ở Nhật, Sampath vẫn chưa thể bắt đầu học về kỹ thuật. Trước tiên, anh phải học tiếng Nhật, bao gồm kỹ năng đọc và viết, tại một trường ngoại ngữ. Và việc học diễn ra trong khi anh phải làm việc thời gian dài, mệt mỏi tại cửa hàng tiện lợi.

Khi phóng viên của Japan Times đến yêu cầu được phỏng vấn Sampath, anh ta đang ở phía sau. Trong lúc chờ anh ta, phóng viên đã nói chuyện với người trông cửa tiệm. Ông ta lưu ý Sampath là “một học viên”, một thuật ngữ bị lạm dụng rộng rãi ở Nhật Bản, nhằm trốn tránh, siết chặt, thậm chí là lừa đảo và vi phạm nhiều luật bảo vệ công dân nhưng lại đặc biệt được người Nhật ưa dùng.

Hóa ra người đứng quầy này cũng đến từ Sri Lanka, cũng là học viên. Anh ta đến sau Sampath nhưng nói chuyện có vẻ dõng dạc, tự tin hơn. Anh ta tên là Asanga Saradha Thathsara Thilakarathna, cũng 26 tuổi và mơ trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin. Anh ta cho biết sẽ đến Đại học Tokyo. Tuy nhiên, cũng như anh bạn Sampath, anh ta phải đến trường ngoại ngữ học tiếng Nhật. Chỉ đến khi thành thạo tiếng Nhật, anh ta mới có thể tiếp bước giấc mơ của mình.

Trong khi chờ đợi, thay vì tập trung học tiếng, anh ta làm việc thâu đêm, dành nhiều giờ trong ngày để kiếm tiền, có khi lên đến 28 giờ/tuần trong thời gian đến trường. Ngoài giờ học, không ai biết người quản lý đã bắt anh ta và Sampath làm việc trong bao lâu.

Một nguồn tin trong ngành nói rằng, khi các trường dạy tiếng Nhật nghỉ lễ, những nhân viên cửa hàng tiện lợi người nước ngoài – những sinh viên nước ngoài – có thể làm việc đến 40 giờ/tuần hoặc nhiều hơn. Không bao giờ biết lúc nào họ nên quay trở lại việc học hành của mình.

Công việc đêm tại cửa hàng tiện lợi đang ngày càng trở nên bận rộn hơn khi mà giới trẻ Nhật Bản có xu hướng ít hẹn hò hơn, ít nấu nướng và chi tiêu ít hỏi, giờ làm việc ngày càng bất thường hơn.

Sinh viên lấp đầy sự thiếu hụt lao động ở Nhật Bản

Số lượng người lao động nước ngoài ở Nhật Bản bùng nổ, từ con số 910.000 người năm 2015 lên đến 1,08 triệu người năm 2016, theo số liệu do Bộ Lao động nước này công bố.

Một giảng đường tại Đại học Tokyo.

Trong danh sách thành phần lao động nước ngoài, “sinh viên” được ghi nhận với con số khá lớn, từ 168.000 người năm 2015 lên đến 210.000 năm 2016. Sinh viên chiếm 1/5 tổng số lao động nước ngoài. Xu hướng này xuất phát từ kế hoạch của Bộ Giáo giục tăng gấp đôi số lượng sinh viên nước ngoài lên mức 300.000 người vào năm 2020.

Tuy nhiên, bức tranh này có điều gì đó không ổn. Sinh viên nước ngoài đến Nhật Bản chỉ nên là sinh viên, không nên làm người lao động. Điều gì đang biến họ thành công nhân? Tại sao đi làm lại trở thành hoạt động chính của đa số sinh viên nước ngoài tại Nhật Bản?

Theo Bloomberg, đất nước mặt trời mọc đang đẩy mạnh chiêu mộ sinh viên tới từ khu vực ASEAN nhằm tạo ra một “cây cầu nối” giữa Nhật Bản với các quốc gia Đông Nam Á trong tương lai.

Đông Nam Á là khu vực đầu tư trọng điểm của Nhật Bản, đồng thời được xem là nguồn cung cấp nhân lực chất lượng cao giá rẻ, thông qua các chương trình ưu đãi, trợ cấp học bổng học tập tại các trường đại học của Nhật Bản.

Việt Nam là một trong những quốc gia được ưu tiên nhiều nhất trong kế hoạch của Nhật Bản. Số lượng sinh viên Việt Nam học tập tại Nhật Bản tính cho tới tháng 5/2016 chạm ngưỡng 54.000, cao gấp 12 lần so với 6 năm trước đó, chiếm một phần tư sinh viên quốc tế và chỉ đứng sau Trung Quốc (41%).

Dường như ai đó đang gặp khó khăn trong việc đưa câu chuyện đi đúng hướng. Đang có suy nghĩ rằng Nhật Bản mời gọi nhiều sinh viên nước ngoài hơn bao giờ hết nhằm khuyến khích trao đổi văn hóa và nhiều điều tốt đẹp khác. Nhưng thực tế đất nước này đang tuyệt vọng vì lao động giá rẻ. Có lẽ chính phủ không nên quá vô tư trong việc thống kê sinh viên vào danh sách lao động nước ngoài.

Xét một cách khách quan, lao động nước ngoài đang giúp nước Nhật tồn tại. Họ lấp chỗ trống tại những vị trí công việc ở cửa hàng tiện lợi, nhà hàng gia đình, giao vận và các dịch vụ quan trọng khác. Triết lý “Khách hàng là số 1” của người Nhật trong những năm gần đây đã đẻ ra những nhà hàng 24 giờ, những người giao hàng bất kể thời gian và những dịch vụ đặc biệt khác. Dịch vụ trực tuyến tạo sự thuận lợi đã đẩy nhu cầu lao động tăng cao vợi và các nhà cung cấp dịch vụ không thể nào đáp ứng hết. Đó là lý do công dân nước ngoài đến Nhật. Dù bị trả lương thấp ở Nhật, thì mức lương đó vẫn cao hơn nhiều cho một vị trí tương tự ở quê nhà.

Nhưng đó không phải là vấn đề chính. Bối cảnh của tất cả những vấn đề này chính là Cục Xuất nhập cảnh không cấp thị thực lao động. Chúng không tồn tại. Các loại giấy tờ đặc biệt và các loại thị thực khác cho phép người nước ngoài lao động nhưng không có “thị thực lao động”.

Thị thực sinh viên cho phép chủ nhân làm việc lên tới 28 giờ/tuần ( Điều 19.5, Quy định về thi hành luật nhập cư). Vì thế, những gì mà các ông chủ lao động nghĩ đến là đi cửa sau, hợp thức hóa thuê các sinh viên này sẽ hiệu quả hơn việc tìm đến một người có “thị thực lao động”. Đằng sau sự thuận tiện của những cửa hàng tiện lợi chính là những sinh viên nước ngoài làm việc quá sức, quên học quên ngủ.

Trước đây, đa số sinh viên nước ngoài đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Giờ thì có nhiều người đến từ Nepal, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác.

Một điều đã quá phổ biến hiện nay là sinh viên ưu tiên công việc hơn học hành, dành rất ít thời gian và năng lượng quý báu để học những kỹ năng mà họ mơ mộng trước khi đến Nhật. Các trường dạy tiếng Nhật đua nhau mọc khắp cả nước, và điều họ quảng bá nhiều nhất chính là thông tin việc làm tại các nhà hàng, siêu thị, các công ty vệ sinh…v.v

Một sự hoài nghi đặt ra rằng chính phủ Nhật Bản không quan tâm đến tương lai của những người như Sampath. Hoài nghi này có thể đúng. Chính phủ đặt mục tiêu 300.000 sinh viên nước ngoài và đang tự hào họ sắp hoàn thành mục tiêu này. Không ai nói cho những sinh viên như Sampath về việc nên dành thời gian quý báu của mình tăng cường kỹ năng cá nhân và kiến thức cần thiết để đạt được ước mơ của mình. Liệu đó nên là sự tự giác của bản thân hay hệ thống chính phủ sẽ phải làm điều đó?

Minh Anh (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/giac-mo-nhat-ban-lao-dong-gia-re-boc-trong-chiec-vo-tu-nghiep-sinh-post230155.info