Giấc mơ ôtô Việt: Nga sẽ làm điều nước khác chưa làm?

Nga đã giúp Việt Nam chế tạo vũ khí thì hẳn họ cũng ngại gì mà không chuyển giao công nghệ sản xuất động cơ ô tô cho Việt Nam.

Thuận lợi

Quan tâm đến thông tin Việt Nam cùng Nga, Belarus lập liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô tải, xe 10 chỗ trở lên, xe địa hình và một số loại xe chuyên dụng, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, liên kết này nằm trong hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu và đã được đàm phán kỹ càng từ nhiều năm nay. Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Nga-Belarus có điểm thuận lợi, đó là Nga, Belarus là bạn hàng truyền thống của Việt Nam. Bản thân người Việt Nam cũng sử dụng ô tô Nga, Belarus trong nhiều năm, đặc biệt là trong những năm chiến tranh và sau khi thống nhất đất nước.

Mặt khác, hàng công nghiệp của Nga có giá rẻ và độ bền cao. Có một thời kỳ sau chiến tranh, hàng Nga tràn ngập thị trường Việt Nam, dù không đa dạng như hàng Trung Quốc nhưng có điểm đặc biệt là hàng hóa Nga rất bền. Điều đó là nhờ ngành công nghiệp nặng, công nghiệp luyện kim của Nga rất phát triển.

Những chiếc xe mang thương hiệu UAZ của Nga sẽ sớm quay trở lại thị trường Việt Nam

"Đây là những yếu tố rất thuận lợi cho Việt Nam khi liên kết với Nga, Belarus. Hơn nữa, các doanh nghiệp Nga đang tìm kiếm thị trường ở nước ngoài, riêng Việt Nam là thị trường rất tiềm năng. Gần đây Việt Nam mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực, trong khi hàng hóa Trung Quốc chất lượng kém nên Việt Nam đã trở về với khách hàng truyền thống là Nga và Belarus. Người Việt đã tiếp cận với thị trường Nga từ lâu, thậm chí có nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay ở Nga, Belarus làm ăn phát triển. Đây là cơ hội để các Việt kiều ở Nga, Belarus quay trở về đầu tư vào công nghiệp ô tô Việt Nam", ông Bùi Danh Liên nói.

Hy vọng Nga chuyển giao công nghệ sản xuất động cơ ô tô

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội chỉ băn khoăn một điều rằng, ô tô của Nga tiêu thụ năng lượng rất lớn, không hiểu rồi đây họ sẽ cải tiến như thế nào để đáp ứng yêu cầu của thế giới.

"Tôi chỉ e ngại một điều động cơ của Nga đến giờ này cải tiến như thế nào? Công nghiệp cơ khí rồi đây sẽ phát triển, lý do không phải từ Nga mà từ nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay nhiều nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ Nga, Belarus đầu tư vào sản xuất linh, phụ kiện ô tô, những yếu tố đó quan hệ với nhau thúc đẩy công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển.

Hiện nay Việt Nam đã làm được lốp ô tô, dây cáp điện ô tô, pha đèn..., chỉ còn bộ phận quan trọng nhất là động cơ ô tô Việt Nam chưa làm được. Chỉ cần Nga giúp Việt Nam làm được động cơ thì chúng ta đã giải quyết được vấn đề cơ bản của công nghiệp ô tô Việt Nam.

Thất bại của Công ty CP ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) thời gian qua là vì họ tập trung phát triển công nghệ khung, vỏ trong khi không sản xuất được động cơ, thay vào đó họ nhập khẩu động cơ với giá cao.

Để sản xuất được động cơ đòi hỏi ngành cơ khí, luyện kim phải phát triển, và điều đó đối với Nga nằm trong tầm tay. Do vậy, nếu Nga giúp Việt Nam sản xuất động cơ, phát triển cơ khí luyện kim thì công nghiệp phụ trợ không quá khó", ông Liên bày tỏ.

Lâu nay, các doanh nghiệp ô tô của Nhật, Hàn khi vào Việt Nam đã không làm được điều này, họ coi công nghệ cao cấp là nguyên tắc bí mật quốc gia nên không chuyển giao thẳng mà chỉ chuyển giao từng phần, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội chỉ rõ. Còn Liên Xô trước đây và Nga sau này đã giúp Việt Nam chế tạo vũ khí thì hẳn họ cũng ngại gì mà không chuyển giao công nghệ sản xuất động cơ cho Việt Nam.

"Nga là bạn hàng truyền thống của Việt Nam, hai bên đã có niềm tin vào nhau. Khi Nga mở các nhà máy sản xuất ô tô ở các nước khác, họ vẫn có thể chuyển giao công nghệ để tạo ra quy trình sản xuất khép kín. Chúng ta hoàn toàn có thể tin vào sự giúp đỡ của Nga. Còn với một số tập đoàn ô tô đang đầu tư vào Việt Nam thì đừng hy vọng điều này, họ có vốn nhưng không tự do thoải mái với việc chuyển giao công nghệ", ông Liên nhấn mạnh.

Ông tin rằng liên doanh giữa Việt Nam-Nga-Belarus sẽ thành công bởi Nga có động cơ để phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam, đó là Nga hy vọng Việt Nam sẽ là cầu nối để nước này mở rộng làm ăn với các quốc gia Đông Nam Á khác, đồng thời hưởng lợi từ TPP.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/giac-mo-oto-viet-nga-se-lam-dieu-nuoc-khac-chua-lam-3299545/