Giấc mơ ra rạp của phim hoạt hình Việt Nam

Ở Việt Nam hiện nay vẫn có nhiều khán giả yêu thích và sẵn sàng bỏ tiền đến rạp xem những bộ phim hoạt hình có chất lượng. Tuy nhiên, nghịch lý là thời gian qua có quá ít phim hoạt hình Việt Nam đủ tự tin ra rạp mà hầu hết mới ở dạng chiếu miễn phí.

"Nghìn lẻ một... giấc mơ"

Đến các cụm rạp chiếu phim của Việt Nam, dễ bắt gặp ở bất kỳ thời điểm nào cũng có phim hoạt hình nhập ngoại. Bộ phim hoạt hình của Nhật Bản “Bảy viên ngọc rồng: Huyền thoại Broly” phát hành từ trung tuần tháng 3, đến thời điểm này vẫn giữ các suất chiếu ở rạp. Những ngày đầu bộ phim trên mới công chiếu tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia (87 Láng Hạ, Hà Nội), nhất là các ngày cuối tuần nếu không đặt trước, khó có thể mua được vé vào xem. Rất nhiều bộ phim hoạt hình nổi tiếng của thế giới đều có đồng thời điểm phát hành tại hệ thống các rạp chiếu Việt Nam, thu hút lượng lớn người xem. Bởi mỗi bộ phim không những đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giải trí của cả trẻ em và người lớn thông qua những nhân vật, hình ảnh, âm thanh sống động được thực hiện bằng những kỹ xảo mới, hiện đại, mà còn đầy ắp những câu chuyện giàu ý nghĩa về tình yêu, tình cảm gia đình. Theo thông tin từ các nhà phát hành, hằng năm, phim hoạt hình luôn có mặt trong top 10 phim đạt doanh thu cao nhất tại Việt Nam. Ví dụ bộ phim “Incredibles 2” (câu chuyện về gia đình Siêu nhân) công chiếu mùa hè 2018 tại Việt Nam có doanh thu 90,2 tỷ đồng. Trước đó là những phim “Frozen”, “Kung Fu Panda”, “Coco”… cũng có doanh thu xấp xỉ 100 tỷ đồng.

Cảnh trong phim “Đôi cánh thiên thần” do Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất năm 2017. Ảnh do hãng phim cung cấp.

Thị trường điện ảnh Việt Nam đang diễn ra khá sôi động, cả rạp chiếu và trên nền tảng công nghệ số, là cơ hội cho các đơn vị sản xuất phim, trong đó có phim hoạt hình. So với trước khi có những “siêu phẩm” hoạt hình ngoại nhập, phim hoạt hình Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với hàng loạt bộ phim, như: “Mèo con”, “Chuyện ông Gióng”, “Xe đạp”, “Cuộc phiêu lưu của Ong Vàng”, “Tít và Mít”, “Giấc mơ của Ếch Xanh”, “Hiệp sĩ Trán Dô”, “Thỏ và Rùa”... do Hãng phim Hoạt hình Việt Nam (nay là Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam) sản xuất. Tuy nhiên, phim hoạt hình Việt Nam vẫn chưa đủ sức thu hút công chúng, chưa tạo được dấu ấn đậm nét và hầu hết phát sóng miễn phí trên truyền hình. Mặc dù những phim kể trên, không ít tác phẩm từng giành giải thưởng điện ảnh trong nước và quốc tế.

Nỗ lực để giành chỗ đứng cho phim hoạt hình

Có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm giải quyết tình trạng phim hoạt hình Việt Nam mất chỗ đứng trên sân nhà. Theo bà Trần Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam (hãng phim), sau thời gian cổ phần hóa (năm 2016), hãng phim gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, ngành nghề sản xuất phim hoạt hình phục vụ thiếu nhi là phục vụ văn hóa nên khó có thể coi hãng phim như một doanh nghiệp cổ phần làm kinh tế như những doanh nghiệp kinh tế đơn thuần. Sản phẩm phim có tác dụng lớn nhất là phục vụ mục đích giáo dục, định hướng sự hình thành nhân cách của các thế hệ thanh thiếu niên, nhi đồng, góp phần lưu giữ và phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc. Vì thế, mỗi năm hãng phim sản xuất từ 16 đến 17 chỉ tiêu phim, nhưng chủ yếu vẫn do Nhà nước đặt hàng.

Điều khó khăn lớn nhất của hãng phim hiện nay khi mong muốn thay đổi quy trình, công nghệ làm phim, nâng cao chất lượng phim thì máy móc thiết bị được Nhà nước đầu tư đã lâu, lạc hậu. Do hãng phim đã cổ phần nên không còn cơ chế Nhà nước đầu tư trang thiết bị. Bên cạnh đó, kinh phí đặt hàng hằng năm (từ năm 2015 đến nay) bị ngừng trệ, chậm trễ, nguyên nhân chính là do Luật Điện ảnh (phần đấu thầu đặt hàng các sản phẩm phục vụ chính trị) chưa phù hợp nên không thể thực hiện, dẫn đến việc đặt hàng sản xuất các sản phẩm điện ảnh, trong đó có phim hoạt hình phải thực hiện theo cơ chế riêng (xin chủ trương riêng của Thủ tướng Chính phủ)…

Để khắc phục những khó khăn nói trên, hãng phim nỗ lực bằng nhiều cách (kể cả đi vay) nhằm có nguồn tài chính duy trì sản xuất. Thời gian qua đã có những phim được sản xuất theo tư duy đổi mới như: “Đôi cánh thiên thần”, “Người anh hùng áo vải”, “Hành trình của Bi”… Tới đây, hãng chú trọng nâng cao chất lượng phim cả về kỹ thuật và nghệ thuật, tập trung sản xuất phim theo các chủ đề định hướng của Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), như: Phim về đề tài lịch sử, danh nhân, truyền thống cách mạng của dân tộc, ngoài ra vẫn sản xuất các phim đồng thoại, viễn tưởng, phim nhiều tập nhằm đa dạng chủ đề, thể loại phục vụ khán giả nhỏ tuổi. Mục tiêu cao nhất là hướng tới sản xuất phim hoạt hình ra rạp. Mục tiêu này phụ thuộc rất nhiều yếu tố: Con người, tài chính, máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại… “Mặc dù cổ phần hóa nhưng chúng tôi vẫn luôn mong muốn nhận được sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách từ phía Nhà nước và ngành văn hóa, với việc đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực sản xuất phim đặc thù này; bên cạnh đó là những nỗ lực đổi mới của người làm nghề để diện mạo của phim hoạt hình Việt Nam từng bước khởi sắc”, bà Trần Thị Thu Hiền cho hay.

CHÂU XUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/giac-mo-ra-rap-cua-phim-hoat-hinh-viet-nam-571358