Giấc mơ sân cỏ của cậu bé Vân Kiều

Tôi gặp Thước lần đầu ở khoảng sân chi chít ổ gà của bản Trằm, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Em và các bạn đang chân trần tranh nhau quả bóng 'tự chế'. Tay vân vê chiếc áo cũ, Thước bảo: 'Tối nào em cũng mơ có một quả bóng, đôi giày và được đá trên sân cỏ. Khi kể lại, mẹ bảo em sao không mơ một bữa ăn ngon'. Lời tâm sự thật như đếm ấy từng khiến tôi cay cay khóe mắt, để rồi, hôm nay vỡ òa hạnh phúc khi thấy Thước dẫn bóng, ghi bàn cho đội tuyển U14 Việt Nam.

Hồ Văn Thước (hàng trên, ngoài cùng bên trái) và các bạn tham dự vòng loại U14 Châu Á.

"Cõng" giấc mơ của dân bản

Khoảng sân nơi tôi gặp Hồ Văn Thước cách đây 3 năm vẫn chi chít ổ gà. Lũ trẻ tranh nhau quả bóng vá víu bởi xăm xe. Trận cầu đang sôi nổi thì vài em nhận ra sự hiện diện của khách. Không ngần ngại như xưa, chúng ùa đến bảo: "Anh cho chúng em lên báo với, để được vào đội tuyển bóng đá quốc gia. Từ ngày Thước rời bản, chiều nào bọn em cũng chăm chỉ tập luyện". Nhìn những gương mặt đẫm mồ hôi, tôi khẽ bảo: "Không phải vì lên báo mà Thước được vào đội tuyển U14 quốc gia. Đó là nhờ sự nỗ lực, chăm chỉ của bạn ấy". Nghe vậy, lũ trẻ thoáng buồn, rồi mắt một vài đứa lại sáng lên. "Nghĩa là nếu chăm chỉ tập luyện và đá bóng hay như Thước thì chúng em sẽ được chơi bóng trên sân cỏ, "mặc" giày và áo quần đẹp hả anh?" - Một em hỏi. Cái gật đầu của tôi khiến lũ trẻ sướng rơn. Các em hè nhau quay lại với trận cầu mỗi lúc một kịch tính.

Tạm biệt lũ trẻ, tôi hì hục leo lên đỉnh đồi tìm nhà Thước. Bố mẹ em vừa đi làm về, vai như xuôi xuống vì mệt. Anh Hồ Văn Biệt, bố Thước vui vẻ cho biết: "Đến hôm nay, vị chi thằng Thước đã vào Sài Gòn được 1 năm 7 tháng 5 ngày rồi. Đêm ngủ, vợ chồng tôi cứ gác tay lên trán, nghĩ: Không biết con mình đang làm gì? Có được người ta thương không? Vừa rồi, thấy nó đá bóng trên ti vi, ghi bàn cho đội tuyển quốc gia, cả nhà ôm nhau khóc. Thằng Thước cao hơn, béo khỏe và được mặc áo quần đẹp nữa". Nói rồi, anh Biệt lấy viên phấn gạch lên tường nhà. Từ ngày Thước khăn gói lên đường, mỗi ngày vợ chồng anh lại đánh một con dấu như vậy. Anh chị cho biết, dân bản nơi đây ít khi lưu tâm đến ngày tháng, chỉ tính chung chung như "một mùa rẫy", "tuần trăng". Về phần mình, vợ chồng anh Thước bảo nhau phải nhớ rõ ngày tháng để dõi theo từng bước con đi.

Cuộc trò chuyện đến hồi sôi nổi thì già làng Hồ Thanh Tam đến. Ông là người vận động Thước vào Sài Gòn để thỏa sức sống với niềm đam mê bóng đá. Cách đây gần 2 năm, ông Tam khá bối rối khi ông Nguyễn Thế Hiển, Giám đốc Trung tâm Thể dục Thể thao huyện Hướng Hóa và huấn luyện viên (HLV) Hà Vương Ngầu Nại tìm gặp, bày tỏ mong muốn đưa Thước vào Trung tâm Đầu tư và Phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF). Ở bản, tiếng nói của già làng luôn có trọng lượng. Nay, bố mẹ Thước tin tưởng giao quyền quyết định tương lai con mình cho ông, già làng đáng kính không khỏi trăn trở. Ông ngẫm: "Thằng bé còn nhỏ quá. Nhà nghèo nhưng bố mẹ nó hứa sẽ lo cho con ăn học đến nơi đến chốn rồi".

Còn lấn cấn, già làng Hồ Thanh Tam cạy cục tìm gặp cô Hồ Thị Hội, Chủ tịch UBND xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa. Hai người trò chuyện một hồi. Đột nhiên, không ai bảo ai đều đồng thanh nói: "Cả ông giám đốc và HLV đến đây xin đem nó đi đào tạo tài năng bóng đá. Rõ ràng là cơ hội có một không hai rồi". Thế là, quyết định cho Thước lên đường được già làng "chuẩn y". Già trẻ ai cũng thuận lòng. Thời điểm ấy, có lẽ cậu bé Hồ Văn Thước chưa thể hiểu sâu sắc rằng, cậu đang gánh giấc mơ của cả dân bản. Và hôm nay, khi Thước gặt hái thành công đầu đời, bà con càng ấm lòng, tiếp tục dõi theo con đường biến giấc mơ thành hiện thực của cậu.

Hành trình đến "sân chơi lớn"

"Sự nghiệp quần đùi, áo số" của Thước khởi đầu bằng việc góp mặt trong đội tuyển bóng đá trường Tiểu học xã Hướng Tân. Đeo băng đội trưởng, cậu thể hiện rõ bản lĩnh sân cỏ ngay tại giải đấu đầu tiên của huyện. Sau giải, Thước được Giám đốc Trung tâm Thể dục Thể thao huyện Hướng Hóa lựa chọn vào đội hình tham dự giải bóng đá nhi đồng do Công ty Phát triển bóng đá Thành Long tổ chức. Không phụ sự kỳ vọng, Thước cùng đồng đội đã cống hiến nhiều trận cầu nảy lửa. Sự nhanh nhẹn, đường chuyền sắc sảo và duyên ghi bàn của Thước sớm lọt vào mắt xanh HLV Hà Vương Ngầu Nại. Ngay lập tức, vị HLV gặp ông Hiển và vượt hơn 100km tìm đến nhà Thước, vận động em trở thành học viên của PVF.

Ngày Thước lên đường, ông Nguyễn Thế Hiển quyết định gác mọi công việc để "hộ tống" em. Đến TP Hồ Chí Minh, hai người được mời xuống Long An dự vòng loại giải U11 toàn quốc. Lúc ấy, Thước sợ hãi, chỉ bám riết ông Hiển. Đến khi mọi thủ tục hoàn tất, em vẫn giữ khoảng cách với mọi người xung quanh. Lãnh đạo, nhân viên PVF dùng mọi cách để "kết bạn" với em nhưng chẳng ăn thua. Thời gian có hạn, ông Hiển đành dỗ Thước đi ngủ rồi lén bắt xe về quê ngay trong đêm.

Sáng ra, tỉnh giấc không thấy ông Hiển bên cạnh, Thước chạy khắp nơi, vừa tìm, vừa khóc. "Chú Hiển đâu? Chú của tui đâu rồi?" - Tiếng em vọng khắp hành lang, khiến ai cũng xót. HLV Hứa Hiền Vinh, phụ trách chính của đội tuyển U14 Việt Nam kể: "Chưa bao giờ tôi gặp trường hợp thế này. Em như lạc từ rừng về, luôn co mình lại vì sợ. Nhìn thằng bé nhỏ thó, đen nhẻm chạy khắp nơi, nước mắt đầm đìa mà thương. Tôi bèn gọi mấy em cùng độ tuổi đến phòng trò chuyện, ăn ngủ cùng Thước". Sau hơn 1 tuần, Thước bắt đầu nhập học tại Trường Nguyễn Thị Định. Thấy trò ổn định tâm lý, HLV Hứa Hiển Vinh mới kể lại chuyện với Thước: Lúc tạm biệt, ông Nguyễn Thế Hiển nước mắt lưng tròng, nắm tay mọi người ân cần gửi gắm cậu, giọng lạc đi vì xúc động. "Nghe thế, thằng bé bảo, lần đó nếu biết đường thì cũng đã đi bộ về bản rồi. Tôi nghe mà hết hồn" - HLV Hứa Hiền Vinh cười bảo.

Từ khoảng sân chi chít ổ gà, Thước nhanh chóng làm quen với sân cỏ. Ngày đầu tiên, cậu không khỏi choáng ngợp. "Khi mới đến sân, em nằm lăn xuống cỏ, cố ghi lại hết cảm xúc. Em nhớ khoảng sân bóng đầy đá sỏi trước kia, chỉ cần ngã xuống là trầy chân, chảy máu" - Thước hồn nhiên chia sẻ. Bên cạnh đó, cậu cũng bắt đầu tập... "mặc" giày. Thước bảo: "Buổi đầu mặc giày, em như gà mắc tóc. Chẳng thể chạy nhanh như hồi đi chân đất. Các HLV phải hướng dẫn em cách làm quen". Ngoài đào tạo về bóng đá theo tiêu chuẩn quốc tế, Thước còn được chăm sóc trong môi trường đặc biệt để có thể hình, thể lực và sức khỏe tốt nhất. Bên cạnh đó, em bắt đầu vào học văn hóa tại Trường Nguyễn Thị Định. Đặc biệt, Thước và bạn bè được các quản sinh, trợ lý HLV hướng dẫn, giáo dục rất tận tình. Mọi chi phí đều do PVF tài trợ trong 10 năm.

Sau gần 2 năm, cậu bé Vân Kiều giờ là niềm hy vọng, tự hào của HLV Hứa Hiền Vinh và PVF. Tại Trung tâm, Thước thường xuyên vượt qua các bạn để đạt danh hiệu học viên tiêu biểu của tháng, quý, năm. Trong các giải đấu, cậu liên tục ẵm danh hiệu "Vua phá lưới", "Cầu thủ xuất sắc nhất". Đặc biệt, mong ước của Thước đã thành hiện thực khi em khoác áo đội tuyển U14 Việt Nam thi đấu với các đội bóng trong châu lục. Nhận xét về cầu thủ nhí này, HLV Hứa Hiền Vinh cho biết: "Thước rất thông minh, chăm chỉ và có thể đá ở nhiều vị trí. Đây là gương mặt tiềm năng và sẽ tiến xa hơn".

Tây Long

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/giac-mo-san-co-cua-cau-be-van-kieu/