Giấc mơ tình yêu hoang tưởng của cô hầu gái đeo hoa tai ngọc trai

Lấy cảm hứng từ bức tranh 'Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai', nhà văn nữ người Mỹ Tracy Chevalier đã viết nên quyển tiểu thuyết hấp dẫn về tình yêu cùng tên.

Trong thế kỷ 17, Hà Lan đã trải qua thời kỳ hoàng kim về nghệ thuật. Bức sơn dầu “Girl with a pearl earring” (Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai) là tác phẩm nổi tiếng nhất của họa sĩ tên tuổi Johannes Vermeer, thường được đời sau nhắc đến với cái tên "Mona Lisa của Hà Lan".

Vermeer vẽ bức tranh này ở Delft quê hương ông, một thị trấn kênh đào xinh đẹp tuyệt vời, nơi được gọi là “Venice phương Bắc” (Việc ví von với những tên tuổi kinh điển ở Italy thể hiện giá trị được bảo chứng, nhưng đôi khi cũng là bất công cho những tên tuổi của quốc gia khác).

Bây giờ, cô gái đeo hoa tai ngọc trai đã trở thành biểu tượng của thành Delft, có mặt trên tất cả các đồ lưu niệm.

Bây giờ, cô gái đeo hoa tai ngọc trai đã trở thành biểu tượng của thành Delft, có mặt trên tất cả các đồ lưu niệm.

Các nhà nghiên cứu vẫn còn mơ hồ về việc cô gái trong tranh là ai, đang nghĩ gì, và chính vì điều đó kiệt tác này càng trở nên hấp dẫn. Lấy cảm hứng từ bức tranh, nhà văn nữ Mỹ Tracy Chevalier năm 1999 đã viết nên quyển tiểu thuyết cùng tên, sau được Nhã Nam dịch ra tiếng Việt với tên “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai”.

Trong truyện, cô gái nhỏ Griet vì biến cố gia đình phải đi làm người hầu cho tổ ấm đông đúc của họa sĩ, và đã trở thành nguyên mẫu cho bức tranh của ông. Giữa ông chủ và cô gái ngây thơ âm thầm xuất hiện một thứ tình cảm gần như tình yêu, bắt đầu từ sự đồng cảm với nhau về cái đẹp của đám mây và màu đáy nước thành Delft.

Người đọc có thể tin rằng tình cảm Vermeer dành cho Griet là tình yêu. Vì yêu nên ông mới chia sẻ cảm xúc về đám mây, rồi để nàng được bước vào xưởng vẽ - nơi mà người vợ không bao giờ được đặt bước tới. Vì yêu nên ông mới để nàng nghiền màu, dọn đồ vẽ, rồi muốn vẽ nàng khi nàng đeo đôi hoa tai ngọc trai của chính vợ ông.

Bản tiếng Việt tiểu thuyết "Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai" trên “quê hương” Delft.

Nhưng người đọc cũng có quyền cho rằng Vermeer không yêu Griet như yêu một người nữ, ông chỉ yêu cái đẹp, yêu nghề họa sĩ của ông, yêu bức tranh của chính ông.

Còn Griet, như mọi người đàn bà, chấp nhận mọi yêu cầu của họa sĩ, chấp nhận toàn bộ bản thân ông, có lẽ bởi ông là hiện thân của một giấc mơ đối với nàng. Nàng ngưỡng mộ tài năng của ông, thấu hiểu phần nào thứ nghệ thuật do ông tạo ra, và khi ở bên cạnh ông, nàng được sống với phần tinh tế run rẩy nhất trong con người mình.

Những đoạn dịu dàng mà kích động nhất chính là những đoạn Griet đứng cạnh Vermeer trong căn phòng áp mái, cúi đầu nghiền và lọc bột màu. Xúc cảm ấy nguyên sơ và mạnh mẽ đến mức người đọc gần như cảm thấy mình đang đứng chính nơi đó, thấy hơi thở của người đứng cạnh vây bọc quanh mình.

Tình yêu - và những thứ tương tự - có thể trong suốt, im lặng, thấu hiểu mà đau đớn như cách con trai làm ra ngọc trong truyện của Tracy Chevalier cũng như tranh của Vermeer.

Tình yêu và nghệ thuật thực sự đúng là một thứ phiền toái và vô ích, chúng chỉ lóe lên trong một vài giây phút thực của cuộc sống, nhưng chúng làm ta khắc khoải mãi, và ta đau.

Và rồi cái đáng nói đâu chỉ có tình yêu. Còn có sự phân biệt giai cấp, sự giả tạo giữa con người với nhau, sự cô đơn lạc lõng trong một thế giới xa lạ, sự ám ảnh và khao khát với những thứ ngoài tầm tay với.

Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai không phải là câu chuyện vượt lên số phận của cô gái nghèo khó có ông bố mù, cũng không phải là một tiểu thuyết diễm tình sau đó ông chủ si tình bỏ gia đình đi theo tiếng gọi tình yêu với cô hầu bé nhỏ xinh đẹp.

Tiểu thuyết chỉ kể về một quãng đời xao động của cô hầu gái trước khi cô chính thức chấp nhận số phận dành cho mình, trở thành vợ anh hàng thịt.

Phải chăng rất nhiều người trong chúng ta đều đã sống như vậy, lựa chọn quên đi những giấc mơ đẹp đẽ hư ảo để chọn cuộc đời yên ổn? Mà như vậy thì cũng chẳng có gì không tốt.

Chỉ là đôi lúc rảnh rỗi, ngồi ngẫm nghĩ lại, ta chợt nhớ ra vào một quãng đời đã từng có những khát khao, dù thời gian bên nhau cũng chỉ nông như kênh đào mùa cạn ở Delft. Đôi hoa tai họa sĩ để lại, Griet đã đem bán đi trả nợ tiền thịt hộ gia đình họa sĩ. Năm guilder thừa ra, nàng quyết định cất giữ và không bao giờ tiêu. Đó là cách một thiếu phụ gìn giữ thanh xuân thoáng qua của mình.

Giống như tranh của Vermeer, truyện tưởng như chỉ mô tả khung cảnh nhỏ bé, u sầu và lộng lẫy của thành Delft, nhưng lặn sâu trong đáy nước là quan hệ tầm thường mà bí ẩn của đời sống và cách phân chia đời sống thành từng ngăn bí mật trong mỗi cá nhân mà chúng ta chẳng khi nào có thể hiểu hết.

Rồi tình yêu thì không thể thiếu, nhưng mà không có cũng chẳng chết được ngay, mà cũng chẳng chết từ từ.

Lê Thượng Nhã

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/giac-mo-tinh-yeu-hoang-tuong-cua-co-hau-gai-deo-hoa-tai-ngoc-trai-post924553.html