Giấc mơ Trung Quốc của phố Wall khó thành

Phố Wall đã thể hiện niềm khao khát tiếp cận thị trường tài chính của Trung Quốc trong một thời gian dài. Tuy nhiên, mọi thứ không phải luôn diễn ra theo như kế hoạch.

Trong những năm qua, thị trường tài chính Trung Quốc luôn nhận được sự chú ý lớn từ các doanh nghiệp phương Tây. Ảnh: Reuters.

Sau nhiều năm chần chừ và hành động một cách thận trọng, Trung Quốc đã dần mở cửa thị trường tài chính của nước này trong thập kỷ qua. Đầu tiên, các nhà đầu tư nước ngoài được cho phép mua cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán ở Thượng Hải và Thâm Quyến thông qua liên kết trao đổi với Hong Kong.

Theo Wall Street Journal, sau cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ trong các năm 2018-2019, các doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu được cấp phép mở công ty đầu tư tại Trung Quốc, tạo cơ hội thâm nhập vào thị trường quản lý tài sản đang ngày càng lớn mạnh ở quốc gia Đông Á.

Hãng kiểm toán Ernst & Young vào năm 2022 ước tính rằng phố Wall kiểm soát lượng tài sản lên tới 16.000 tỷ USD tại Trung Quốc.

Các tập đoàn như BlackRock và Fidelity đã huy động vốn cho các quỹ đầu tư sử dụng đồng nhân dân tệ. Các ngân hàng đầu tư như Goldman Sachs giờ đây có quyền sở hữu hoàn toàn hoạt động sẵn có của những doanh nghiệp này tại Trung Quốc. Trước đó, các ngân hàng này phải liên doanh với những công ty địa phương để được hoạt động tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, quá trình thâm nhập thị trường tài chính Trung Quốc của các doanh nghiệp Mỹ đã không diễn ra suôn sẻ như kỳ vọng.

Kết quả đầu tư không đạt kỳ vọng

Đầu tiên, quá trình mở cửa cho những công ty tài chính nước ngoài vào Trung Quốc lại diễn ra trùng với thời điểm thị trường chứng khoán của nước này gặp khó khăn.

Sau xuất phát điểm mạnh mẽ vào đầu năm nay, đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã chậm lại. Chỉ số CSI 300 - theo dõi các cố phiếu lớn được niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến - chỉ tăng 2,4% kể từ đầu năm nay, thấp hơn các thị trường tài chính lớn khác trên thế giới.

Goldman Sachs là một trong những doanh nghiệp phương Tây hoạt động tích cực nhất tại thị trường tài chính Trung Quốc. Ảnh: Fortune.

Xu hướng này còn diễn ra sau khi thị trường tài chính Trung Quốc chịu thiệt hại lớn trong 2 năm trước đó do các biện pháp hạn chế đại dịch Covid-19.

Theo Wind, các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm các doanh nghiệp đặt trụ sở ở đặc khu hành chính Hong Kong, sở hữu số cổ phiếu trị giá 364 tỷ USD tại Thượng Hải và Thâm Quyến, chỉ chiếm 3% so với tổng giá trị thị trường.

Các rào cản pháp lý

Bên cạnh những dấu hiệu tiêu cực của thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đối mặt với thách thức pháp lý. Các quy định quản lý dữ liệu chặt chẽ ở Trung Quốc khiến doanh nghiệp nước ngoài gặp khó khăn trong việc chuyển những dữ liệu quan trọng từ hoạt động tại quốc gia này về trụ sở.

Trong khi đó, các ngân hàng đầu tư nước ngoài - giúp giới thiệu nhiều công ty Trung Quốc tới các nhà đầu tư trên thế giới trong quá khứ - cũng đang nhận thất bại trước các đối thủ địa phương khi niêm yết lần đầu trên sàn chứng khoán.

Vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các doanh nghiệp Trung Quốc chọn niêm yết cổ phiếu tại Thượng Hải và Thâm Quyến thay vì Hong Kong.

Theo dữ liệu của Dealogic, kể từ năm 2020, giá trị của các đợt niêm yết cổ phiếu tại Trung Quốc đại lục luôn vượt qua đặc khu hành chính Hong Kong.

Các ngân hàng đầu tư, giống những doanh nghiệp quản lý tài sản, cũng đối mặt với thách thức pháp lý và tình hình địa chính trị. Hai vấn đề này luôn có liên hệ mật thiết với nhau.

Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải. Ảnh: VCG.

Trong khi các cơ quan quản lý phương Tây đòi hỏi doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài công khai thông tin tài chính và hoạt động kinh doanh, Bắc Kinh ngày càng chú trọng tới dữ liệu và an ninh công nghệ. Việc Trung Quốc đóng cửa với thế giới trong 3 năm qua cũng gây khó khăn trong việc giải quyết những xung đột về chính sách này.

Theo Dealogic, không ngân hàng nước ngoài nào nằm trong số 10 doanh nghiệp mua cổ phiếu nhiều nhất từ các đợt niêm yết tại Trung Quốc đại lục trong 2 năm gần nhất. Vào năm 2018, một nửa trong số 10 doanh nghiệp hàng đầu là các ngân hàng đầu tư nước ngoài, bao gồm Goldman Sachs và Morgan Stanley.

Một số ngân hàng Mỹ cũng từ bỏ việc tham gia các đợt niêm yết ở Hong Kong khi giới đầu tư tỏ ra không hứng thú đối với cổ phiếu của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Trung Quốc từ lâu được coi như một "mỏ vàng" để các doanh nghiệp tại phố Wall đến khai thác. Tuy nhiên, quá trình này lại không dễ dàng. Rất nhiều nỗ lực đã được thực hiện, nhưng kết quả thu được lại không quá khả quan.

An Bình

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/giac-mo-trung-quoc-cua-pho-wall-kho-thanh-post1440647.html