Giấc mơ… 'vàng trắng'

Cây cao su từng được xem là 'vàng trắng' ở vùng phía Tây huyện Lệ Thủy, giúp bao nhiêu phận nghèo đổi đời, làm giàu. Thế nhưng, khoảng gần 10 năm trở lại đây, giá mủ cao su giảm sâu cùng với ảnh hưởng của thiên tai đã khiến cho nhiều doanh nghiệp, người dân không mặn mà với cây cao su. Dẫu vậy, điều đáng mừng là trên những cánh rừng cao su bạt ngàn, không khí lao động khẩn trương, hăng say, nhộn nhịp đã bắt đầu trở lại…

Những nốt thăng trầm!

Qua điện thoại, Bí thư Đảng ủy thị trấn Nông trường Lệ Ninh Trịnh Thanh Lâm hồ hởi báo tin với tôi rằng: “Chú thu xếp lên với địa phương một chuyến, gần đây, không khí lao động của bà con tại các vườn cây cao su tấp nập lắm. Giá mủ có tăng nên đời sống bà con cũng đỡ vất vả hơn..!”

Anh Lê Quang Hải, ở tổ dân phố Liên Cơ, thị trấn Nông trường Lệ Ninh (Lệ Thủy) khai thác mủ cao su.

Anh Lê Quang Hải, ở tổ dân phố Liên Cơ, thị trấn Nông trường Lệ Ninh (Lệ Thủy) khai thác mủ cao su.

Lời hẹn với anh Lâm đã thôi thúc tôi lên Lệ Ninh, nơi được xem là “thủ phủ” của cây cao su ở vùng phía Tây huyện Lệ Thủy. Từng trải qua nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của thị trấn, nên anh Lâm hiểu rất rõ về sự thăng trầm của cây cao su ở đây.

Anh Lâm kể: "Cây cao su gắn bó và bén rễ với vùng đất nông trường này từ những năm 60 của thế kỷ trước. Gần một thập kỷ qua, đặc biệt, giai đoạn từ năm 2010-2013 được xem là thời hoàng kim của cây cao su khi giá mủ tăng cao kỷ lục, khoảng hơn 100.000đồng/kg mủ. Khi ấy, nhiều người dân ở địa phương có vườn cây cao su khai thác, cứ mở mắt ra là đã nhìn thấy tiền triệu, nhiều hộ gia đình làm công nhân cao su ở địa phương, thu nhập cả tháng được hơn 30 triệu đồng".

Nhấp chén trà, anh Lâm kể tiếp, bắt đầu từ năm 2013 trở đi, giá mủ cao su bắt đầu xuống thấp và kéo dài, khiến cho người trồng cao su và doanh nghiệp kinh doanh cao su điêu đứng, bế tắc. Nhiều hộ dân ở địa phương lưỡng lự, phân vân có nên duy trì hay chặt bỏ loại cây trồng cho “vàng trắng” này vì giá mủ đông trên thị trường chỉ dao động đến dưới 10.000 đồng/kg.

Nông dân thị trấn Nông trường Lệ Ninh thu gom mủ cao su để bán cho thương lái.

“Từ năm đầu năm 2021, giá mủ cao su bắt đầu có dấu hiệu tăng, có thời điểm đạt đến khoảng gần 20.000đồng/kg mủ đông; hiện tại, giá dao động từ 15.000 đồng đến 17.000đồng/kg mủ đông. Tuy giá chưa thật cao lắm, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, đây là điều đáng mừng và trên khắp các cánh rừng cao su, không khí đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại…!”, anh Lâm chia sẻ.

Anh Lê Quang Hải (SN 1970), ở tổ dân phố Liên Cơ, thị trấn Nông trường Lệ Ninh gắn bó với cây cao su từ năm 2011, khi ấy cây cao su được xem là “vàng trắng”. Hôm gặp chúng tôi, anh Hải cũng rất phấn khởi, hồ hởi vì đã có những tín hiệu tích cực từ cây cao su.

Anh Hải cho biết, năm 2011, khi cây cao su đang thịnh hành, giá mủ cao, anh đã vay mượn tiền đầu tư trồng hơn 3ha cao su tại các vùng đất được khai hoang vì muốn gia đình nhanh chóng đổi đời. Trồng được hơn 2 năm thì giá mủ cao su rớt thê thảm, anh bỏ vườn cao su không chăm sóc, nhờ trời định. Bế tắc, cuối năm 2020, anh quyết định chặt bỏ hơn 1ha cây cao su ở vùng Cẩm Ly để trồng cây keo thay thế.

“Giờ đây, gia đình tôi cứ khoảng 2 ngày mới bốc hàng một chuyến, những ngày thời tiết thuận lợi cạo được 70-80kg mủ đông, có ngày lại ít hơn. Từ vườn cây cao su, gia đình tôi có thu nhập từ 400- 500.000 đồng/ngày. Đợt này giá mủ tăng, nghĩ lại cũng rất tiếc vì đã phá bỏ hơn 1ha cây cao su…", anh Hải cho biết.

Là đơn vị đang khai thác, kinh doanh gần 1.400ha cao su ở vùng phía Tây Lệ Thủy, ông Nguyễn Mậu Hào, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lệ Ninh nói rằng: “Mấy năm trước, giá mủ cao su rớt thê thảm, khiến cho đời sống của cán bộ, công nhân viên đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, giá mủ cao su bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại. Không thể so với thời kỳ hoàng kim những năm 2010-2013 nhưng giá mủ cao su tăng là tín hiệu đáng mừng để anh em đơn vị có động lực thi đua lao động sản xuất và nâng cao thu nhập…”.

Nhiều diện tích cao su của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 79 bắt đầu cho thu hoạch.

“Vàng trắng” hồi sinh…

Bí thư Đảng ủy thị trấn Nông trường Lệ Ninh Trịnh Thanh Lâm trong cuộc trò chuyện với chúng tôi đã khái quát cơ bản rằng, mấy năm qua, địa phương đã tập trung khai thác thế mạnh về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế, trong đó, chú trọng đến phát triển kinh tế vườn đồi, vườn nhà và cây cao su tiểu điền mà địa phương hiện có.

Đến nay, thị trấn có 170ha cây cao su với hơn 100 hộ dân tham gia trồng. Cây cao su trồng chủ yếu ở các tổ dân phố 2 Quyết Tiến, tổ dân phố 1, 3,4… Mỗi hộ dân bình quân có từ 1-15ha cao su.

“Hiện, phần lớn cây cao su ở địa phương đều đang cho khai thác mủ. Nay, khi giá mủ tăng cao, nhiều hộ trồng cao su có diện tích lớn, cho thu nhập hơn 10 triệu đồng mỗi ngày và giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương...”, anh Lâm cho biết.

Cây cao su bắt đầu hồi sinh ở miền Tây huyện Lệ Thủy.

Hơn một thập kỷ gắn bó với những cánh rừng ở Lệ Thủy, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 79 (Binh đoàn 15) đã ngày đêm miệt mài biến những vùng đất “tử địa” nơi đây hồi sinh với màu xanh của bạt ngàn cao su.

Thiếu tá Hoàng Văn Việt, Đoàn phó Đoàn Kinh tế Quốc phòng 79 cho biết, đơn vị đứng chân ở vùng biên viễn phía Tây Nam của huyện Lệ Thủy, nơi đất đai vốn bạc màu, hoang hóa, cằn cỗi, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều của các xã: Ngân Thủy, Lâm Thủy, Kim Thủy. Để tạo sinh kế cho người dân, đơn vị đã tổ chức khai hoang đất, trồng hơn 1.190ha cao su; trong đó, xã Lâm Thủy 101ha, Kim Thủy 190ha và Ngân Thủy hơn 900ha…

“Cây cao su của đơn vị được trồng từ năm 2009 và năm 2015. Nhiều năm qua, do giá cao su giảm mạnh nên đơn vị chủ trương không khai thác mủ mà chủ yếu tập trung chăm sóc cây cao su. Đầu năm vừa rồi giá mủ cao su tăng, đơn vị đã khai thác hơn 250ha, giải quyết việc làm cho 86 lao động trực tiếp với thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng/người/ tháng…", Thiếu tá Việt chia sẻ.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Mậu Hào, hiện nay, đơn vị vẫn tập trung vào ngành sản xuất, kinh doanh chính là cây cao su, năm 2021, đơn vị sẽ phấn đấu khai thác, chế biến hơn 800 tấn mủ cao su trong tổng số gần 600ha cao su đang khai thác. Với giá mủ cao su như hiện nay, hy vọng, cuối năm, đời sống của cán bộ, công nhân viên đơn vị sẽ cải thiện nhiều hơn…

Theo đánh giá các chuyên gia, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu từ Trung Quốc, thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam với lợi thế về vị trí địa lý và là thị trường truyền thống. Đồng thời, giá mủ cao su cũng ở mức cao so với cùng kỳ năm 2020. Đây là những tín hiệu tích cực để người trồng cao su trên địa bàn tỉnh tập trung chăm sóc, khai thác nhằm nâng cao thu nhập.

Ngọc Hải

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202108/giac-mo-vang-trang-2192303/