'Giấc mơ vui' giữa vùng đất đỏ nhọc nhằn

Từ lâu đã nghe nói vùng đất Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước có khu dân cư mới với cái tên khá lạ: Tiểu khu 119. Nhưng dịp đầu xuân Đinh Dậu này, chúng tôi mới có dịp đến để được 'thực mục sở thị'. Gặp và trò chuyện với nhiều 'cây cao bóng cả' trong cộng đồng người S'Tiêng ở đây, chúng tôi mới vỡ ra rằng, đồng bào dân tộc hiểu rất rõ là 'có an cư mới lạc nghiệp', nhưng vì điều kiện, hoàn cảnh khó khăn nên lực bất tòng tâm. Thật may, nhờ có 'Bộ đội Cụ Hồ' giúp đỡ mà giấc mơ treo lơ lửng bao đời giữa vùng đất đỏ nhọc nhằn này bây giờ mới trở thành sự thật.

An cư -"giấc mơ có thật" của đồng bào S'Tiêng ở Tiểu khu 119. Ảnh: Nguyễn Long

An cư để lạc nghiệp

Những lời tâm sự dung dị của rất nhiều người đã từng trải qua quá khứ đói nghèo với cảnh "nhiều không": Không điện, đường, trường, trạm, nhà ở... trên vùng đất đỏ nhọc nhằn cứ theo chúng tôi trong suốt thời gian "khám phá" khu định cư Tiểu khu 119, thuộc địa bàn thôn Hai Căn, nơi ở mới của 42 hộ đồng bào S'Tiêng trước kia sinh sống tại đội 6, thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa. Ghé thăm nhà ông Điểu Tứ, chúng tôi được ông kể cho nghe câu chuyện về những ngày đầu "bén duyên" khu định cư này.

Theo ông Điểu Tứ, không biết từ bao đời, người S'Tiêng sinh sống ở vùng Long Hà (huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) phải chịu cảnh thiếu ăn, thiếu mặc triền miên năm này qua năm khác. Một ngày cách đây tròn 30 năm, đoàn người di cư với khoảng 200 nhân khẩu bồng bế, dắt díu nhau sang miền quê mới là thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa với hy vọng sẽ "tìm" được một cuộc sống đủ đầy hơn. Thế nhưng, dù được chính quyền sở tại quan tâm cấp đất làm nhà, làm rẫy, song vì hạ tầng cơ sở hầu như không có gì, lại không thoát được lối canh tác cùng nếp sinh hoạt cũ kỹ lạc hậu nên cuộc sống của họ vẫn không vượt qua được đói nghèo, bệnh tật.

Ông Tứ chia sẻ: "Trước khi được bộ đội Đoàn Kinh tế Quốc phòng 778 của Quân khu 7 "mời" vào định cư ở Tiểu khu 119, 42 hộ đồng bào dân tộc S'Tiêng ở thôn Tân Lập phải sống trong nhà tạm, hàng năm thiếu ăn tới 3-4 tháng. Khi chuyển về đây có nhà ở kiên cố, đất đai thuận lợi, lại được bộ đội thường xuyên hướng dẫn áp dụng các biện pháp khoa học-kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên việc sản xuất ngày càng hiệu quả. Đến nay, gia đình tôi đã phát triển sản xuất, trồng được gần 10ha điều và cao su...".

Trong căn nhà có diện tích 45m2 được xây dựng với kinh phí hơn 50 triệu đồng do Đoàn Kinh tế Quốc phòng 778 làm chủ đầu tư với sự hỗ trợ thêm về tiền bạc, vật chất của các mạnh thường quân, chúng tôi được nghe những lời tâm tình thật cảm động của chủ hộ Thị Hớ. Bà Hớ kể, trước kia, cũng như các hộ khác ở nơi định cư cũ trên địa bàn thôn Tân Lập, cuộc sống gia đình bà gặp muôn vàn khó khăn, bữa đói, bữa no, thiếu thốn trăm bề. Từ khi được nhận nhà định cư cùng với diện tích đất canh tác hơn 400m2 và những vật dụng sinh hoạt như ti vi, nồi cơm điện, lương thực, thực phẩm, không chỉ cuộc sống gia đình bà, mà cả các hộ dân khác trong khu định cư Tiểu khu 119 như vừa trải qua một "giấc mơ vui". Những hộ "nghèo cùng cực" còn được bộ đội hỗ trợ thêm vốn, phương tiện sản xuất, hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi.

"Ngoài căn nhà kiên cố từ trước đến nay không ai dám nghĩ tới, nay đồng bào mình còn được hưởng tiện nghi của cuộc sống văn minh như điện, nước sạch sinh hoạt, đường đi lối lại phong quang sạch sẽ. Khu định cư còn có trạm y tế chăm sóc sức khỏe cho người dân. Từ nay, đồng bào thật sự an cư lạc nghiệp rồi..." - Bà Thị Hớ trải lòng.

Rời nhà bà Thị Hớ, chúng tôi đi dọc những dãy nhà nằm san sát bên nhau trong khu định cư Tiểu khu 119. Gặp chúng tôi, chị Thị Khôn, chủ hộ được nhận nhà mới vào đầu tháng 11-2016, bày tỏ niềm vui: "Kể từ khi lập gia đình và ra ở riêng đến khi dọn vào đây sinh sống, vợ chồng tôi suốt ngày đầu tắt mặt tối mà vẫn không đủ ăn, có năm thiếu đói đến 6 tháng. Giờ gia đình đã có nhà ở, diện tích đất canh tác được cấp đang dần trở thành vườn tiêu, mì, cây ăn quả cho thu nhập ổn định. Nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ hết lòng của bộ đội Đoàn 778, cuộc sống của gia đình tôi cùng đồng bào dân tộc S'Tiêng ở đây đang từng ngày no đủ...".

Những mầm xanh của cuộc sống mới

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, những ngày đầu vận động đồng bào S'Tiêng ở thôn Tân Lập ra Tiểu khu 119 định cư xây dựng cuộc sống mới là cả một chuyện khó khăn. Người S'Tiêng vốn có thói quen cư trú quần tụ theo cộng đồng dòng họ, cuộc sống tự cung tự cấp, canh tác nương rẫy theo kiểu phát, đốt, cốt, trỉa, "được gì ăn nấy". Trong thôn có 42 hộ, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 778 phải đến từng nhà vận động và phân tích cho bà con hiểu rõ lợi ích của việc di chuyển đến nơi định cư mới. Vấn đề cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm thiếu thốn, cuộc sống đói khổ kéo dài, đặc biệt là chuyện thanh, thiếu niên đa phần thất học khiến cái dốt, cái nghèo cứ thế bám riết lấy nhau là chuyện đồng bào dễ nhận ra nhất, bộ đội khéo léo tác động vào những "huyệt điểm" đó.

Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ còn phân tích cho đồng bào hiểu, ở nơi cũ hẻo lánh, đất canh tác chưa được quy hoạch, nếu chuyển khu định cư Tiểu khu 119, ngoài đường giao thông, điện lưới, công trình nước sạch, nhà ở kiên cố được bộ đội cùng các doanh nghiệp, mạnh thường quân đầu tư, xây dựng kiên cố, đồng bào còn được cấp từ 400-500m2 đất sản xuất, nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở, phát triển kinh tế lâu dài... Khi đồng bào đã thông, "chiến dịch" xây dựng nhà định cư cho 42 hộ người dân tộc S'Tiêng tại Tiểu khu 119 bắt đầu được triển khai bằng việc động thổ 16 căn nhà trong đợt 1 và kết thúc khu 26 căn còn lại được xây dựng hoàn tất.

Để nâng cao chất lượng của mỗi căn nhà, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 778 và địa phương vận động nhân dân trên địa bàn đóng góp sức người, sức của, vận chuyển đồ đạc, san nền, dựng nhà, xây bể nước. Khi công việc thi công hoàn tất, mỗi căn nhà đã được bàn giao cho các hộ, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 778 lại được cử đến thực hiện "cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc", vận động đồng bào xóa bỏ những hủ tục tập quán lạc hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng gia sản xuất.

Đoàn Kinh tế Quốc phòng 778 thường xuyên phối hợp với các đơn vị y tế tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho đồng bào S'Tiêng ở xã Phú Nghĩa. Ảnh: Bá Phúc

Để tạo niềm tin cho bà con, đơn vị còn cử cán bộ khuyến nông trực tiếp đến từng hộ dân để tuyên truyền, giải thích, miệng nói, tay làm, hướng dẫn người dân kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc các loại cây có hiệu quả kinh tế cao. Tâm sự với chúng tôi, ông Điểu Tứ bày tỏ niềm vui: "Lúc mới vào định cư tại Tiểu khu 119, đồng bào mình ai cũng lo lắng vì đã quen với nếp sống cũ, không biết cuộc sống tương lai sẽ thế nào. Nhưng khi vào đây sinh sống mới biết mình vừa qua cuộc đổi đời vì không chỉ được bộ đội giúp đỡ về vật chất, mà còn được hỗ trợ dạy nghề. Thời gian qua, Đoàn 778 đã mở 3 lớp đào tạo nghề tại khu định cư này cho 180 người dân, trong đó có 60 người được bộ đội nhận vào làm việc tại các cơ sở sản xuất". Còn anh Điểu Phước, hàng xóm của ông Điểu Tứ thì cười hể hả: "Nhờ “Bộ đội Cụ Hồ” giúp nhà ở, vườn tược, lại hướng dẫn cách áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, cây trồng và vật nuôi, chắc chắn đồng bào S'Tiêng mình sẽ vươn lên, không còn cảnh nghèo khó như trước...".

Một ngày đầu xuân Đinh Dậu lưu lại ở khu định cư Tiểu khu 119, chúng tôi cảm nhận được phần nào những bước thăng trầm và sự đổi thay từng ngày trong cuộc sống của người S'Tiêng nơi đây. Chia tay những người dân thuần hậu, chất phác, với những gì đã được tận mắt chứng kiến, chúng tôi tin tưởng rằng, cuộc sống của họ ở sẽ tiếp tục nhú những mầm xanh, mở ra một trang mới thêm sắc, thêm hương.

Nguyễn Long

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/giac-mo-vui-giua-vung-dat-do-nhoc-nhan/