Giấc mơ xây trường Harvard

19 tuổi đã xuất bản sách Toán tại nước ngoài và phát hành bản ebook trên toàn thế giới; Tác giả của hơn 10 đầu sách tham khảo Toán nổi tiếng trong nước dành cho học sinh cấp 2- cấp 3; Giảng dạy đội tuyển Toán cho nhiều trường chuyên tại Hà Nội và ở một số tỉnh thành; Sáng lập và quản lý một hệ thống giáo dục chuyên Toán uy tín ở Hà Nội… Từng đó vẫn chưa đủ để nói hết về Trần Quốc Anh- chàng trai có tình yêu đặc biệt với Toán học, đến mức ám ảnh.

“Nhiều lần mẹ định cho tôi uống thuốc an thần”

Thích học Toán từ nhỏ nhưng phải đến năm lớp 10, cậu học sinh chuyên Ams Trần Quốc Anh mới thực sự say mê những con số, định luật. Trong quá trình đọc sách và làm toán, tiếp cận những bài tập khó khiến Quốc Anh thích thú. Anh chàng có thể bỏ ra cả ngày để đi tìm một lời giải hoặc biến những cách làm cũ sao cho dễ hiểu và hay hơn. “Có khi đang đêm nằm ngủ tự nhiên nghĩ ra phương án, lại bật dậy, ngồi ra bàn ghi chép, sáng hôm sau tỉnh dậy thấy công thức ở trên bàn mà không nhớ mình đã viết nó ra như thế nào” - Quốc Anh cười kể lại.

Thấy con trai ít đi chơi, ít bạn bè, suốt ngày đóng kín cửa dành trọn thời gian cho các phép tính, con số, định lý toán học, bố mẹ đâm lo. Lên lớp 11, vào ngày đẹp trời, Quốc Anh về nhà tuyên bố: “Con sẽ viết sách toán và xuất bản”, mẹ cậu hốt hoảng mua thuốc an thần cho con trai vì sợ học nhiều quá “ảnh hưởng thần kinh”. “Khi tôi chia sẻ kế hoạch viết sách, thì bạn bè, thầy cô, người quen ai cũng cười, thậm chí nói tôi dở hơi, chỉ có bố là vỗ vai bảo con sẽ làm được. Thế là tôi tự coi mình như một tác giả nổi tiếng thế giới, mỗi ngày lại viết ra bản thảo 1-2 bài toán. Cứ thế sau 2 năm, tôi có hàng trăm bản thảo với những lời giải toán mới, kỹ năng mới” - Quốc Anh nhớ lại.

19 tuổi, chàng sinh viên nhà nghèo đạp xe đến khắp các nhà xuất bản ở Hà Nội, háo hức, hồ hởi đưa bản thảo nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Ai cũng nghĩ đó chỉ là phút bốc đồng của anh chàng sinh viên quá “ngộ” Toán. Thất bại nhưng không nản chí. Vốn tham gia tích cực các diễn đàn toán quốc tế nên Quốc Anh mạnh dạn chia sẻ ước mơ của mình. Thật may, một giáo sư toán học người Rumani đã thích ý tưởng của Quốc Anh và đứng ra xuất bản cuốn sách “Bất đẳng thức và những lời giải hay” của Quốc Anh và một tác giả người Việt khác. Cuốn sách này vẫn được bán trên amazon trong mấy năm nay.

Sau khi “vươn tầm quốc tế”, cuốn sách quay trở về Việt Nam và được in 2.000 cuốn bản tiếng Việt do Nhà xuất bản Hà Nội phát hành năm 2009. Sau 2 tháng, sách bán hết sạch và tiếp tục được tái bản nhiều lần cho đến nay. Tiền nhuận bút từ cuốn sách đầu tiên tuy không nhiều nhưng đủ cho Quốc Anh mua được chiếc xe máy để đi dạy. Bao năm chiếc xe máy vẫn gắn bó hàng ngày với Quốc Anh như một lời nhắc nhở, động viên anh mỗi lúc khó khăn, nản lòng.

“Thừa thắng xông lên”, những năm sau đó, Trần Quốc Anh tiếp tục xuất bản chục đầu sách Toán học, là tài liệu tham khảo của không ít giáo viên và học sinh ở các trường chuyên cả nước. Quốc Anh dần trở thành một tác giả viết sách toán học được nhiều người biết đến. Là tác giả và đồng tác giả của hơn 10 đầu sách tham khảo nổi tiếng trong nước dành cho học sinh cấp II và cấp III.

Sách do Trần Quốc Anh viết cũng không giống ai. Nói vui thì đó là cuốn sách toán “nhiều chữ nhất trong lịch sử”. Không chỉ đơn thuần là những con số khô khan, sách của Quốc Anh dễ hiểu và dễ tiếp cận khi mỗi công thức lại được lồng ghép thêm thông tin, lịch sử, văn hóa của chính công thức đó, thậm chí cả những kinh nghiệm của bản thân tác giả trong quá trình học và nghiên cứu. Nói về chàng trai đặc biệt này, thầy Trần Hữu Hiệp – nguyên Tổ trưởng Tổ toán Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam đã chia sẻ trong lời tựa một cuốn sách của thầy Trần Quốc Anh: “Tôi thực sự quý trọng Trần Quốc Anh trên mọi phương diện đặc biệt là những cuốn sách đã mang lại tác dụng, lợi ích cho học sinh và những thầy cô giảng dạy môn Toán”.

Ước mơ định vị lại bản đồ giáo dục Việt Nam

Thi đỗ khoa Toán tin- ĐH Bách khoa Hà Nội, Quốc Anh lại gắn với con đường gia sư Toán học. “Lớp 12, tôi được mời làm diễn giả chính trong hội thảo “Sáng tạo bất đẳng thức” do trường Ams tổ chức với sự góp mặt của hàng trăm học sinh, giáo viên chuyên Toán ở Hà Nội. Buổi giao lưu dự kiến chỉ trong 1 giờ nhưng chúng tôi đã say sưa thảo luận tới hơn 5 tiếng đồng hồ. Sau hôm đó, tôi bắt đầu thích nghiệp Sư phạm” - Quốc Anh nhớ lại cơ duyên đưa đẩy đến nghề “gõ
đầu trẻ”.

Thông qua viết sách và giảng dạy, Quốc Anh luôn muốn mang toán học đến gần hơn với cuộc sống.

Giờ học toán của thầy Quốc Anh cũng rất đặc biệt. Thay vì “sin sin, cos cos” chóng cả mặt, thầy sẽ bắt đầu bằng một tờ giấy kết quả điện tâm đồ của bệnh viện, “Làm thế nào vẽ được đồ thị lên xuống tuần hoàn này, hay làm thế nào để có được các chỉ số dự báo thời tiết... hôm nay chúng ta sẽ học về lượng giác...”. Hoặc tiết học về đạo hàm sẽ mở đầu với những câu hỏi tưởng chả liên quan như: “Xe ga và xe số cái nào đắt tiền hơn? Vì sao xe này lại đắt hơn
xe kia?”...

Năm 2008, Quốc Anh đã mở công ty giáo dục với số vốn… 3 triệu đồng vay từ vài người bạn. Ít vốn nên Quốc Anh “bao tất”: vừa là giám đốc, vừa làm giáo viên, vừa là nhà tuyển dụng, lại kiêm luôn nhân viên phát tờ rơi, dán áp phích quảng cáo. Sau gần 2 năm hoạt động, công ty đóng cửa vì thất bại trong công tác quản lý. Không nản chí, Quốc Anh vừa đi dạy vừa tìm hiểu thêm các mô hình giáo dục quốc tế. Năm 2014, anh mở một câu lạc bộ toán học với 7 học sinh. Đến cuối năm, sĩ số học sinh đã lên tới gần 50. Cứ thế, 3 năm sau, Quốc Anh dùng toàn bộ số tiền tích lũy suốt 10 năm đi làm gia sư, dạy toán ở các lò luyện, đồng thời vay thêm ngân hàng, đầu tư 1 triệu USD mở Trung tâm bồi dưỡng toán học Beta Education.

Sau một năm thành lập, hiện tại, Beta có 2 cơ sở chính ở Hà Nội. Quốc Anh đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ phát triển lên 30 cơ sở để Beta trở thành hệ thống giáo dục chuyên đào tạo toán học trên cả nước. Thành quả mới nhất của Beta là trong tháng 6/2018, tỉ lệ học sinh Beta đỗ vào chuyên đạt 94% (61/65 bạn đỗ chuyên). Đặc biệt, Beta có 7 bạn đỗ thủ khoa và 1 bạn đỗ á khoa tại các trường chuyên Hà Nội – Amsterdam, chuyên Sư phạm và chuyên Nguyễn Huệ.

Bên cạnh công việc dạy học và quản lý trung tâm Beta, Quốc Anh còn là thành viên tích cực của diễn đàn Toán học thế giới Mathlinks.ro, thường xuyên chia sẻ kiến thức và trao đổi kinh nghiệm giảng dạy với các giáo sư, tiến sĩ nước ngoài. Anh cũng tham gia giảng dạy đội tuyển Toán cho nhiều trường chuyên tại Hà Nội. Tham gia tư vấn hướng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm ôn thi cho học sinh nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An…

“Có trường quốc tế mời tôi hợp tác với mức lương 3.000 - 5.000 USD nhưng tôi đành cáo lỗi vì muốn tập trung thực hiện giấc mơ của mình. Đó là xây dựng một ngôi trường tầm cỡ Hardvard tại Việt Nam, dành cho học sinh cấp 1, cấp 2, cấp 3. Tôi mơ làm thế nào để học sinh Anh, Mĩ, Úc,… phải sang Việt Nam du học. Năm 2021 nó sẽ thành hình” - Quốc Anh tự tin khẳng định.

Nếu không gặp trực tiếp và trò chuyện, chắc sẽ nghĩ đó là tuyên bố của một anh chàng thích “chém gió”. Nhưng đã gặp, đã nghe và tận mắt thấy “cơ ngơi” của Quốc Anh, nhìn thấy những thành quả đáng nể ấy, tôi vẫn tin anh chàng “khác người” này sẽ làm được.

Thanh Hương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/giac-mo-xay-truong-harvard-1317004.tpo