Giấc mơ xuân của trẻ em cơ nhỡ

Có được cái tết sum vầy, được vui chơi, quay quần bên gia đình, nhận những phong bao lì xì đỏ thắm là niềm mong ước của những trẻ em cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn.

Qua các hoạt động về ngày Tết, các em cảm nhận được không khí mùa xuân ấm áp bên bạn bè, thầy cô

Ước mơ bé nhỏ

Chiều xuống, trên các tuyến đường của TP.Tân An, tỉnh Long An vài em nhỏ lại tản ra mưu sinh. Ở cái tuổi hồn nhiên, vô tư, các em nhảy chân sáo theo từng điệu nhạc xập xình chào đón năm mới.

Một mình đi khắp các con đường lớn, nhỏ của thành phố, cậu bé Nguyễn Tấn Tài (11 tuổi, học sinh lớp 6, Trường THCS Trần Phú, TP.Tân An) chỉ mong mau bán hết xấp vé số trên tay để về nhà học bài. Tài đang sống cùng cha mẹ và em trai ở phường 7. Do gia đình gặp biến cố, kinh tế rơi vào khó khăn, vừa học đến năm lớp 5, Tài phải bán vé số để đỡ đần, phụ giúp cha mẹ. Chia sẻ về ước mơ ngày tết, Tài cho biết: “Em muốn cả nhà cùng nhau xem pháo bông đêm giao thừa. Em còn muốn có quần áo mới nữa".

Em Lê Tấn Lộc (6 tuổi, học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, TP.Tân An) có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cha mẹ làm lụng vất vả nuôi 4 anh chị em. Tương tự như Tấn Tài, mỗi ngày, Lộc cùng mẹ bán vé số tại ngã tư đường Hùng Vương và Quốc lộ 1. Nở nụ cười vô tư, Lộc nói về ước mơ ngày tết: “Em mong muốn tết đến sẽ được về quê với ông bà cố ở Tiền Giang, vui chơi với gia đình. Em cũng muốn có thêm quần áo, đồ chơi mới và ăn nhiều món ngon của mẹ nấu”.

Gần 20 giờ 30 phút, em Cao Nguyễn Tín Trang (9 tuổi) vẫn thu mình trên vỉa hè, lo lắng vì chưa bán hết xấp vé số để về nhà trọ với mẹ ở phường 2, TP.Tân An. Cha mẹ chia tay, Trang theo mẹ từ tỉnh Tiền Giang đến Long An lập nghiệp. Cuộc sống khó khăn, em đành bỏ dở việc học, rong ruổi mưu sinh cùng mẹ. Trang chia sẻ: “Em chỉ mong mỗi ngày đều nhanh bán hết vé số để về nhà. Nếu hai mẹ con tích cóp đủ tiền, tết này, em có thể trở về quê gặp lại anh em, quây quần bên gia đình”.

Đón tết dưới mái nhà chung

Nằm trong khuôn viên chùa Long Thạnh (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa), Trường Tiểu học, THCS & THPT Bồ Đề Phương Duy vừa là môi trường giáo dục lành mạnh, vừa là nơi nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ. Theo thầy Thích Quảng Tâm - Trụ trì chùa Long Thạnh, trường tiếp nhận nhiều em mồ côi ở khắp mọi nơi. Hiện tại, trường dạy khoảng 200 học sinh cả 3 cấp học.

Dù phần lớn thầy, cô đều là giáo viên về hưu, điều kiện vật chất của trường còn đơn sơ nhưng trường luôn muốn mang lại cho các em môi trường sống, học tập tốt. Hàng năm, trường đều vận động mạnh thường quân tặng quà, trao học bổng cho các em hiếu học.

Đặc biệt, mỗi dịp tết, trường còn là mái nhà chung cho những học sinh không nơi nương tựa được đón cái tết đủ đầy, ấm cúng. Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS & THPT Bồ Đề Phương Duy - Huỳnh Thị Thu Loan cho biết: “Năm nào đến tết, trường cũng tổ chức các chuyến xe để hỗ trợ học sinh về quê và trở lại trường. Từ sự hỗ trợ của mạnh thường quân, trường còn tặng quà tết như bánh mứt, bao lì xì cho khoảng 30 học sinh không nơi nương tựa, ở lại trường vào dịp tết”.

Các em học sinh thi chưng mai, đào, mâm ngũ quả ngày Tết

Phạm Ngọc Kim Thương (15 tuổi, lớp 4) là một trong các học sinh có thành tích học tập tốt của trường. Năm Thương 2 tuổi, mẹ bỏ đi, cha bị bệnh thần kinh nên hai cha con về sống cùng bà nội. Sau khi bà nội mất, em và cha được người cô rước về huyện Bến Lức chăm sóc, nuôi dưỡng. Đến năm 2019, biết được hoàn cảnh của Thương, huyện giới thiệu em vào học ở Trường Tiểu học, THCS & THPT Bồ Đề Phương Duy.

Với Thương, ngôi trường đặc biệt này không chỉ là nơi truyền dạy kiến thức mà còn là mái nhà chung ấm áp. Nhớ về những kỷ niệm đón tết ở trường, Thương hào hứng: “Ở trường, các thầy, cô đều quan tâm chúng em. Dịp tết này, em xin ở lại trường để đón giao thừa, cùng các bạn, thầy cô nấu bánh tét và được nhận quà tết, bánh mứt.”

Nguyễn Anh Khoa (13 tuổi, lớp 3) theo cha đến huyện Bến Lức sinh sống từ khi còn rất nhỏ. Cha mất, em được chủ nhà trọ nhận nuôi khoảng 1 năm. Sau đó, huyện hỗ trợ, giới thiệu Khoa vào học và sống ở Trường Tiểu học, THCS & THPT Bồ Đề Phương Duy.

Dù đến trường muộn hơn các bạn cùng trang lứa, Khoa vẫn có thành tích cao trong lớp. 3 năm liền, Khoa đều là học sinh giỏi. Vừa qua, em còn đoạt giải Nhì kỳ thi vẽ giữa các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Chia sẻ về ước mơ ngày tết, Khoa cho biết: “Em ở lại trường đón tết cùng bạn bè, thầy cô. Tết đến, em cũng mong được nhận quà tết, lì xì và được các thầy cô dẫn đi chơi, xem pháo bông”.

Những ước mơ nhỏ bé như cánh én dệt mùa xuân, giúp các em tạm gác lại khó khăn trong cuộc sống. Mỗi mơ ước của các em dù đơn sơ, giản dị nhưng đều chất chứa hy vọng về những điều tốt đẹp, tươi sáng hơn cho tương lai./.

Hoàng Lan

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/giac-mo-xuan-cua-tre-em-co-nho-a170724.html