Giấc mơ xuất khẩu phim truyền hình Việt Nam

Thời kỳ bao cấp, phim truyền hình, đa phần là do các đài truyền hình thuộc đơn vị nhà nước sản xuất. Thế nhưng, sau thời kỳ mở cửa và hội nhập, đài truyền hình lùi lại, nhường cho các công ty sản xuất phim tư nhân đảm nhiệm. Dù trải qua mấy chục năm nhưng phim Việt vẫn ở trong 'ao làng', chưa có cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài.

Phim Cây táo nở hoa được mua kịch bản chuyển thể từ bộ phim nổi tiếng Chuyện nhà Poong Sang của Hàn Quốc

Phim Cây táo nở hoa được mua kịch bản chuyển thể từ bộ phim nổi tiếng Chuyện nhà Poong Sang của Hàn Quốc

Có một thực tế, những bộ phim hay gần đây có lượng rating cao, đa phần được mua từ kịch bản nước ngoài và các nhà sản xuất giao cho một nhóm biên kịch chế tác lại như: Cây táo nở hoa, Thương ngày nắng về,… Thế nhưng, muốn đạt rating cao, các nhà sản xuất phải đầu tư một khoảng kinh phí để PR, quảng cáo phim. Còn những bộ phim do chính người Việt viết kịch bản, đa phần im ắng, mặc dù chất lượng nội dung của phim Việt không thua kém gì những bản làm lại từ kịch bản nước ngoài.

Điều khiến các nhà sản xuất chuộng làm lại kịch bản phim nước ngoài vì những kịch bản được mua đa phần là những bộ phim hay, có rating cao ở nước sở tại. Khi nhà sản xuất mua lại để làm, sẽ dễ có lợi nhuận cao hơn những bộ phim thuần việt.

Chính sự thành công từ những bộ phim làm lại đã nở rộ phong trào chế tác phim. Đa số công ty sản xuất phim truyền hình lớn trong nước đều đang làm theo phương cách này. Họ ngày càng quay lưng lại với những tác giả, kịch bản do chính người Việt sáng tạo.

Một trong những nguyên nhân khiến các nhà sản xuất phim trong nước quay lưng với tác giả Việt là do ý tưởng kịch bản của những biên kịch trong nước không hay bằng những kịch bản phim của nước ngoài. Đó là chưa kể, nhiều công ty có đội ngũ biên kịch riêng nhưng chủ yếu chế tác chứ không sáng tác.

Hầu như các công ty sản xuất phim không đủ kiên nhẫn để sáng tạo lại ý tưởng của những biên kịch trong nước. Họ không nhặt “vàng” từ những ý tưởng thô mà “ăn xổi ở thì” để bảo đảm doanh thu. Do chính những quan niệm này mà nhiều nhà biên kịch Việt nản lòng. Dần dần, đội ngũ biên kịch giảm hoặc chuyển sang viết Youtube, Tiktok để kiếm sống.

Những nguyên nhân trên cũng khiến phim Việt mất khả năng bán ra nước ngoài bởi cứ làm lại kịch bản nước ngoài thì làm sao xuất khẩu được?!.

Hiện nay, bất kỳ cá nhân nào đều có thể sản xuất phim Việt, chỉ cần có tiền. Chính điều này tạo ra hàng loạt công ty sản xuất phim truyền hình. Thế nhưng, rất ít đài truyền hình trong nước chịu mua để chiếu đầu tiên.

Ngoài ra, hiện nay, hầu như các công ty sản xuất phim, kể cả đài truyền hình, gần như không có bất kỳ động thái nào trong việc hoạch định chiến lược xây dựng thương hiệu phim Việt. Đài truyền hình chỉ cần biết, công ty nào gửi phim hay là mua hoặc chọn mua phim của những đối tác truyền thống. Chính vì không có chiến lược xây dựng thương hiệu nên dù phim Việt đã trải qua mấy chục năm, các nhà sản xuất vẫn không thể bán được ra nước ngoài.

Không bán được phim ra nước ngoài là mất đi một phần doanh thu. Cho nên, các công ty sản xuất phim trong nước chỉ còn biết trông chờ vào chiếc bánh của đài ban cho. Công ty nào mua được nhiều khung giờ của đài thì công ty đó bảo đảm được giờ phát sóng và tìm kiếm doanh thu từ giờ phát sóng đó.

Xuất khẩu phim ra nước ngoài không chỉ tạo ra doanh thu cho chính công ty mà còn mở ra cơ hội hợp tác từ những “ông lớn” trong ngành giải trí ở nước ngoài. Khi các “ông lớn” trong ngành giải trí nước ngoài nhảy vào, đồng nghĩa công ty nào được hợp tác thì cơ hội quảng bá phim Việt ra nước ngoài và doanh thu sẽ được bảo đảm.

Chính vì lẽ đó, các đài truyền hình, kể cả cơ quan quản lý về văn hóa trong nước cần ngồi lại với nhau, bàn về những phương cách xây dựng thương hiệu cho phim Việt. Để từ đó, có thể quảng bá phim Việt ra nước ngoài. Một khi phim Việt được thị trường quốc tế chấp nhận, các công ty sản xuất phim Việt sẽ mạnh dạn đầu tư cho dòng phim này. Khi đó, giấc mơ xuất khẩu phim truyền hình Việt Nam sẽ thành hiện thực./.

Võ Tuấn Thiện

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/giac-mo-xuat-khau-phim-truyen-hinh-viet-nam-a164241.html