Giấc mộng sống thanh nhàn của chàng thư sinh

Chàng thanh niên trẻ nghĩ rằng tiền bạc, giàu sang chỉ như như giấc mộng phù du. Khi trở thành trụ cột gia đình, người đàn ông ấy nhận ra mình đã quá ngây thơ.

“Tài tình chi lắm cho trời đất ghen” câu thơ ấy của Nguyễn Du không chỉ đúng với nàng Kiều, mà còn đúng với cả Thạch Lam. Ông rời xa nhân thế khi mới 32 tuổi và tài năng đang còn nhiều hứa hẹn. Bởi thế, khi nhắc tới Thạch Lam, trong lòng hậu thế không chỉ ngưỡng mộ mà còn đầy tiếc nuối. Ông để lại cho đời thứ văn chương hào hoa, tinh tế, đầy nhân văn và duy mỹ.

Thạch Lam đã dùng ngòi bút để đào sâu vào thế giới nội tâm nhân vật, phơi bày những buồn đau, chán nản mà người ta không muốn giấu đi. Khả năng miêu tả nội tâm của Thạch Lam được thể hiện qua nhiều truyện ngắn, nhưng phải đến truyện dài Ngày mới, độc giả mới thấy hết được cái tài tình của ông khi khai phá những tầng sâu câm lặng nơi tâm hồn.

Mơ sống thanh nhàn, không màng tiền tài

Đọc Ngày mới, độc giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc phức tạp cùng nhân vật Trường, một anh học trò vừa mới thi đỗ Thành chung. Trước kia, bố của Trường là một ông phán, trong nhà cũng có chút của ăn của để, được nở mày nở mặt với họ hàng. Thế nhưng, từ khi cha cậu chết, cảnh nhà sa sút, mẹ Trường phải gồng gánh gia đình cũng chẳng dễ dàng gì.

Tuy là con trưởng, nhưng cậu Xuân anh của Trường lại ham ăn biếng làm, lương chỉ ba cọc ba đồng, nên gia đình luôn lâm vào cảnh túng thiếu. Chuyện tình cảm của hai vợ chồng Xuân và Dung cũng chẳng êm đẹp. Thế nên, bao nhiêu hy vọng của bà phán đều được đặt lên người cậu con trai thứ là Trường.

Ngày Trường thi đỗ, bà phán mừng lắm. Bà tưởng tượng ra cảnh con học lên cao đẳng, rồi có một công việc đàng hoàng, lương cao. Nhờ đó, gia đình bà lại được họ hàng nể nang như xưa. Mẹ Trường còn có ý ướm hỏi cô Hảo, con gái của nhà bà Hai có tiếng khá giả trong vùng cho cậu con thứ. Chuyện tốt mà thành cả đôi thì người phụ nữ ấy không mong ước gì hơn.

Có điều, Trường không nghĩ giống mẹ chàng, với công danh và cô gái xuất thân giàu có kia chàng đều dửng dưng. Cậu thanh niên ấy chỉ muốn sống một đời an nhàn, tự do tự tại.

Trong lần về quê nhà ở An Lâm, Trường đã gặp Trinh, một cô gái hiền lành, nết na. Họ đã phải lòng nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên. Chàng trai cãi lời mẹ, quyết định cưới Trinh về làm vợ.

Cuộc đời này cần lắm những niềm vui

Trường phải bỏ dở việc học cao đẳng, tìm việc làm để nuôi gia đình nhỏ. Đồng lương bèo bọt, nhưng phải gánh trên vai chuyện cơm áo của vợ con, Trường nhận áp lực cuộc sống của người đàn ông trưởng thành lớn tới mức nào.

Ngày mới là một trong nhiều tác phẩm của bộ "Việt Nam danh tác". Ảnh: N.N.

Tiền bạc không buông tha chàng dù chỉ một giây, một phút. Lương thấp, lại thêm con nhỏ hay ốm đau, hai vợ chồng lúc nào cũng rơi vào cảnh túng thiếu, phải vay mượn khắp nơi.

Tình cờ ra phố bắt gặp Hảo đang sánh bước cùng chồng vào cửa hiệu, quần là áo lượt, Trường thấy giận chính mình. Giây phút ấy, anh có cảm giác như đang đối diện với quá khứ, nhìn lại cơ hội mà mình đã bỏ lỡ. Nếu ngày ấy Trường đồng ý cưới Hảo, cuộc đời chàng đã khác rồi.

Mẹ của Trường đã vẽ ra một tương lai tươi sáng nếu cậu con thứ cưới một cô gái nhà khá giả như cô Hảo. Nhưng chàng trai hai mươi còn nông nổi thì bỏ qua chuyện đó, một lòng đi theo tiếng gọi của tình yêu. Vài năm trôi qua, gánh nặng cơm áo thúc bách con người, tình yêu kia chỉ còn lại bao thất vọng và mâu thuẫn.

Tiếng khóc của đứa con đang ốm đã thức tỉnh Trường. Người đàn ông, bỗng nhận ra mình đã cư xử tệ với vợ con. Cô Trinh vợ chàng đâu làm gì nên tội. Thân gái yếu đuối, Trinh luôn mong Trường trở thành chỗ dựa, che chở cho hai mẹ con nàng. Từ trước tới giờ, người vợ ấy đâu có trách chồng kém cỏi, để cả nhà túng thiếu. Nàng vẫn âm thầm chịu đựng, cư xử dịu dàng và ân cần với chồng.

Thế nhưng Trường lại mang tất cả thất vọng, chán nản của bản thân đổ lên người vợ, bắt nàng phải chịu những cơn giận vô cớ, làm vậy chẳng phải ích kỷ lắm sao? Con người ta không thể thoát khỏi túng quẫn trong ngày một ngày hai, nhưng có thể dùng thái độ lạc quan hơn để đối diện với nó.

Câu chuyện của Trường trong Ngày mới đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Thời đại nào cũng vậy, cuộc sống luôn đầy rẫy áp lực, học cách lấy lại sự cân bằng trong tâm trí, để gạt bỏ phiền não, lấy lại tinh thần lạc quan không phải là điều dễ dàng.

Rời khỏi văn phòng sau một ngày làm việc mệt mỏi, chúng ta chợt nhận ra mình đã quá viển vông khi mơ tưởng tới một cuộc sống thư thái, an nhàn, không màng tới tiền bạc như Trường đã từng mơ. Cuộc đời vốn là một cuộc đua, vất vả và mệt mỏi là không thể tránh, ai cũng phải cố gắng không ngừng.

Nhưng cũng đừng vì thế mà để tiền bạc ám ảnh tâm trí, hãy tìm tới những niềm vui nhỏ nhoi, như ngắm một nụ hồng mới nở sớm mai để cho tâm hồn được nghỉ ngơi. Bởi sống ở đời, ngoài tiền bạc, con người luôn cần niềm vui.

Quỳnh Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giac-mong-song-thanh-nhan-cua-chang-thu-sinh-post1422996.html