'Giấc mộng Trung Quốc' của ông Tập gặp khó ở cả trong và ngoài nước

Tình hình kinh tế ảm đạm trong nước và việc mất đi sự ủng hộ toàn cầu với Sáng kiến Vành đai và Con đường khiến cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có nhiều việc phải làm.

Ba năm trước, ba ngày trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhận được những tràng vỗ tay nồng nhiệt sau bài phát biểu của ông ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos.

Trước những lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ dưới thời Tổng thống Trump, ông Tập được ca ngợi khi thể hiện quan điểm ủng hộ toàn cầu hóa với câu nói: " Bằng cánh tay rộng mở, chúng tôi chào đón các quốc gia châu Phi lên chuyến tàu của sự phát triển Trung Quốc".

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos năm 2017. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos năm 2017. Ảnh: Reuters.

Không còn sức hút quốc tế

Thế nhưng, tới ngày nay, cả thái độ ủng hộ thương mại mở, và dự đoán kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng đều gặp phải trở ngại to lớn: Bên cạnh việc đụng độ với Mỹ về chính sách kinh tế và thương mại, Trung Quốc đang trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm nhất nhiều thập kỷ, và niềm tin vào phiên bản toàn cầu hóa của ông Tập đã bị suy yếu.

"Ánh hào quang của ông ấy đã bị lu mờ đi một chút", ông Naya Chanda, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Ashoka của Ấn Độ, nhận định.

Kể từ khi lên nắm quyền cách đây 7 năm, Chủ tịch Tập đã thúc đẩy việc nâng cao vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế. "Trung Quốc cần phải biết nhiều hơn về thế giới, và thế giới cần phải biết nhiều hơn về Trung Quốc", ông Tập nói như vậy vào năm 2012.

Tuy nhiên, nhiều nỗ lực của ông Tập nhằm nâng cao ảnh hưởng kinh tế, chính trị và quân sự của Trung Quốc đã thất bại trong việc thuyết phục được sự ủng hộ của nước ngoài, ngay cả trong số các nhà lãnh đạo phản đối chính sách "Nước Mỹ Trên hết" của ông Trump.

Với những chính sách của ông Tập, Trung Quốc dường như đang có bước nhảy vọt so với thế giới trong một số công nghệ nhất định như viễn thông 5G, với các nhân tài được hỗ trợ chu đáo bởi nguồn lực nhà nước. Tầng lớp trung lưu 400 triệu người của nước này cũng là một thị trường béo bở với bất cứ quốc gia nào, dù họ là khách hàng hay khách du lịch. Vì vậy chủ tịch Trung Quốc sẽ được chào đón ở bất cứ nơi nào, miễn là tăng trưởng kinh tế được giữ vững.

Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" nhằm tránh leo thang căng thẳng thương mại. Ảnh: New York Times.

Vấn đề ở đây, theo giáo sư Chanda, là "phiên bản toàn cầu hóa mang màu sắc Trung Quốc của ông Tập, không phải là thứ toàn cầu hóa đảm bảo sự tự do di chuyển của con người, hàng hóa và ý tưởng". Ông Chanda cho rằng toàn cầu hóa kiểu Trung Quốc chỉ đảm bảo những lợi ích mà nước này mong muốn - như là khả năng bán hàng ở tất cả mọi nơi - trong khi hạn chế những thứ mà Bắc Kinh không muốn, tiêu biểu như sự tự do di chuyển của thông tin.

Những khó khăn ở quê nhà

Ông Tập cũng đang đối mặt với những thách thức ở quê nhà, đến từ việc tốc độ tăng trưởng kinh tế đã chậm lại. Ông đã cam kết một "Giấc mơ Trung Quốc" về việc xây dựng một cường quốc hiện đại, được thế giới nể trọng, nhưng số liệu tuần vừa rồi cho thấy tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức 6,1 %, thấp nhất kể từ đầu những thập niên 1990.

Cuộc chiến thương mại với Mỹ chỉ giải thích được một phần cho sự hạ nhiệt. Giá bất động sản quá cao, nợ lan rộng và ảnh hưởng của cơ cấu dân số suy giảm - với số người trong độ tuổi lao động ngày càng ít hơn - đều đang có tác động nhất định đến nền kinh tế.

Vào tháng 12/2019, ông Tập đã chủ trì một hội nghị chiến lược kinh tế của đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2020, nhấn mạnh sự ổn định kinh tế trong bối cảnh phải đối mặt với "sự gia tăng rõ ràng của rủi ro và thách thức ở trong và ngoài nước". Tuyên bố của hội nghị cho thấy quan điểm có phần dè chừng hơn thay vì những kế hoạch táo bạo được đưa ra năm trước đó.

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, truyền thông cũng không còn mặn mà với chương trình cơ sở hạ tầng mang tầm vóc quốc tế của ông Tập. Nhiều nước đã quay lưng với Sáng kiến Vành đai & Con đường do lo ngại đây là một công thức khiến các nước nghèo rơi vào bẫy nợ.

"Có nhiều hơn những bàn luận về sự chậm lại của Sáng kiến Vành đai và Con đường", ông Kai Xue, một luật sư ở Bắc Kinh chuyên xử lý các hợp đồng cho những thỏa thuận liên quan đến chương trình, cho biết.

Theo nghiên cứu của Pew Research Center, hình ảnh của quốc tế của ông Tập cũng bị ảnh hưởng sau màn diễu binh ở lễ kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc hồi tháng 10/2019, với sự xuất hiện của các tên lửa đạn đạo liên lục địa. NATO lần đầu tiên trong lịch sử tuyên bố sẽ dành nguồn lực mới nhằm theo dõi các mối đe dọa tiềm tàng của PLA.

Quận tài chính ở thủ đô Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc dường như đã không mặn mà với việc tạo điều kiện cho nền kinh tế tư nhân phát triển trong những năm vừa qua. Ảnh: AFP.

Ông Tập cũng được chào đón với thái độ hoài nghi từ các nước láng giềng và thế giới phương Tây.

Những câu hỏi cũng được đặt ra với chủ tịch Trung Quốc trong cách điều hành nền kinh tế quốc nội, vì từ khi ông lên nắm quyền, chính phủ dường như vẫn ưu tiên ủng hộ các tập đoàn nhà nước bằng các biện pháp trợ cấp, tài chính, giấy phép và gây áp lực lên đối thủ cạnh tranh.

Vào năm 2013, 35% tín dụng ngân hàng cho các doanh nghiệp phi tài chính chảy đến các công ty nhà nước, 57% dành cho các công ty tư nhân. Đến năm 2014, con số này là 60% cho khu vực nhà nước và 34% cho khu vực tư nhân (phần còn lại dành cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Nhưng đến năm 2016, tỷ lệ này còn chênh lệch hơn nữa, với 83% tín dụng dành cho các công ty nhà nước, và chỉ 11% cho các khối tư nhân.

Trong khi đó, tỷ lệ phá sản của các công ty tư nhân Trung Quốc đang tăng cao, bất chấp việc chính phủ đã đổ thêm tiền cho vay với hơn 300 công ty giao dịch trên hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến.

Sơn Trần
(theo Wall Street Journal)

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/giac-mong-trung-quoc-cua-ong-tap-gap-kho-o-ca-trong-va-ngoai-nuoc-post1038244.html