Giấc mộng xuất khẩu điều dưỡng, lương nghìn đô

Một trong những ngành nghề 'hot' được Việt Nam tập trung cung ứng cho thị trường xuất khẩu lao động là nghề điều dưỡng. Mức lương hấp dẫn lên đến cả nghìn đô la đã thu hút được nhiều lao động tham gia, tuy nhiên, điều kiện tuyển cũng không dễ.

Đào tạo nghề gian khổ

Mỗi năm, Việt Nam đưa hàng nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh các đơn hàng truyền thống như: Xây dựng, nông nghiệp, đóng gói, chế biến thủy hải sản,... thì nhu cầu cung ứng lao động kỹ thuật trong lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý ngày càng tăng. Nhiều nhất có thể kể đến là điều dưỡng hộ lý đi Nhật, Đài Loan, mới đây là thị trường Đức.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), từ năm 2012 đến nay, Cục đã phối hợp với phía Nhật Bản tuyển chọn và đưa vào đào tạo tiếng Nhật cho 6 khóa ứng viên điều dưỡng, hộ lý với tổng số 1.200 người. Đến nay đã có 673 điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản. Hiện nay, Bộ LĐTBXH đã cấp phép cho 13 doanh nghiệp đưa lao động sang Nhật làm ứng cử viên điều dưỡng, hộ lý.

Ứng cử viên hộ lý, điều dưỡng thực tập kỹ năng chăm sóc người bệnh tại Nhật Bản. Ảnh: Nguyệt Tạ

Ứng cử viên hộ lý, điều dưỡng thực tập kỹ năng chăm sóc người bệnh tại Nhật Bản. Ảnh: Nguyệt Tạ

Ông Lê Nhật Tân – Phó Tổng Giám đốc Công ty LOD – một trong những đơn vị cung ứng ứng cử viên điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật cho biết, đây là ngành nghề được phía Nhật có nhu cầu cao. Tuy nhiên, do công việc đặc thù cần trình độ tay nghề cao nên lao động được tuyển dụng phải trải qua một quá trình đào tạo rất gian khổ. “Bởi vậy lao động khi tham gia chương trình cần xác định rõ mục tiêu, không ảo tưởng và kỳ vọng quá cao về công việc” – ông Tân nói.

Nằm trong kế hoạch tăng cường, đẩy mạnh xuất khẩu lao động ngành kỹ thuật, trong đó có ngành điều dưỡng, hộ lý vừa qua Cục quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức chương trình tuyển chọn điều dưỡng sang Đức làm việc.

Theo đó, các đơn vị này 230 học viên điều dưỡng đa khoa sẽ được tuyển chọn, đào tạo để đưa sang làm việc dài hạn tại Đức. Nếu được tuyển chọn, trong 3 năm đào tạo nghề tại Đức cũng sẽ được nhận lương từ 27-34 triệu đồng/tháng.

Ông Jarper Abramouski – Giám đốc Quốc gia Dự án của GIZ cho biết, chương trình này nằm trong Thỏa thuận hợp tác Dự án “Ba bên cùng có lợi - Tuyển chọn học viên Việt Nam trở thành điều dưỡng viên tương lai tại CHLB Đức” giai đoạn 2019-2022 giữa Cục Quản lý lao động ngoài nước, GIZ và Trung tâm giới thiệu việc làm và nhân lực nước ngoài (ZAV) thuộc Cơ quan Lao động Liên bang Đức về việc tuyển chọn, đào tạo, đưa ứng viên Việt Nam đi học tập và làm việc tại CHLB Đức. Theo đó, ưu tiên ngành điều dưỡng đa khoa (bao gồm chăm sóc người già, người bệnh, trẻ em...).

Nhiều chế độ phúc lợi

Theo các chuyên gia lao động, so với những công việc phổ thông, lao động đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) kỹ thuật, cụ thể là lao động làm công việc điều dưỡng, hộ lý không chỉ có cơ hội được làm việc, rèn luyện tay nghề nhận mức thu nhập cao mà còn có cơ hội được định cư, làm việc lâu dài, hưởng chế độ phúc lợi như lao động bản địa.

Ông Jarper Abramouski cho biết: “Mục tiêu của dự án là đào tạo cho ứng viên điều dưỡng Việt Nam có đủ điều kiện nhập cư lao động vào Đức làm việc trong lĩnh vực y tế một cách minh bạch, bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho ứng viên Việt Nam và góp phần tăng cường hợp tác hữu nghị, cùng có lợi giữa Việt Nam và CHLB Đức”.

Theo đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, chương trình gồm 2 giai đoạn đào tạo: đào tạo tiếng Đức tại Việt Nam (13 tháng) và học tiếng, chuyên môn, nghiệp vụ tại Đức (khoảng 3 năm). Khi đào tạo tiếng Đức tại Việt Nam, học viên được bố trí ăn, ở nội trú tại địa điểm của dự án, được miễn phí tiền ở, ngoài ra học viên còn được hỗ trợ 36 Euro/tháng (khoảng 928.000 đồng) vào đầu mỗi tháng để tổ chức bữa ăn. Bên cạnh đó, học viên sẽ phải đóng góp cho cơ sở dạy tiếng một phần chi phí của khóa học bằng tiền Việt tương đương 70 Euro hàng tháng (khoảng 1,8 triệu đồng). Về học tiếng và chuyên môn, nghiệp vụ tại Đức, học viên được tham gia khóa đào tạo 3 năm để trở thành điều dưỡng viên đa khoa. Sau khi kết thúc khóa học thành công, các ứng viên sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia của Đức, được làm việc và xem xét cho phép định cư lâu dài tại Đức theo quy định pháp luật của Đức.

Phía GIZ sẽ hỗ trợ toàn diện cho ứng viên trong tuần đầu tiên sau khi đến Đức, ví dụ như được tham gia hoạt động quan trọng liên quan đến cuộc sống và hoàn tất các thủ tục trước khi học tập tại Đức. Cơ sở đào tạo và tiếp nhận sẽ giới thiệu nơi ở cho học viên. Học viên tự chi trả tối đa 300 Euro (gần 8 triệu đồng) tiền thuê nhà mỗi tháng, nếu vượt quá thì sẽ do cơ sở đào tạo và tiếp nhận chi trả mức chênh còn lại.

Bắt đầu từ ngày 9.5.2019 đến ngày 20.6.2019, Cục Quản lý Lao động ngoài nước sẽ bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển Chương trình trên, ứng viên cần tìm hiểu thông tin có thể trực tiếp liên hệ: Cục Quản lý lao động ngoài nước, điện thoại: 024.38249517

"GIZ chăm sóc, hỗ trợ học viên trong suốt năm đào tạo đầu tiên và tư vấn khi gặp vấn đề khó khăn và vướng mắc trong học tập, làm việc và cuộc sống thường ngày" - ông Jasper Abramowski khẳng định.

Bà Trần Vân Hà – Trưởng phòng truyền thông Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, hiện nay Việt Nam đang cung ứng điều dưỡng hộ lý cho 3 thị trường là: Đài Loan; Nhật Bản; Đức.

“Tuy nhiên, chỉ có 2 thị trường là Đức và Nhật là các ứng viên điều dưỡng, hộ lý được đào tạo chuyên nghiệp, trong thời gian dài cả về chuyên môn, tiếng. Còn lại điều dưỡng, hộ lý làm việc tại Đài Loan thực chất là làm công việc khán hộ công gia đình, chăm sóc người già, người bệnh, trẻ nhỏ - gần như giúp việc gia đình” – bà Vân Hà nói.

Theo bà Vân Hà, thời gian đầu, ứng cử viên điều dưỡng hộ lý được tuyển chọn đi học việc tại Nhật và Đức sẽ được đài thọ chi phí ăn ở. Mức hỗ trợ có thể lên tới 30-35 triệu đồng/tháng. Sau một thời gian học tập, các bạn ứng cử viên sẽ tham gia các kỳ thi để nhận chứng chỉ điều dưỡng hộ lý quốc gia tại Nhật và Đức. Khi đạt được chứng chỉ, các lao động được ký hợp đồng lao động trở thành điều dưỡng hộ lý chính thức, nhận mức lương cực cao từ 50-60 triệu đồng/tháng. Thêm vào đó, các lao động có thể được xem xét tư cách cư trú và nhập cảnh tại nước sở tại.

Không nên ảo tưởng về công việc

“Về thông tin có một số lao động sang Nhật Bản và Đức làm hộ lý, điều dưỡng cho rằng công việc bên nước sở tại không như mô tả, tôi cho rằng điều này là không đúng. Các ứng cử viên điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam khi sang Nhật hay Đức đều được tham khóa đào tạo nghề, tiếng. Khi chưa được cấp chứng chỉ quốc gia điều dưỡng thì họ chỉ có thể là người phụ việc, vì thế công việc sẽ được điều dưỡng chính thức phân công. Có thể sẽ phải làm nhiều việc hơn, nhưng tất cả các công việc đó đều có trong mô tả công việc trong hợp đồng trước khi lao động tham gia chương trình. Vấn đề ở đây là lao động không nên ảo tưởng về công việc tốt, lương cao. Để có được công việc tốt, lương cao kèm nhiều phúc lợi... như lao động bản địa thì lao động chúng ta cần phải nỗ lực rất nhiều”.

Bà Trần Vân Hà – Trưởng phòng Truyền thông
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH)

Tay nghề lao động Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu

“Hiện nay, không riêng gì Nhật, Đức mà nhiều nước Đông Âu và các nước châu Âu đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số rất lớn. Chính bởi vậy, nhu cầu về tuyển dụng lao động điều dưỡng, hộ lý cũng rất lớn. Tuy nhiên, nhu cầu lớn cộng với đó là đòi hỏi khắt khe về trình độ, ngoại ngữ. Với những đòi hỏi khắt khe như vậy, lao động Việt Nam rất khó mà đáp ứng. Đặc biệt, nếu không có sự hợp tác, hỗ trợ của chính phủ 2 bên trong việc đào tạo thì chúng ta cũng không có đủ kinh phí để đào tạo”.

Ông Nguyễn Lương Trào - Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam

Nguyệt Tạ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/giac-mong-xuat-khau-dieu-duong-luong-nghin-do-979976.html