Giải bài toán kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước

'Nếu có cùng tầm nhìn, thì doanh nghiệp FDI sẵn sàng đặt doanh nghiệp Việt Nam lên vai của họ để cùng phát triển'.

Đó là đánh giá của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Vũ Tiến Lộc - khi nói về việc tăng mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

Nếu có cùng tầm nhìn, thì doanh nghiệp FDI sẵn sàng đặt doanh nghiệp Việt Nam lên vai của họ để cùng phát triển.

Nếu có cùng tầm nhìn, thì doanh nghiệp FDI sẵn sàng đặt doanh nghiệp Việt Nam lên vai của họ để cùng phát triển.

Hiện mới chỉ có 14% doanh nghiệp Việt Nam thành công trong thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài và chỉ có 21% doanh nghiệp đã trở thành nhà cung ứng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Con số này còn quá khiêm tốn so với 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nghiêng về FDI. Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, sự kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp FDI và khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, cụ thể là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam vẫn còn mờ nhạt. Hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế.

Theo kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp tư nhân đang có khách hàng là các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù tỷ lệ này cũng có dấu hiệu cải thiện theo thời gian, song rất chậm chạp.

Còn từ phía các doanh nghiệp FDI thì việc liên kết hàng dọc với các công ty trong nước rất yếu. Theo thống kê, chỉ 26,6% đầu vào của khu vực doanh nghiệp này được mua tại Việt Nam, trong đó, một tỷ lệ đáng kể là mua từ chính các doanh nghiệp FDI khác. Các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập khẩu hàng hóa đầu vào từ nước mình, hơn là việc sử dụng hàng hóa từ nhà cung cấp là các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Để tăng mức độ kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và khu vực tư nhân hơn nữa, nhiều ý kiến đặt ra, cần cải thiện hiệu quả hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp trong nước cần đào tạo lao động tốt hơn để nắm bắt được công nghệ mới. Nhà nước cần hỗ trợ họ trong công tác này, bởi lẽ chỉ trông chờ vào sự tự thân của doanh nghiệp là rất khó, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn đã rất yếu và thiếu nguồn lực.

Mới đây, Nghị quyết 50-NQ/TW mà Bộ Chính trị ban hành về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, cụm từ “hợp tác đầu tư” đã được sử dụng, thay vì “thu hút đầu tư”.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ vui mừng khi Bộ Chính trị đưa vào Nghị quyết 50 cụm từ “hợp tác đầu tư”. “Điều này chứng tỏ chúng ta có cách tiếp cận mới với vốn FDI, không phải thu hút mọi dự án, mà sẽ từ chối các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, dùng công nghệ cũ, hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng”, ông Lộc nói.

Chủ trương hợp tác đầu tư với nước ngoài nhằm tranh thủ vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và thị trường xuất khẩu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đã được xác định và cụ thể hóa trong các văn kiện của Đảng ngay từ giai đoạn đầu của thời kỳ Đổi mới. Tuy nhiên, nhìn lại hành trình hơn 30 năm qua, yếu tố “thu hút” đã vượt trội hơn yếu tố “hợp tác”. Thậm chí, có giai đoạn, nhiều địa phương chấp nhận thu hút FDI bằng mọi giá.

“Mục đích của chúng ta là chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước, nhưng những điều này chưa làm được nhiều, chưa tương xứng với dòng vốn chảy vào nền kinh tế”, ông Lộc nói. Theo ông, thu hút FDI nếu không được lựa chọn thì sẽ không đạt được mục tiêu kết nối, thậm chí có thể có chuyện “chèn lấn” khu vực tư nhân trong nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đã chỉ ra rất rõ những định hướng quan trọng của Việt Nam trong lựa chọn các dự án FDI giai đoạn tới. Đó là ưu tiên những dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, dự án đầu tư của các tập đoàn lớn, đồng thời thúc đẩy kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước… “Chuyện kết nối doanh nghiệp FDI và trong nước đã nói từ rất lâu rồi, nhưng chúng ta chưa làm được”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng thừa nhận.

Còn ông Vũ Tiến Lộc cảnh báo, việc kết nối không tốt khiến khu vực FDI đang tồn tại như “một ốc đảo”, không bén rễ sâu vào nền kinh tế. Và do đó, khi có những biến động, dòng vốn này hoàn toàn có thể rút khỏi Việt Nam.

Điều đó có nghĩa, dù Việt Nam muốn “nắn” dòng FDI, thì câu chuyện cũng không hề đơn giản.

“Để làm được điều này, phải có sự chuẩn bị về nhân lực, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là thể chế. Quan trọng là phải nâng cấp được doanh nghiệp Việt”, ông Vũ Tiến Lộc nói và lý giải, việc kết nối giữa doanh nghiệp FDI và trong nước thời gian qua còn yếu chủ yếu do khả năng hấp thụ công nghệ, trình độ quản trị của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp.

“Nếu có cùng tầm nhìn, thì doanh nghiệp FDI sẵn sàng đặt doanh nghiệp Việt Nam lên vai của họ để cùng phát triển”, ông Lộc nhận định.

Khắc Lãng

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/giai-bai-toan-ket-noi-doanh-nghiep-fdi-va-doanh-nghiep-tu-nhan-trong-nuoc-157359.html