Giải bài toán không gian cho người đi bộ?

Sự phát triển ngày càng nhiều các khu nhà cao tầng trong nội đô, cũng như sự gia tăng chóng mặt của phương tiện giao thông cá nhân đang dần chiếm hết không gian của người đi bộ. Theo các chuyên gia, đã đến lúc, Hà Nội cần quy hoạch đô thị lại theo hướng chú trọng không gian cho người đi bộ và đi xe đạp.

Áp lực nhà cao tầng nội đô

Tại Hà Nội, không khó để kể ra các tổ hợp công trình cao tầng trong nội đô như chung cư Pacific Place Hà Nội (quận Hoàn Kiếm, cao 18 tầng), chung cư Kinh Đô Building (quận Hai Bà Trưng, cao 29 tầng), tổ hợp Indochina Plaza Hà Nội (quận Cầu Giấy cao 43 đến 54 tầng). Trong khi đó, các khu đô thị ở nội đô cũng có tỷ lệ sử dụng đất xây dựng các công trình ở mức cao, từ 60% đến 90%, như khu trung tâm bán đảo Linh Đàm, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

Điều dễ nhận thấy là các chủ đầu tư thường tận dụng tối đa không gian để xây dựng công trình, từ đó gây áp lực cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Thực tế, có không ít dự án nhà cao tầng sau vài năm ngừng thi công, khi tái khởi động bỗng chốc được nâng tầng. Ngay cả việc nén nhiều dự án cao tầng tại một trục đường cũng đã gây áp lực giao thông rất lớn, như trục Cầu Giấy - Xuân Thủy, Lê Văn Lương - Tố Hữu...

Phó Viện trưởng Kiến trúc quốc gia, TS.KTS Đặng Tiên Phong cho biết, do hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định cho công tác thiết kế công trình hỗn hợp cao tầng chưa thống nhất và đồng bộ, cho nên việc “bùng nổ xen cấy” các dự án công trình hỗn hợp cao tầng trong khu vực nội đô đã trở thành rào cản cho công tác quản lý cấp phép cũng như thiết kế. Vì thế, dẫn đến những tác động tiêu cực của việc phát triển nhà cao tầng với đô thị, mà biểu hiện rõ nét nhất là các hiện tượng tắc đường, ngập úng, quá tải hạ tầng thường xuyên xảy ra. Đặc biệt, không gian vốn dành cho người đi bộ, đi xe đẹp cũng bị kẹt cứng bởi các phương tiện giao thông khác.

Theo thống kê, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, lượng phương tiện giao thông đã đến mức báo động. Hà Nội hiện có khoảng 6 triệu xe máy, hơn 500 nghìn ôtô, chưa tính khoảng 1,2 triệu phương tiện của các địa phương khác thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn. Tính trung bình, mỗi ngày, Hà Nội có khoảng 630 xe máy và 230 ôtô được đăng ký mới. Dự báo đến năm 2020, Hà Nội có gần 1 triệu ôtô và khoảng 8 triệu xe máy. Trong khi đó, theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố, thời gian gần đây, lượng khí nhà kính phát sinh từ hoạt động sử dụng các nguồn năng lượng trên địa bàn tăng cao. Dự tính đến năm 2020, các hoạt động sử dụng nguồn năng lượng, nhiên liệu sẽ tạo ra 18,2 triệu tấn CO2 và đến năm 2030 tăng lên đến 42,7 triệu tấn CO2, gấp ba lần so với năm 2015.

Cần nhiều hơn các tuyến phố đi bộ

PGS.TS Lưu Ðức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng Việt Nam nhận định: Sự quá tải về hạ tầng giao thông và các hạ tầng kỹ thuật trong quá trình đô thị hóa đã dẫn đến nguy cơ về tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường. Vì vậy, những người làm công tác quy hoạch đô thị cần phải quan tâm, chú trọng việc quy hoạch đường cho người đi xe đạp và đi bộ.

Còn theo TS.KTS Đặng Tiên Phong, Hà Nội cần phải sớm xây dựng các chỉ tiêu, tiêu chí cho phát triển nhà cao tầng nói riêng và công trình cao tầng hỗn hợp nói chung. Công trình cao tầng hỗn hợp tại khu vực nội đô khi xây dựng phải tuân theo các quy định về khoảng đệm, khoảng lùi, cây xanh cần thiết để làm đẹp cho kiến trúc cảnh quan, tránh xung đột về giao thông. Tùy theo các loại chức năng và vị trí khác nhau, các công trình hỗn hợp có khoảng lùi từ 5 - 30m, với khoảng đệm trồng cây xanh từ 3 - 5m.

Nhiều chuyên gia môi trường khuyến cáo, Hà Nội cần quy hoạch một không gian cho người đi xe đạp và đi bộ, để giảm nguồn khí thải do chất đốt ra môi trường giúp cho đô thị phát triển bền vững. Với Hà Nội, hiện mới có tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm, khu phố cổ, song chỉ dành cho các ngày cuối tuần. Cho nên, để tiến trình xây dựng một thành phố xanh thuận lợi, nhanh hơn, chính quyền Thủ đô nên sớm có những giải pháp tốt, tạo nên nhiều hơn nữa các tuyến phố chỉ dành riêng cho người đi bộ và đi xe đạp.

Ông Lưu Ðức Hải nhìn nhận, nếu quy hoạch được hệ thống đường dành cho người đi bộ và đi xe đạp kết nối các phương tiện giao thông công cộng sẽ giảm được rất nhiều áp lực lên hạ tầng giao thông và môi trường tại các đô thị lớn.

Từ vấn đề này, một số chuyên gia quy hoạch cho rằng, Hà Nội cũng cần đẩy mạnh việc triển khai quy hoạch không gian ngầm. Không gian ngầm vốn được xem là "mỏ vàng" trong lòng đất nhưng vẫn chưa được khai thác. Phát triển không gian ngầm sẽ góp phần quan trọng làm tăng diện tích cho giao thông và giải quyết vấn đề quá tải, ùn tắc. Giao thông ngầm cũng kết nối được nhiều tiện ích khác như không gian dành cho người đi bộ, thương mại, dịch vụ… Đây được coi là một trong những giải pháp chiến lược cho quá trình phát triển đô thị bền vững.

PV

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/giai-bai-toan-khong-gian-cho-nguoi-di-bo.html