Giải bài toán kinh tế bền vững (Bài 2: Nhanh hơn với… CNTT)

Khi du lịch gặp khó, phải nghĩ ngay tới công nghệ thông tin (CNTT), lĩnh vực chuyển đổi nhanh hơn trong điều kiện Đà Nẵng hiện nay để có thể bù đắp thiếu hụt tăng trưởng kinh tế trong tương lai gần. Bởi lẽ, CNTT là lĩnh vực trung gian giữa dịch vụ và công nghiệp sản xuất, nó cũng là xu hướng của thế giới trong cách mạng 4.0 hiện nay. CNTT không cần tài nguyên thiên nhiên, đất đai nhiều, chỉ cần tư duy sáng tạo và băng thông rộng.

Nguồn nhân lực vẫn là then chốt trong công nghiệp CNTT.

Nguồn nhân lực vẫn là then chốt trong công nghiệp CNTT.

Đi trước và phải nhanh

Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên xây dựng Công viên phần mềm, đặt nền móng cho công nghiệp CNTT, tức là đã đi trước, đi sớm… Nhưng đầu tư cho CNTT của Đà Nẵng khiêm tốn hơn nhiều so với du lịch. Tuy vậy, năm 2019, doanh thu ngành CNTT đạt hơn 30 ngàn tỷ đồng, tương đương như du lịch. Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung nói, ngành CNTT chiếm tỷ lệ đầu tư rất ít nhưng hiệu quả đóng góp rất cao. Đầu tư cho ngành hiện nay mới chủ yếu Khu công viên phần mềm Quang Trung, vừa rồi một số khu vực được định hướng nhưng vẫn trên văn bản, chưa rõ ở đâu, diện tích bao nhiêu, ngân sách đầu tư thế nào để cân đối với ngành dịch vụ. Theo ông Trung, ngành CNTT tạo việc làm ổn định hơn, dịch bệnh như Covid-19 vẫn làm. Vì thế, kỳ họp HĐND TP sắp tới sẽ có phiên giải trình công tác qui hoạch, đầu tư, cơ chế chính sách thu hút đầu tư các khu CNTT phát triển thế nào?

Với quỹ đất Đà Nẵng không còn nhiều đòi hỏi hiệu quả sử dụng đất phải nâng lên thì chọn lựa CNTT là phù hợp. Thống kê cho thấy, mỗi héc-ta đất tại khu Công viên phần mềm Đà Nẵng tạo ra giá trị 450 tỷ đồng/năm, hiệu quả hơn nhiều lần so với các ngành khác. Năm 2019 doanh thu ngành CNTT hơn 30 ngàn tỷ đồng, trong đó xuất khẩu phần mềm gần 90 triệu USD, là ngành có tốc độ phát triển cao của TP. Hiện Đà Nẵng có khoảng 20 DN sản xuất phần mềm có qui mô nhân lực từ 200-300 người, cá biệt có những DN lớn như FPT Software Đà Nẵng 3.500 người. Tổng số nhân lực phần mềm Đà Nẵng hiện khoảng 12 ngàn người, trong 5 năm tới cần gần 36 ngàn người.

Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc FPT Software Đà Nẵng cho biết, với 3.500 nhân sự, năm 2019 đơn vị đã tạo doanh thu khoảng 1.200 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân từ 25-30%/năm. Theo ông Phương, nhiều DN CNTT tại Đà Nẵng hiện đã đưa ra các sản phẩm, dịch vụ mới gắn với công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu. Trong khi đó, nhiều Cty xuất khẩu phần mềm qui mô lớn ở Đà Nẵng đã chuyển dần sang cung cấp dịch vụ chất lượng cao thay vì tập trung gia công phần mềm giá rẻ. Đây là tín hiệu rất mừng.

Tổng Thư ký Hiệp hội phần mềm Đà Nẵng Đặng Ngọc Hải cho biết, lợi thế để phát triển CNTT chính là môi trường sống hấp dẫn. Bởi lẽ ngành CNTT cần nhân lực sáng tạo là căn bản, chứ không cần phải diện tích lớn như các ngành sản xuất khác, mà môi trường sống hấp dẫn sẽ thu hút được nhiều nhân lực sáng tạo. Đà Nẵng có lợi thế này nên cần đầu tư mạnh phát triển ngành CNTT.

Gỡ các “điểm nghẽn”

Mặc dù trên địa bàn Đà Nẵng có nhiều trường đại học uy tín nhưng số lượng kỹ sư CNTT đầu ra hàng năm không thể nào đáp ứng đủ nhu cầu của DN mới, đây là điểm nghẽn lớn nhất của TP hiện nay. Ông Đặng Ngọc Hải nói, mỗi năm DN cần ít nhất 1.000 kỹ sư CNTT, nhưng các trường đại học chỉ cung ứng được khoảng 2/3. Chưa kể do yêu cầu làm việc với đối tác nước ngoài, nhân lực CNTT cũng đòi hỏi chất lượng, kỹ năng mềm về ngoại ngữ rất cao. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Phương nói: TP dù có nhiều nỗ lực để tăng nguồn nhân lực CNTT tuy nhiên tốc độ tăng trưởng ngành CNTT nhanh hơn năng lực đáp ứng về nguồn nhân lực, điều đó dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao có kỹ thuật tốt, năng lực ngoại ngữ và các kỹ năng mềm. Ông Phương cho rằng, Đà Nẵng cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho các DN CNTT và các DN giáo dục CNTT để đa dạng hóa và tăng nguồn nhân lực.

Một thách thức không kém khác để phát triển ngành CNTT của Đà Nẵng hiện nay là thiếu không gian làm việc. Ông Hải nói rằng, trong nhiều năm các dự án hạ tầng không gian phần mềm chưa được đẩy mạnh. Do vậy sắp tới TP cần xây dựng khu CNTT tập trung để tạo không gian làm việc cho các DN. “Thời gian tới Đà Nẵng sẽ đón nhận thêm làn sóng đầu tư mới vì theo xu hướng hiện tại các Cty đã có mặt ở TPHCM, Hà Nội họ sẽ tìm chi nhánh tiếp theo tại Đà Nẵng. Do vậy việc phát triển thêm các công viên phần mềm, các khu CNTT tập trung vô cùng quan trọng” - ông Hải cho biết.

Ngoài giải điểm nghẽn về không gian làm việc, nhân lực thì Đà Nẵng cũng cần tạo cơ chế phát triển mạnh hơn hạ tầng mềm. Ông Hải nói, TP cần xây dựng nhanh hơn hạ tầng mềm như TP thông minh hay tăng cường sự ổn định của đường truyền Internet. Ngoài ra, tích cực đăng cai các sự kiện mang tính chất CNTT để vừa có thể quảng bá du lịch vừa giới thiệu tiềm năng thu hút đầu tư về CNTT. Đặc biệt, TP cần hỗ trợ để các DN CNTT tại địa phương có thể thử nghiệm các sản phẩm của mình như tham gia vào đề án TP thông minh…

Hiện nay Đà Nẵng đang thúc đẩy đầu tư nhiều dự án hạ tầng CNTT mới như Khu Công viên phần mềm số 2 (5,3 ha tại Q. Hải Châu) và Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng mở rộng (3,2 ha tại Q. Cẩm Lệ) đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu CNTT tập trung tại Hòa Liên. Mục tiêu 5 năm tới, Đà Nẵng sẽ có 4 khu CVPM và khu CNTT tập trung, đóng góp 10% vào GRDP của TP. Ngoài ra, nhiều tập đoàn CNTT lớn cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào Đà Nẵng, nổi bật như giai đoạn 2 của FPT Đà Nẵng hay Viettel với dự án Trung tâm phần mềm và công nghệ cao Viettel Đà Nẵng (Đầu tư xây dựng và vận hành tòa nhà văn phòng cho thuê trong lĩnh vực công nghệ cao, ICT và khởi nghiệp).

Có thể nói, ngành CNTT Đà Nẵng đang mở ra triển vọng phát triển lớn, nếu được đầu tư nhanh và tương xứng sẽ giúp kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng nhanh, bền vững.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_221111_giai-bai-toan-kinh-te-ben-vung-bai-2-nhanh-hon-voi-cntt-.aspx