Giải bài toán năng lượng ở Việt Nam: Không thể chỉ một bộ làm!

Chỉ cách đây hơn một tuần, một diễn đàn về năng lượng do Bộ Khoa học và công nghệ chủ trì tổ chức đã thu hút nhiều đại biểu tham gia cho thấy sức nóng của vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng.

Hôm nay (9-8), Diễn đàn Năng lượng Việt Nam với chủ đề Những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững do Bộ Công Thương giao Báo Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức tại Hà Nội lại một lần nữa thu hút đông đảo đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành tới dự, trao đổi. Điều này cho thấy, chưa bao giờ vấn đề an ninh năng lượng lại nóng như bây giờ, khi kinh tế đất nước đang có những bước phát triển đột phá cũng là lúc câu chuyện an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững cần được quan tâm hơn…

Nhiều thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng

Trao đổi tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, nền kinh tế Việt Nam phát triển với tốc độ cao, tạo ra những thách thức, thay đổi to lớn trong đời sống kinh tế xã hội. Để đạt được sự phát triển kinh tế, ngành năng lượng Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, ngành năng lượng đã có những bước phát triển vượt bậc, đáp ứng cơ bản thị trường năng lượng của nền kinh tế xã hội.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại diễn đàn.

Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu năng lượng là thách thức rất lớn với Việt Nam khi các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí… hoặc được khai thác hết, hoặc đang cạn kiệt, không đủ cho nhu cầu trong nước, mặt khác các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường cũng tạo ra áp lực to lớn đối với việc thực hiện chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa ra dự báo, trong giai đoạn đến năm 2030 nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Trên cơ sở cập nhật tiến độ các dự án nguồn điện đang triển khai trong thời gian tới theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, EVN đã tính toán cập nhật nhiều phương án cân bằng công suất-điện năng đến năm 2030. Theo đó, với phương án phụ tải cơ sở, tần suất nước về các hồ thủy điện ở mức trung bình nhiều năm thì: Các năm 2019-2020, nhìn chung cung ứng điện có thể được đảm bảo nhưng đến các năm 2021-2023, hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu điện và nhiều khả năng xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam. Đặc biệt, tình trạng thiếu điện miền Nam có thể tăng cao hơn hoặc kéo dài ra cả giai đoạn đến năm 2025 trong các kịch bản: Phụ tải tăng trưởng cao, lượng về các hồ thủy điện kém hơn trung bình nhiều năm,…

Toàn cảnh diễn đàn.

Đại diện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cũng thẳng thắn chỉ ra một loạt thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng như: Hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước; tốc độ tăng trưởng cao nhu cầu năng lượng gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi; thách thức về các tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng…

Cần sự vào cuộc của không chỉ một bộ, ngành

Trước những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững, diễn đàn đã dành phần lớn thời gian để nghe tham luận cũng như thảo luận giữa các đại biểu để tìm những giải pháp phù hợp cho câu chuyện đảm bảo an ninh năng lượng thời gian tới tại Việt Nam.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân phát biểu tại diễn đàn.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, chắc chắn cần nâng cao việc ứng dụng công nghệ vào phát triển năng lượng. Giữa sự phát triển vũ bão của Cách mạng công nghiệp 4.0, không có lý gì lại để ngành năng lượng Việt Nam đứng ngoài, theo nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, “chúng ta phải làm chủ được công nghệ”.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, khi các nguồn năng lượng sơ cấp đang ngày một cạn kiệt hoặc gây ô nhiễm môi trường thì việc đẩy nhanh phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời… là quy luật không thể thay đổi. Tuy nhiên, muốn phát triển năng lượng tái tạo thì rất cần sự tháo gỡ về cơ chế, chính sách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cũng như có những ưu đãi, hỗ trợ cho nhà đầu tư.

Hiện nay, xây dựng và phát triển thị trường điện canh tranh là chiến lược phát triển quan trọng của ngành điện Việt Nam, đã được cụ thể hóa tại các văn bản pháp luật. Với việc chuẩn bị vận hành thị trường buôn bán điện cạnh tranh hoàn chỉnh dự kiến vận hành từ năm 2019, Bộ Công Thương cũng đang gấp rút phối hợp với bộ, ngành hoàn thiện khung pháp lý, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường điện, tái cơ cấu ngành điện…

Thực tế người dân, doanh nghiệp luôn mong muốn có điện liên tục, chất lượng nhưng giá rẻ, không ảnh hưởng đến môi trường và để đảm bảo được an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững thì các đại biểu tại diễn đàn cùng chung một quan điểm, đây không phải là câu chuyện của riêng Bộ Công Thương hay ngành năng lượng mà cần huy động được sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia khoa học trong và ngoài nước, người dân, có như thế, những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững mới thực sự được đẩy lùi.

Bài, ảnh: BĂNG CHÂU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/giai-bai-toan-nang-luong-o-viet-nam-khong-the-chi-mot-bo-lam-546399