Giải bài toán nhân lực y tế cho địa phương miền núi

Nhân lực y tế luôn là nút thắt của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng dân tộc thiểu số miền núi. Chính sách thu hút nhân lực ở địa bàn này cần được quan tâm đặc biệt.

Đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi

Để tăng cường nhân lực, đáp ứng cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân ngày càng cao ở tuyến y tế cơ sở, ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp như, tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng dẫn chuyên môn cho y tế cơ sở, thực hiện chế độ luân phiên hai chiều, thí điểm đưa đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác vùng khó khăn… Những giải pháp này, cũng đã góp phần tăng cường nguồn nhân lực y tế chất lượng cao ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cho các địa phương, các vùng kinh tế xã hội khó khăn, bên cạnh việc thực hiện cử cán bộ có chuyên môn, luân phiên từ Bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới, ngày 20/3/2013, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 585/QĐ-BYT, phê duyệt dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn" (gọi tắt là Dự án 585).

Tăng cường bác sĩ trẻ về công tác tại vùng sâu vùng xa nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế khu vực này.

Theo TS Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Ðào tạo, Bộ Y tế, Dự án 585 là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn. Qua đó, tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết.

Theo Bộ Y tế, hiện 62 huyện nghèo cần 598 bác sĩ chuyên khoa I chuyên sâu. Đến thời điểm này, Dự án 585 đã đào tạo được 354 bác sĩ trẻ chuyên khoa cấp I ở các lĩnh vực, bố trí về công tác tại các bệnh viện thuộc các huyện nghèo của 22 tỉnh, các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Trong đó, có 310 bác sĩ là cán bộ y tế tại 62 huyện nghèo, có gia đình, vợ chồng và đang công tác tại địa phương, ngoài ra có 44 bác sĩ tình nguyện từ Trung ương về tình nguyện tại địa phương.

BS Sìn Đức Văn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho biết, Dự án 585 mang đến rất nhiều lợi ích cũng như ý nghĩa với địa phương. Dự án 585 được thực hiện tại Hoàng Su Phì làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, bệnh viện có bác sĩ về công tác và đã chuyển giao một số kỹ thuật mới. Giai đoạn 2 dự án, là đào tạo bác sĩ tại chỗ. Việc này rất hiệu quả đối với một địa phương còn khó khăn về nhân lực như Hoàng Su Phì.

Dự án 585 là bước đột phá của ngành y tế, trong việc tiến tới bảo đảm đủ nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân ở địa phương còn khó khăn. Qua đó, tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.

Từ thực tế các địa phương cho thấy, việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ, đã góp phần tăng nhanh số lượng và chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực y tế. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, số lượng và chất lượng nhân lực y tế tăng qua các năm. Năm 2011, số bác sĩ (kể cả thạc sĩ và tiến sĩ) cả nước là 64.422 người; số dược sĩ là 16.785 người (kể cả thạc sĩ, tiến sĩ). Thống kê mới nhất đến năm 2018, Việt Nam có 77.995 bác sĩ và 128.386 y tá, bước đầu giải quyết một phần thiếu hụt nhân lực y tế tế ở các tuyến trên toàn quốc.

Số lượng y bác sĩ tính trên đầu người ở Việt Nam còn khiêm tốn.

Tuy nhiên, trên thực tế, tỉ lệ số lượng y bác sĩ so với tổng dân số thì, Việt Nam có chưa đến 1 bác sĩ và 2 y tá/1.000 người dân. Đây là con số còn khiêm tốn trong bối cảnh nhu cầu dành cho chăm sóc y tế của Nhân dân đang ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, dự án có kỳ tuyển sinh đặc biệt, không giống với những kỳ tuyển sinh khác; các bác sĩ được tuyển chọn từng người, ưu tiên chuyên ngành đang cấp thiết tại các cơ sở y tế huyện nghèo. Dự án sẽ đến trực tiếp khảo sát tại các địa phương, các huyện để khớp cung cầu và mỗi bác sĩ trẻ được tuyển chọn sẽ được các thầy trực tiếp cầm tay chỉ việc 1 - 1. Trong 24 tháng đào tạo, đây là thời gian vàng để các bác sĩ trẻ học hỏi, nâng cao tay nghề để phục vụ người dân. Triển khai tốt dự án này còn tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Phấn đấu để người dân được hưởng dịch vụ y tế tại chỗ

Thống kê cho thấy, giai đoạn 1 của Dự án 585 (từ năm 2015 đến năm 2020) đã tuyển dụng, tổ chức đào tạo 354 bác sĩ tình nguyện là viên chức của các đơn vị. Trong đó, có 44 bác sĩ tuyển dụng tại 19 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 310 bác sĩ tuyển dụng tại địa phương tình nguyện công tác tại 85 huyện nghèo của 22 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Nganh y tế phấn đấu phát triển y tế cơ sở để người dân được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ.

Là một trong những địa phương có 20 bác sĩ được đào tạo chuyên khoa cấp I theo dự án, đại diện Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, Dự án 585 tạo bước đột phá cho ngành y tế tỉnh trong việc tiến tới bảo đảm đủ nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa bàn còn khó khăn. Ban đầu, dự án được triển khai tại 3 huyện khó khăn là Bình Gia, Ðình Lập và Văn Quan, sau đó tiếp tục triển khai tại 3 huyện biên giới là Cao Lộc, Lộc Bình và Tràng Ðịnh.

Trước nhu cầu cấp thiết của ngành y tế tại các vùng khó khăn, sau khi kết thúc giai đoạn 1 dự án, Bộ Y tế đã quyết định tiếp tục thực hiện giai đoạn mới của Dự án 585, từ năm 2021.

TS. Phạm Văn Tác cho biết, giai đoạn 2 của dự án mở rộng đối tượng tham gia là bác sĩ chính quy và bác sĩ đào tạo hệ liên thông tốt nghiệp loại khá, giỏi, đồng thời quy định thời gian tình nguyện làm việc tại các bệnh viện huyện vùng khó khăn tối thiểu 5 năm (giai đoạn 1, thời gian này là 3 năm đối với bác sĩ nam và 2 năm đối với bác sĩ nữ). Các chương trình đào tạo được cập nhật bổ sung phù hợp với thực tiễn, nhất là sau đại dịch Covid-19, chú trọng chuyên môn về hồi sức cấp cứu cho tất cả 11 chương trình chuyên khoa I thuộc dự án.

Ðến nay, Bộ Y tế và các bên liên quan, nhà tài trợ đã làm việc với các sở y tế, huyện khó khăn để khảo sát khớp nối nguồn cung và nhu cầu bác sĩ trẻ tại các địa phương. Tháng 11/2021, dự án đã khai giảng lớp đào tạo 50 bác sĩ. Ngày 25/2/2022, tiếp tục khai giảng lớp thứ 2, đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I cho 40 bác sĩ trẻ của 25 huyện khó khăn thuộc 10 tỉnh.

Dự kiến, trong năm 2022, dự án tiếp nhận 100 bác sĩ và tăng dần qua các năm, căn cứ vào nhu cầu của các huyện khó khăn, nhằm tạo cơ hội cho người dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày càng tốt hơn. TS Phạm Văn Tác mong rằng, đến năm 2030, tại các vùng khó khăn sẽ có thêm hơn 1.000 bác sĩ khá, giỏi.

TS Phạm Văn Tác cho biết, trong giai đoạn tới, Dự án 585 sẽ tiếp tục rà soát, khớp cung cầu, nên địa phương cần chuẩn bị, rà soát nhân lực tiếp tục lựa chọn bác sĩ trẻ cho các khóa tiếp theo, với mục tiêu đáp ứng được các chuyên ngành còn thiếu và yếu để người dân được hưởng dịch vụ tại chỗ.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/giai-bai-toan-nhan-luc-y-te-cho-dia-phuong-mien-nui-16922120816412821.htm