Giải bài toán tắc nghẽn giao thông ở Jakarta (Indonesia)

Báo Jakarta Post mới đây đăng bài viết dẫn lời Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) phát biểu rằng 'Không thể để tình trạng giao thông ở thủ đô tiếp tục trong tình trạng tồi tệ được'.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: TTXVN phát

Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: TTXVN phát

Tổng thống Jokowi đã chỉ đạo Phó Tổng thống Jusuf Kalla, người được biết đến là một nhà lãnh đạo quyết đoán, có trách nhiệm làm giảm tắc nghẽn giao thông ở thủ đô bằng cách tích hợp tất cả các phương thức giao thông công cộng.

Mục tiêu của ông Jokowi là thúc đẩy hơn nữa giao thông công cộng thay thế ô tô tư nhân. Số lượng các phương tiện giao thông cá nhân đã phát triển vượt xa khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng tại Jakarta.

Ông Jokowi nhận thấy một trở ngại lớn trong việc tích hợp các phương thức vận chuyển công cộng, đó là có quá nhiều bên liên quan khác nhau và làm thế nào để dung hòa, điều tiết các cơ quan này mà không xảy ra xung đột lợi ích và chính sách.

Năm nay, hai hệ thống giao thông mới là tàu điện ngầm và đường sắt trên cao (LRT) sẽ bắt đầu phục vụ người dân, tạo nên kỳ vọng sẽ góp phần làm giảm tắc nghẽn giao thông của thủ đô đông dân này.

Trên thực tế Jakarta chưa bao giờ xây dựng một kế hoạch tổng thể bao quát về giao thông công cộng. Các loại hình giao thông công cộng như xe buýt Transjakarta, xe lửa, tàu điện ngầm và đường sắt trên cao có kế hoạch riêng của mình mà thiếu sự kết nối với nhau.

Sự phối hợp giữa chính quyền thành phố Jakarta với các thành phố vệ tinh chẳng hạn như Bekasi và Tangerang còn yếu.

Thống đốc Jakarta, ông Anies Baswedan, đã nhanh chóng tuyên bố ông sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo trong nhiệm vụ khổng lồ về giải quyết bài toán tắc nghẽn giao thông của thủ đô. Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong những năm tới là xây dựng thêm 13 tuyến đường mới để giảm lưu lượng lưu thông trên toàn thành phố.

Tổng thống Jokowi cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tổng hợp ý kiến của các nhà hoạch định chính sách và sớm báo cáo chính phủ để triển khai. Việc người đứng đầu chính phủ yêu cầu tất cả những người có liên quan trong việc giải quyết bài toán giao thông của thủ đô là một chỉ dấu cho thấy chính phủ của Tổng thống Jokowi quyết tâm thực hiện nhiệm vụ này.

Đây cũng là cách để đương kim Tổng thống có thể ghi điểm để tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai của mình trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng Tư năm nay.

Tháng trước, Giám đốc Cơ quan Giao thông vận tải Jakarta Sigit Widjatmiko cho biết năm 2019 sẽ là một năm có nhiều chuyển đổi đối với tình trạng giao thông của thủ đô.

Một cơ quan khác đó là Cơ quan giao thông vận tải các thành phố vệ tinh của thủ đô Jakarta (BPTJ) cũng tuyên bố rằng năm 2019 sẽ có nhiều tiến bộ về giao thông. Người dân ở thủ đô và các thành phố vệ tinh sẽ chứng kiến một bước nhảy vọt khổng lồ với sự khởi đầu của tàu điện ngầm, đường sắt trên cao.

Người đứng đầu BPTJ Bambang Prihartono cho biết, tàu điện ngầm sẽ đóng vai trò “xương sống” của hệ thống giao thông vận tải trong tương lai ở Jakarta, trong khi các hệ thống khác, bao gồm xe lửa, đường sắt trên cao và xe buýt Transjakarta sẽ đóng vai trò hỗ trợ.

Ông Bambang cũng cho biết thêm các phương thức vận chuyển cũ hơn so với tàu điện ngầm và đường sắt trên cao sẽ cần được sắp xếp lại để tránh chồng chéo với các dịch vụ mới. Các phương thức vận tải nhỏ hơn sẽ đóng vai trò là nhà cung cấp giao thông công cộng đầu tiên và cuối cùng, kết nối các khu dân cư với các nhà ga.

BPTJ đang cố gắng đảm bảo tất cả các phương thức vận tải công cộng áp dụng cùng một hệ thống bán vé điện tử để thực hiện chính sách tích hợp.

Năm nay, Transjakarta, một hệ thống giao thông công cộng phổ biến của người dân thủ đô Jakarta sẽ kỷ niệm 15 năm hình thành. Vào năm 2004, khi Thống đốc thời bấy giờ, ông Sutiyoso, giới thiệu hệ thống xe buýt này, đã có nhiều người nghi ngờ về tính hiệu quả của nó, song cho đến nay nó đã và đang phát huy hiệu quả.

Hiện nay, với đội xe buýt lên đến hàng trăm chiếc, Transjakarta đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của một số lượng lớn người dân của thành phố, mặc dù vẫn có những ý kiến trái chiều về loại hình giao thông công cộng này.

Tất nhiên, Transjakarta không thể làm điều đó một mình, nhưng sự tích hợp của tất cả các phương tiện giao thông công cộng hy vọng có thể giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn giao thông.

Thủ đô Jakarta có năm thành phố vệ tinh với tổng số dân khoảng 33 triệu người và hàng ngày có tới 40,7 triệu lượt người đi lại trong các thành phố này. Đây là con số rất lớn và làm thế nào để đáp ứng nhu cầu đi lại khổng lồ hàng ngày đòi hỏi Chính phủ Indonesia cũng như chính quyền thành phố Jakarta phải có các giải pháp đồng bộ.

Một trong các giải pháp được đưa ra trước tiên là giảm thiểu lượng xe cá nhân để người dân chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Chính quyền thành phố đã rất nỗ lực trong việc phát triển các loại hình giao thông công cộng, hệ thống tàu điện ngầm đã cơ bản hoàn thành và sẽ bắt đầu đưa vào sử dụng vào đầu tháng Tư tới.

Bên cạnh đó, hệ thống xe buýt phát triển làm sao để người dân có thể sử dụng một cách thuận tiện nhất. Chiến lược tổng thể này được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2029 với việc cải thiện hạ tầng giao thông, hệ thống giám sát, điều tiết giao thông hiện đại. Hiện nay tốc độ di chuyển trung bình của các loại phương tiện giao thông là từ 10-11 km/giờ và hy vọng đến cuối năm 2029 có thể tăng lên đến 29-30 km/giờ.

Để có thể thay đổi được thói quen của người dân trong việc chuyển từ sử dụng xe cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng là một quá trình.

Trước hết chính quyền thành phố phải tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, áp dụng các giải pháp cấm phương tiện cá nhân ở một số tuyến đường ở nội đô. Thủ đô Jakarta đang áp dụng việc lưu thông biển số ô tô chẵn - lẻ ở một số tuyến đường nội đô. Tuy nhiên, giải pháp này cũng không thể áp dụng lâu dài.

Việc áp dụng hệ thống thu phí điện tử (ERP) cũng không thể lâu dài, mà sau này thành phố sẽ phải hạn chế việc người dân sử dụng phương tiện cá nhân giống như Singapore đang làm hiện nay, chính sách mỗi cá nhân không được đăng ký sở hữu quá 2 ô tô với mức thuế, phí cao.

Thứ hai, áp dụng mô hình điểm đón giao thông tại các khu dân cư. Thành phố hy vọng đến năm 2029 mô hình này sẽ đạt tới 60%, hiện nay con số này mới chỉ đạt khoảng 30%. Nếu chính quyền thành phố thực hiện thành công mô hình này vào năm 2029 thì thủ đô Jakarta của Indonesia sẽ bắt kịp Singapore vào thời điểm hiện nay.

Thứ ba, tích cực phát triển mạng lưới giao thông công cộng để đáp ứng nhu cầu lên tới 80%. Hiện tại ở Jakarta và các thành phố lân cận mới chỉ đáp ứng khoảng 30%, mỗi tuyến di chuyển không quá 2,5 giờ và thành phố cũng sẽ tập trung tăng cường các điểm kết nối để thuận tiện cho người dân trong việc đến các địa điểm mình muốn.

Hiện nay, điều kiện giao thông ở Jakarta và các thành phố vệ tinh đã bắt đầu được cải thiện, đối với các tuyến xe buýt nội đô, mỗi lộ trình không quá 1 giờ. Từng bước Jakarta đang cố gắng để hiện đại hóa hệ thống giao thông theo hướng ngày càng hiện đại, thuận tiện và an toàn hơn./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/giai-bai-toan-tac-nghen-giao-thong-o-jakarta-indonesia-/113294.html