Giải bài toán thiếu trường lớp tại TP HCM

Tình trạng thiếu phòng học (chủ yếu là tiểu học) ở TPHCM vẫn diễn ra dai dẳng. Dù năm nào thành phố cũng xây dựng thêm trường, phòng học nhưng do sự tăng dân số nhanh khiến tình trạng này vẫn còn nan giải.

Thống kê cho thấy TP HCM hiện có 147 phường, xã, thị trấn đang thiếu (hoặc không có) trường tiểu học công lập trong tổng số hơn 320 xã, phường, thị trấn (khoảng 45%). Theo thống kê này, các địa phương (xã phường thị trấn) không có, không bố trí được học sinh hoặc học sinh học trên 35 em/lớp được coi là thiếu trường công lập bậc tiểu học.

Tình trạng thiếu trường lớp học ở TP HCM thực tế là thiếu lớp đạt chuẩn (35 em/lớp). Theo đó, 147 xã phường thị trấn trên hầu hết không phải là địa phương không có trường lớp hay không thể bố trí được trường lớp cho các học sinh tiểu học công lập mà không thể bố trí tiêu chuẩn là 35 học sinh/lớp. Theo đó, các trường phải bố trí sĩ số cao hơn, thường dao động từ 40-55 học sinh/lớp do số học sinh thường tăng qua các năm học.

Theo quy định, học sinh bậc tiểu học sẽ được miễn học phí trong hệ công lập nên việc thiếu trường lớp trong khi nhu cầu của phụ huynh vẫn tăng cao khiến nhiều trường quyết định phải xếp các học sinh nhiều hơn so với quy định (35 em/lớp). Đây là lựa chọn tạm thời nhưng hợp lý và cần thiết, do nhu cầu của phụ huynh tăng cao bởi nếu không thể học hệ công lập, phụ huynh học sinh có thể mất từ vài triệu tới vài chục triệu đồng mỗi tháng chi phí cho con em vào các trường tiểu học dân lập, tư thục hay trường quốc tế. Tình trạng thiếu trường lớp ở TP HCM ngoài việc gây áp lực lên sĩ số học sinh thì còn khiến cho một số học sinh không đăng ký học bán trú (từ sáng tới chiều). Hậu quả là các em phải học nửa buổi (đi học từ sáng tới trưa rồi về nhà và chiều tiếp tục đi học) khiến cho việc đưa đón, chăm sóc các em gặp khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân khiến một số dịch vụ đưa đón, chăm sóc học sinh tiểu học phát sinh do cha mẹ các em bận đi làm từ sáng tới chiều.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GDĐT TP HCM cho biết, năm học này thành phố đã đưa vào sử dụng thêm 672 phòng học mới, chủ yếu là dành cho học sinh tiểu học (gần một nửa). Tuy nhiên, con số này thực tế vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu bởi sĩ số tăng khoảng 35.000 học sinh so với năm trước. Để giải quyết tình trạng thiếu trường lớp, ông Hiếu cho hay thành phố đang nỗ lực triển khai các kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất trường lớp. Dự kiến trong 3 năm tới sẽ có 4.500 phòng học dành cho hệ thống các trường công lập (từ bậc mầm non tới THPT), trong đó nguồn ngân sách sẽ xây dựng khoảng 3.000 phòng học và số còn lại kêu gọi nguồn đầu tư xã hội hóa. Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục ở TPHCM, dù luôn được ưu tiên xây dựng thêm phòng học mới nhưng điều này cũng không dễ dàng bởi quỹ đất sạch dành cho việc xây trường không nhiều, học sinh thường thay đổi chỗ ở cùng gia đình khiến cho việc bổ sung trường lớp gặp khó khăn.

Với đặc thù là trung tâm đô thị lớn và lượng người nhập cư đông đúc đã đẩy số lượng học sinh (chủ yếu bậc tiểu học) thường tăng qua các năm. Vì vậy, nhiệm vụ đáp ứng đầy đủ nhu cầu học sinh bậc tiểu học trên địa bàn luôn là bài toán khó với ngành giáo dục TP HCM.

ĐOÀN XÁ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giai-bai-toan-thieu-truong-lop-tai-tp-hcm-5741459.html