Giải bài toán thu hồi đất để làm đường

Từ thập niên 1990 đến năm 2012, Hà Nội đã nhiều lần chủ trương mở rộng và kéo dài một số tuyến đường để khắc phục nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông ở những cửa ngõ lớn vào trung tâm Thủ đô. Ðó là yêu cầu khách quan, nhưng cũng là bài toán hết sức nan giải, nhất là kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) và đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị chất lượng cao (chỉ riêng tiền đền bù GPMB đã tới cả nghìn tỷ đồng/km!).

Từ thập niên 1990 đến năm 2012, Hà Nội đã nhiều lần chủ trương mở rộng và kéo dài một số tuyến đường để khắc phục nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông ở những cửa ngõ lớn vào trung tâm Thủ đô. Ðó là yêu cầu khách quan, nhưng cũng là bài toán hết sức nan giải, nhất là kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) và đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị chất lượng cao (chỉ riêng tiền đền bù GPMB đã tới cả nghìn tỷ đồng/km!).

Ðường sá, nhất là đại lộ và phố xá ở đô thị luôn gắn liền với nhau và luôn chồng chất những khó khăn, vướng mắc phức tạp. Nhiều chuyên gia về quy hoạch, kinh tế, tài chính và doanh nhân từng đề xuất những giải pháp tốt từ hàng chục năm trước mỗi khi chính quyền Hà Nội đề ra một dự án mở rộng đường hoặc làm đường mới. Nội dung nổi bật của những đề xuất đó là phải lấy sâu vào hai bên đường chừng 50 m để đấu giá thu tiền vào ngân sách, hoặc các nhà đầu tư trúng thầu dự án phải xây dựng hai bên đường theo quy hoạch đô thị văn minh, hiện đại, phấn đấu có một số mô hình mẫu để áp dụng cho hàng trăm tuyến đường tiếp theo. Thí dụ: thí điểm làm một số tòa nhà cao 22 tầng hai bên tuyến đường mới, các hộ bị GPMB được tái định cư tại đó (ước tính chiếm 30-50% diện tích của các tòa nhà); còn lại thì bán cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu (chắc chắn là rất lớn) và để làm dịch vụ. Như vậy, ngân sách nhà nước không phải bỏ ra hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng để GPMB và khắc phục được tình trạng bất cập: mất công bằng trong dân cư; nạn nhà chuồng chim, siêu mỏng, siêu méo mọc lên; Nhà nước tốn nguồn vốn rất lớn, thiếu vốn, không thu hồi được vốn, khó quy hoạch văn minh đô thị, trong khi nhiều cá nhân trúng lớn do nhà đất từ trong hẻm sâu hoặc đồng ruộng bỗng được ra mặt đường mà chẳng cần phải đóng góp gì cho xã hội.

Tuy nhiên, giải pháp tốt nêu trên lại bị vướng cái được gọi là "quy hoạch" (nói chung chưa cho phép xây nhà quá chín tầng), trong khi quy hoạch chính là nghệ thuật sắp xếp các khu đất hợp lý, thuận theo tự nhiên, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của từng nơi và xu hướng hiện đại. Quy hoạch có chủ định, đã được vẽ ra, được phê duyệt và sự tự phát đều chi phối hiện trạng và bộ mặt thành phố. Có ai quy hoạch nhà siêu mỏng, siêu méo đâu mà Hà Nội vẫn sinh ra và tồn tại hàng trăm "ngôi nhà kỳ quặc" đó?! Trong khi đó, Hà Nội hiện có chừng 200 tòa nhà cao tầng, và so với yêu cầu phát triển sẽ cần thêm gấp vài lần con số đó. Cứ bàn tới bàn lui rồi vẫn không tìm ra giải pháp khả thi, ngân sách nhà nước lại tiếp tục bỏ ra làm đường, dân hai bên lại cứ theo diện tích "thò ra thụt vô", mỏng, méo mà "nhà ta ta cứ xây"!

Mới đây, Ðề án "Quản lý và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả" vừa được UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt. Theo đó, Nhà nước sẽ thu hồi đất có diện tích lớn hơn tại hai bên hạ tầng đường mới để tái định cư cho người bị thu hồi đất, người có đất kề bên dự án. Phần đất dôi dư sẽ được bán đấu giá để phục vụ triển khai, thực hiện dự án. Những người bị thu hồi đất sẽ được lấy ý kiến đối với Ðề án, nếu đa số đồng thuận (tỷ lệ khoảng 2/3), thì sẽ được phê duyệt… Tương tự đề án mà Hà Nội từng bàn năm xưa nhưng không thực hiện được! Cũng là lấy đất nuôi đường, là tiến đến xóa bỏ những căn nhà "hộp quẹt", siêu nhỏ, siêu mỏng, là tái định cư tại chỗ cho những người bị thu hồi đất, là ngăn ngừa, hạn chế được tình trạng tranh chấp, khiếu kiện lùm xùm, là đấu giá phần đất dôi dư để thu tiền phục vụ triển khai thực hiện…

Rõ ràng là làm không dễ vì nút thắt vẫn là bài toán GPMB. Nhưng thiết nghĩ, trong xu hướng hiện nay, phải làm bằng được và chắc là làm được. Trên thực tế những năm gần đây, Hà Nội đã có thêm một số tuyến đường rộng lớn, hai bên được xây nhà theo quy hoạch khang trang, hiện đại. Tình thế đã khác trước, kỷ nguyên số, nền kinh tế số hóa, kỹ thuật - công nghệ 5G… sẽ giúp Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn, tạo lập hình mẫu mới trong triển khai các đề án như nêu trên, từ đó nhân rộng ra nhiều địa phương khác để xây dựng đô thị tiên tiến, văn minh, hiện đại.

TS NGUYỄN ANH DŨNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/giai-bai-toan-thu-hoi-dat-de-lam-duong-638060/