Giải báo chí Tự hào NDVN: Những câu chuyện có thể dựng thành phim

Giải báo chí quốc gia Tự hào nông dân Việt 2017 – 2018 đã dần đi đến hồi kết khi Ban giám khảo đã chọn được 11 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải vào ngày 5.10 tới. Sau trang báo, hành trình thoát nghèo làm giàu không mệt mỏi của những người nông dân thời đại mới đã truyền cảm hứng và khiến cho nhiều người phải thán phục.

Người truyền cảm hứng

Nhà báo Uông Thị Bích Ngọc (báo Tuổi trẻ Thủ đô) cho biết, câu chuyện về cựu chiến binh Đoàn Văn Khanh đang làm giám đốc bỏ về quê nhà ở Tiền Giang trồng bưởi và quyết “minh oan” cho trái bưởi trước tin đồn thất thiệt “bưởi gây ung thư” đã thôi thúc chị tìm về tận miệt vườn để gặp.

Và câu chuyện của một cựu chiến binh từng vào sinh ra tử ở chiến trường, từng làm giám đốc rồi bỏ tất cả về quê trồng bưởi đã hiện lên vô cùng sinh động và đẹp đẽ.

Ông Hoàng Công Điền (trong tác phẩm: Ông Điền không điên, được trao giải Nhì) chăm sóc đàn gà. Ảnh: P.V

Không đẹp sao được khi chứng kiến người đàn ông đã ở tuổi ngũ tuần vẫn quyết tâm đèn sách, lên TP.Hồ Chí Minh học trung cấp Đông y để giải oan cho trái bưởi trước tin đồn gây ung thư (thực chất bài báo đó đề cập đến loại bưởi chùm của Mỹ). Sau 2 năm, ông đã chưng cất được tinh dầu bưởi nhưng khi thử nghiệm lại khiến tóc rụng nhiều, lý do là vì tinh dầu cô đặc quá.

Sau nhiều lần nghiên cứu, ông Khanh cũng tìm được bí quyết, đến nay, ông đã cho ra đời nhiều sản phẩm được chế biến từ bưởi, từ đó nâng cao giá trị gia tăng của nông sản quê nhà.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa-Trưởng ban Giám khảo cũng đánh giá rất cao tác phẩm này, đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của ông cựu chiến binh xứ miệt vườn. Nhà thơ hóm hỉnh cho biết, mình cũng là một trong những khách hàng thân thiết của ông Khanh, dù chưa bao giờ biết mặt, chính vì vậy khi được đọc bài báo ông đã cảm thấy vô cùng thú vị.

Nhà báo Trần Bá Dung-Trưởng ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam), Phó Trưởng ban giám khảo giải Báo chí quốc gia Tự hào Nông dân Việt Nam 2017 – 2018 cho biết, đã 5 năm tham gia giải báo chí do báo NTNN tổ chức với tư cách giám khảo nhưng lần nào ông cũng rất hào hứng khi được đọc những tác phẩm viết về nông dân.

“Những câu chuyện viết về nông dân thời đại mới vô cùng sinh động, có số phận, có những ngã rẽ định mệnh, có thể dựng thành phim. Người nông dân dù ở thời đại nào cũng rất kiên cường, dũng cảm và rất đáng yêu. Không đáng yêu sao được khi họ là những người tiên phong khai phá những vùng đất mới, tiên phong trong sản xuất và còn biết lôi kéo những nông dân khác vào chuyện làm ăn, hình thành những tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả” – ông Dung nói.

Sự chuyển động trong tư duy sản xuất

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đánh giá, qua những tác phẩm được chọn vào chung khảo có thể nhận thấy sự chuyển động rất tích cực trong tư duy sản xuất của nông dân, từ đó có thể thấy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp ở các địa phương đã và đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ.

“Sau 50 năm nữa, khi cần viết sử về nông nghiệp, người ta có thể tìm đến những bài báo này để thấy, quá trình chuyển động trong sản xuất đã diễn ra sôi động như thế nào” – ông Thủy ví von.

Sau gần 1 năm phát động giải Báo chí toàn quốc “Tự hào Nông dân Việt Nam 2017-2018”, Ban Tổ chức đã nhận được gần 1.500 tác phẩm dự thi, trong đó có 1.132 tác phẩm gửi đến để đăng trên Báo NTNN/Dân Việt và 368 tác phẩm từ các chi hội nhà báo cả nước gửi về (gồm cả gửi đến Báo NTNN và gửi về Hội Nhà báo Việt Nam). Ban giám khảo đã chọn ra 11 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Lễ trao giải Báo chí toàn quốc “Tự hào Nông dân Việt Nam” sẽ diễn ra tại Hà Nội ngày 5.10 tới.

Theo ông Thủy, sự chuyển động ấy nằm trong quy mô sản xuất của người nông dân, trong việc lựa chọn mô hình, cách thức sản xuất, không đi theo một phong trào nào cả, mỗi người là một bức tranh sinh động về hành trình thoát nghèo làm giàu. Nhưng có một điểm chung là họ luôn là hạt nhân liên kết những nông dân khác trong quá trình sản xuất.

Ông Thủy cũng nhìn thấy rõ sự chuyển động trong sản xuất khi ngày càng nhiều nông dân áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, cho thấy bà con đã bắt nhịp vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Đây là điều rất đáng ghi nhận, cho thấy, nông dân vô cùng sáng tạo và nắm bắt xu thế rất nhanh” – ông Thủy khẳng định.

Có thể kể đến mô hình nhân giống hoa bằng nuôi cấy mô của ông Phạm Ngọc Oanh, ở xã Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên). Ông Oanh cho biết, với phòng thí nghiệm nuôi cấy mô này, những giống hoa, cây cảnh giá đắt đỏ sẽ có giá thành rẻ hơn thay vì phải nhập từ nước ngoài về. Mỗi năm, người dân làng hoa mất cả hàng trăm tỷ đồng nhập giống từ nước ngoài về, gia đình tôi cũng không ngoại lệ.

Từ suy nghĩ, họ làm được thì mình cũng làm được, người nông dân này mạnh dạn bỏ hơn 2 tỷ đồng đầu tư phòng thí nghiệm nuôi cấy mô, giao cho cậu con trai tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp quản lý. Hiện, ông Oanh đang trở thành nhà cung cấp giống chính nhiều loại cây, hoa cho người trồng hoa trong làng với giá thành rẻ hơn, có bảo hành.

Hay anh Nguyễn Văn Kết ở thôn Bắc Vọng, xã Bắc Phú (Sóc Sơn, Hà Nội) xây hẳn nhà kính cho ếch ở, từ đó chế ngự được cả mùa đông băng giá khi nuôi được ếch cả 4 mùa. Hiện trang trại của anh Kết cung cấp ếch giống và ếch thịt ổn định cho các siêu thị, trường học trên địa bàn 13 tỉnh phía Bắc.

Trong khi đó, lão nông Huỳnh Văn Hòa (An Giang) lại thu hút nông dân đến xay xát thóc bằng cách “cho thêm tiền”, còn ông thu gom trấu để biến thành củi. Không dừng lại ở đó, ông còn lưu giữ, phát triển giống lúa quý của địa phương.

Đồng tình với ý kiến của chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, nhà văn Văn Chinh cho biết, có thể thấy những tấm gương nông dân trong từng bài viết mỗi người một vẻ, một tính cách, họ không đi theo lối mòn mà luôn có những sáng tạo trong sản xuất, từ đó hình thành một thế hệ nông dân mới, có tri thức, nhanh nhạy với thị trường.

Sẽ có nhiều đổi mới

“Ban tổ chức mong muốn sẽ có nhiều đổi mới về cả nội dung lẫn hình thức để giải Báo chí Tự hào Nông dân Việt Nam năm sau phong phú hơn và phản ánh những bước đi mạnh mẽ của bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam thời đại 4.0 một cách chân thực và sinh động”.

Nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo NTNN/Dân Việt,

Phó Trưởng ban Tổ chức

Không chỉ tôn vinh người viết

“Điều đáng ghi nhận ở những nông dân này là họ không đi theo phong trào mà dám tìm tòi cái mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Vì vậy, giải Báo chí Tự hào Nông dân Việt không chỉ dừng lại ở việc vinh danh các tác giả đoạt giải mà còn là dịp tôn vinh, ngợi ca những người nông dân dám nghĩ dám làm, dù có khó khăn thế nào cũng không chịu khuất phục”.

Nhà báo Trần Bá Dung- Trưởng ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam)

Được nông dân truyền cảm hứng

“Chính những người nông dân ấy là nhân vật truyền cảm hứng, để những nông dân khác có thể tự tin tìm cơ hội đổi đời ngay trên mảnh đất quê hương”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Khánh Nguyên

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/giai-bao-chi-tu-hao-ndvn-nhung-cau-chuyen-co-the-dung-thanh-phim-916280.html