Giải 'cơn khát' lao động lành nghề tại Đức

Quốc hội Ðức vừa thông qua luật nhập cư mới nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Với nỗ lực mở cửa thị trường việc làm, Berlin hy vọng sớm giải tỏa được 'cơn khát' lao động lành nghề, vốn đang đe dọa kéo lùi đà tăng trưởng của nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu (EU).

Nhà máy sản xuất ô-tô tại Dahlewitz, Ðức. (Ảnh REUTERS)

Luật nhập cư mới là một phần trong kế hoạch cải tổ sâu rộng về chính sách nhập cư, nhằm nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động chưa từng có tại Ðức. Luật vừa được thông qua không chỉ mở rộng cơ hội cho lao động tay nghề cao mà còn biến Ðức thành điểm đến hấp dẫn của lao động lành nghề đến từ các nước ngoài EU.

Theo đó, yêu cầu để lao động nước ngoài được làm việc tại Ðức được nới lỏng hơn. Một điểm quan trọng trong luật mới là việc cấp “thẻ cơ hội”, cho phép những người đến Ðức tìm việc làm có thời hạn một năm để tìm việc, với điều kiện tự bảo đảm cuộc sống. Ðể có được “thẻ cơ hội”, người nhập cư phải đạt ít nhất sáu trong tổng số tối đa 10 điểm, được tính dựa trên các yếu tố như trình độ, khả năng sử dụng tiếng Ðức, tuổi tác và mối liên hệ với nước Ðức.

Nhiều chính trị gia và giới doanh nghiệp Ðức ủng hộ luật nêu trên với hy vọng, luật này sẽ đặt nền móng cho một khởi đầu mới trong chính sách nhập cư và định hình lại nước Ðức như “một quốc gia nhập cư hiện đại”. Chính phủ liên minh tại Ðức muốn thu hút 400 nghìn lao động nước ngoài có tay nghề cao mỗi năm để tái cân bằng cơ cấu dân số vốn đang già đi và giải quyết tình trạng thiếu lao động trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng. Dân số Ðức tăng lên hơn 84 triệu người vào năm 2022, chủ yếu do số lượng người nhập cư tăng kỷ lục. Tuy nhiên, nước này vẫn đang phải đương đầu cuộc khủng hoảng nhân sự khi những người lớn tuổi dần rút khỏi lực lượng lao động.

Bộ trưởng Lao động Ðức Hubertus Heil (H.Hê-in) nhấn mạnh, bảo đảm nguồn cung lao động lành nghề là một trong những nhiệm vụ lớn nhất của nền kinh tế Ðức trong những thập niên tới. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Ðức, hơn 60% trong tổng số 21 nghìn doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát mới đây khẳng định, tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề là “quả bom nổ chậm” đối với nền kinh tế hàng đầu EU.

Các dự án trọng tâm trong nhiều lĩnh vực, từ chuyển đổi năng lượng, mở rộng hệ thống giao thông, phát triển xe điện, xây dựng nhà ở, cải thiện hệ thống y tế, chăm sóc trẻ... có nguy cơ không thể hoàn thành do không đủ nhân lực. Hiệp hội Công nghiệp ô-tô Ðức cũng cho biết, việc thiếu công nhân lành nghề là một trong những thách thức chính, khi hơn 3/4 công ty đang thiếu hụt nhân công trầm trọng. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với ngành cơ khí, vốn được xem là một trong những động lực chính của thị trường xuất khẩu khổng lồ của Ðức.

Thiếu lao động chất lượng cao cũng là mối đe dọa đối với mục tiêu trở thành quốc gia số hóa và đổi mới công nghệ của Ðức. Chia sẻ với tờ DW, ông Jorg Mayer (G.Mây-ơ) thuộc Hiệp hội Công nghiệp công nghệ cao của Ðức khẳng định, khoảng trống về nhân sự đang ngày càng kéo lùi khả năng cạnh tranh và đổi mới. Trong khi đó, Hiệp hội Công nghiệp cơ khí Ðức (VDMA) nhận định, năm 2021 có tới hơn 70% công ty hoạt động trong lĩnh vực này thiếu lao động và tình hình trở nên tồi tệ hơn trong năm 2023.

Theo VDMA, hậu quả đang hiện hữu rõ ràng khi tình trạng này là một trong những nguyên nhân kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế. Chia sẻ với tờ Financial Times, Bộ trưởng Lao động Hubertus Heil cảnh báo, nếu không nhanh chóng hành động, đến năm 2035, Ðức sẽ thiếu 7 triệu lao động. Trong khi đó, tỷ lệ nhập quốc tịch của Ðức đang thấp hơn so mức trung bình của EU.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/giai-con-khat-lao-dong-lanh-nghe-tai-duc-155407.html