Giải cứu bóng đá TP.HCM!

Sau 11 vòng đấu V-League, hai đội bóng TP.HCM, Sài Gòn cùng chìm ở đáy bảng. Sáng 11-8, đại diện hai đội có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo TP.HCM.

Bóng đá TP.HCM từng tự hào với hơn nửa quân số trong thành phần đội tuyển quốc gia, nay có năm không một cầu thủ nào được gọi lên đội tuyển.

Khi sân Thống Nhất nhiều lúc là sân khấu của đội khách

Gần đây, những trận đấu ở V-League khi hai đại diện TP.HCM thi đấu với đội khách như HA Gia Lai, Nam Định, SL Nghệ An…, số lượng cổ động viên trên sân Thống Nhất của đội khách luôn áp đảo trong khi khán giả của đội TP.HCM hay Sài Gòn đa phần là vé mời và “thuê”. Nỗi đau đấy càng được cộng dồn thêm bởi thành tích hiện tại CLB TP.HCM hạng 12 và CLB Sài Gòn hạng 13, đứng cuối V-League với nguy cơ một trong hai đội phải xuống hạng.

Lê Huỳnh Đức nhận lời về hỗ trợ HLV Phùng Thanh Phương là giải pháp tình thế của CLB Sài Gòn. Ảnh: ANH DUY

Nếu nói bóng đá chuyên nghiệp và thứ hạng là cuộc đua tiền thì hai CLB của TP.HCM không thiếu, kể cả so với những đội bóng đang dẫn đầu V-League. Ngay cả việc mua và sử dụng cầu thủ thì TP.HCM từng là điểm đến yêu thích của nhiều cầu thủ giỏi bởi chế độ đãi ngộ cao, tiền lót tay nhiều. Mới đây, họ sẵn sàng mời lại ngôi sao Lee Nguyễn từ Mỹ về để tăng cường. Còn Sài Gòn FC, đội bóng từng dẫn đầu V-League 2020 và về đích hạng ba chung cuộc nhưng nay lại kiệt quệ, khó khăn trong việc đi nhặt từng điểm.

Bóng đá TP.HCM có hai đội bóng, có một LĐBĐ TP.HCM là liên đoàn địa phương hiếm hoi còn hoạt động, có nhiều sân bóng tư nhân, nhiều lò đào tạo tư nhân nhưng lạ ở chỗ tất cả đều là những hoạt động riêng lẻ, không có sự kết dính.

LĐBĐ TP.HCM có cả một đề án xây dựng và phát triển CLB TP.HCM nhưng khi đội bóng đấy lên hạng V-League thì “buộc” phải giao cho một đơn vị khai thác và đó là CLB TP.HCM hiện nay. Đội bóng mà đơn vị chủ quản đã từng đánh công văn xin gửi trả lại cho TP.HCM do những khó khăn.

Sài Gòn FC là đội bóng mua lại của bầu Hiển và thay máu nhưng sau mùa đầu với êkíp Vũ Tiến Thành thì lãnh đạo CLB lại thay đổi chạy theo đề án Nhật hóa và cũng phân hóa rồi mất phương hướng từ đấy. “Cái được” lớn nhất của CLB Sài Gòn FC là mua lại toàn bộ Khu liên hợp thể thao Thành Long và cũng chưa khai thác được nhiều như thời bầu Hưng kéo cả giải đấu trẻ và nữ Đông Nam Á về đấy.

Về bản chất, rõ ràng hai CLB TP.HCM và Sài Gòn làm bóng đá chuyên nghiệp không khác với kiểu bầu Thụy mua và làm đội Sài Gòn

Xuân Thành.

Bài toán giải cứu bóng đá TP.HCM phải từ đâu

Còn nói về các lò đào tạo trẻ tư nhân mọc lên như nấm ở TP.HCM thì đa phần ở dạng tự phát của tư nhân với đầu ra cho B. Bình Dương, Viettel, thậm chí là lò đào tạo Lưu Ngọc Hùng sẵn sàng cho học trò thi và trúng tuyển vào các học viện HA Gia Lai, NutiFood…

Và cũng có điều cần lý giải đó là những con người từng là công thần, là thần tượng của người hâm mộ TP.HCM lại đang rất thành công ở các CLB khác, như êkíp Cảng Sài Gòn hồi nào gồm Đặng Trần Chỉnh, Lư Đình Tuấn, Nguyễn Thanh Sơn… đều hội tụ về B. Bình Dương với chế độ đãi ngộ rất cao và được tôn trọng với nghiệp vụ, với tay nghề. Hay ông Vũ Tiến Thành đang rất thành công với Sài Gòn FC lại bị đẩy ra Hà Nội phụ trách PVF, khiến các cầu thủ của đội hạng ba V-League 2020 mất phương hướng và ra đi, đội bóng mất bản sắc…

Mới đây, CLB TP.HCM chuyển HLV Trần Minh Chiến lên vị trí giám đốc kỹ thuật để Chủ tịch CLB Nguyễn Hữu Thắng kiêm luôn vai trò HLV trưởng cho thấy cũng chỉ là một cách sắp lại bài cho cái gọi là giải pháp tình thế. Hay CLB Sài Gòn mời Lê Huỳnh Đức về nhưng bản thân HLV này cũng ra điều kiện là chỉ hỗ trợ HLV Phùng Thanh Phương và không ký hợp đồng cũng cho thấy chưa có sự tin tưởng tuyệt đối ở một nơi đang rối rắm.

Nhiều người trong đó có cả giới chuyên môn nói rằng cuộc gặp gỡ giữa Thành ủy TP.HCM và hai đội bóng TP.HCM, Sài Gòn là để giải cứu cho hai CLB này. Thực chất, để giải cứu cho bóng đá TP.HCM thì phải nhìn tận gốc từ cách làm và đầu tư. Về bản chất, rõ ràng hai CLB TP.HCM và Sài Gòn làm bóng đá chuyên nghiệp không khác với kiểu bầu Thụy mua và làm đội Sài Gòn Xuân Thành, nó cũng không khác gì Navibank Sài Gòn từng đầu tư vào một đội bóng TP.HCM đình đám 1-2 mùa rồi tắt.

Để giải bài toán cứu bóng đá TP.HCM, hơn ai hết, những nhà làm bóng đá TP.HCM cần xem lại đề án xây dựng và phát triển bóng đá TP.HCM mà LĐBĐ TP.HCM đã đi được 1/3 đoạn đường (từ lúc TP.HCM xuống hạng cho đến lúc lên hạng) rồi “buộc” phải chuyển giao mà không hề có tính kế thừa. Đó chưa hẳn là một đề án hoàn chỉnh nhưng chắc chắn là một đề án có tính nền tảng, có chuyên môn, tâm huyết và có tính truyền thống của những người làm bóng đá TP.HCM.•

Đóng góp của chuyên gia Đoàn Minh Xương

Là thành viên của LĐBĐ phụ trách bóng đá học đường nhưng là người có kinh nghiệm từng giúp bóng đá Đồng Tháp phát triển và đào tạo trẻ ở cấp quốc gia, chuyên gia Đoàn Minh Xương đã có những góp ý (trích):

+ Tổ chức và nguồn nhân lực của hai CLB TP.HCM và Sài Gòn trong thời gian qua không ổn định, hoạt động kém hiệu quả, thành tích thấp. Đặc biệt là cả hai CLB đều chưa quan tâm đầu tư, dẫn đến thiếu nền tảng của cơ chế bóng đá chuyên nghiệp (tiêu chí CLB Bóng đá chuyên nghiệp của AFC) và thiếu bản sắc.

+ Nguyên nhân chủ yếu của những yếu kém trên là chúng ta chưa thật sự xem bóng đá là môn thể thao trọng điểm, có ý nghĩa rất lớn trong toàn bộ công tác TDTT cũng như trong chiến lược phát triển các mặt kinh tế - xã hội - văn hóa và an ninh, quốc phòng của TP.HCM.

+ Để phát triển bóng đá TP.HCM một cách bền vững, không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh và thương hiệu cho TP.HCM mà còn góp phần vào sự phát triển của bóng đá Việt Nam để TP.HCM xứng đáng với vị thế là trung tâm văn hóa - thể thao lớn của cả nước. Chúng ta cần trả lời các câu hỏi:

1. Bóng đá giữ vai trò gì trong chiến lược phát triển của TP.HCM? TP.HCM có phải làm bóng đá không?

2. Đầu tư cho bóng đá để làm gì?

3. Mô hình phát triển bóng đá TP.HCM trong giai đoạn 2023-2030? Nói một cách khác, đó là vai trò của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay đối với sự phát triển bóng đá chuyên nghiệp TP.HCM?

NHÓM PV THỂ THAO

Nguồn PLO: https://plo.vn/giai-cuu-bong-da-tp-hcm-post693326.html