Giải cứu Chí Linh - sứ mệnh lịch sử

'Chúng tôi về Chí Linh hỗ trợ khi chưa có văn bản quyết định cụ thể từ cấp trên. Tết năm nào cũng có nhưng về giúp Hải Dương là sứ mệnh lịch sử', chuyên gia chia sẻ.

- Chúng tôi thuộc đoàn chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

- Chúng tôi thuộc đoàn chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

- Chúng tôi đi kiểm tra xem tình hình thế nào.

- Mọi người đã làm tốt rồi.

- Ra Tết, chúng tôi sẽ rút dần về.

Giọng của điều dưỡng Ngô Văn Tiến gấp gáp khi đi kiểm tra và hỏi thăm các bác sĩ, điều dưỡng trong các khoa điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến 1, TP Chí Linh, Hải Dương.

Ngày đầu năm, nam điều dưỡng không có khái niệm nghỉ ngơi. Khoác lên mình bộ đồ bảo hộ màu xanh dương với khẩu trang N95 kín mít, anh Tiến dẫn 2 điều dưỡng trẻ của Trung tâm Y tế TP Chí Linh đi đến 4 khoa (Truyền nhiễm, Nhi, Nội, Hồi sức) đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Đặt chân đến khoa nào, việc đầu tiên của anh là giới thiệu cho các đồng nghiệp biết vì họ không thể nhận ra nhau. Họ chỉ nhận biết nhau qua nửa trên khuôn mặt hoặc đôi mắt trong khu điều trị nồng nặc mùi hóa chất khử trùng. Đã nửa tháng nay, họ cứ như vậy phối hợp nhuần nhuyễn với nhau trong việc điều trị và theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân.

Anh Tiến nhẹ nhàng hỏi thăm tình hình các bác sĩ, điều dưỡng cần gì. Ghé qua các phòng bệnh, anh ân cần hỏi chuyện ăn uống, sức khỏe và động viên các bệnh nhân.

Trong quá trình đó, anh cũng chia sẻ với 2 đồng nghiệp đi cùng các kinh nghiệm để sắp tới họ trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ kiểm tra, giám sát sau khi mình rút khỏi Chí Linh. Cuộc kiểm tra của anh Tiến kéo dài một giờ đồng hồ rồi kết thúc bằng việc hướng dẫn cho 2 đồng nghiệp cách cởi bộ đồ bảo hộ, tấm kính, găng tay đúng quy trình để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm.

"Tôi đang chờ tóc dài thêm tý để cắt. Cạo trọc cho đỡ vướng víu khi mặc đồ bảo hộ. Kinh nghiệm đó", điều dưỡng Tiến nói sau khi chỉ vào mái tóc chưa dài đến một phân.

Nhìn bề ngoài, ít ai biết điều dưỡng Ngô Văn Tiến mới 30 tuổi, cũng không ai nghĩ rằng anh đã 6 lần "trực chiến" ở các mặt trận chống Covid-19 kể từ khi dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam đầu năm 2020.

Tháng trước, anh Tiến phải đi cách ly sau khi điều trị cho một bệnh nhân nhiễm Covid-19 quê Vũng Tàu.

Trong khoảng thời gian đó, nam điều dưỡng luyến tiếc nhất là không được ở bên cạnh ông ngoại những giây phút cuối đời. Vừa hết thời gian cách ly thì ngày 28/1, anh nhận thông tin Chí Linh bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng.

Không chút bận tâm khi Tết đã cận kề, anh quyết định xung phong vào đoàn chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương về hướng dẫn và hỗ trợ đội ngũ y tế của TP Chí Linh điều trị cho người bệnh.

Trước khi khoác ba lô do vợ chuẩn bị sẵn để lên đường, anh Tiến chỉ kịp thắp cho ông ngoại nén hương và ôm hai con trai vào lòng. "Hải Dương là quê hương của tôi nên làm sao có thể ngồi yên được", anh Tiến chia sẻ.

Sau khi có mặt tại TP Chí Linh, anh cùng đoàn chuyên gia 7 người của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới bắt tay ngay vào việc thiết lập Bệnh viện dã chiến số 1 đặt tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh.

Hôm 28/1 (16 tháng Chạp), Chí Linh ghi nhận 72 ca bệnh trong một ngày. Đây là con số lớn nhất từ trước đến nay. Vì thế, các cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế Chí Linh lúng túng bởi họ chưa từng đối mặt với tình huống này.

“Họ hoảng loạn, rối bời”, TS Vũ Minh Điền nhớ lại ngày đầu có mặt tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh.

TS Vũ Minh Điền cùng đoàn chuyên gia bắt tay ngay vào việc phân luồng, di tản bệnh nhân nội trú và tập huấn chuyên môn cho điều dưỡng, bác sĩ của Chí Linh trong công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Trực tiếp đi khảo sát tất cả tòa nhà của Trung tâm Y tế TP Chí Linh, TS Vũ Minh Điền nhận thấy chỉ riêng khoa Truyền nhiễm là đảm bảo thông thoái khí môi trường vì ở đây dãy nhà đơn.

Còn lại, tòa nhà các khoa khác không đảm bảo khi thiết kế kiểu hành lang giữa nhà. Hai bên là phòng bệnh, lối đi bí.

“Các tòa nhà đó không chuẩn của nhà truyền nhiễm. Nhà chuẩn phải đi vào cửa trước, đi một chiều. Nếu đi giữa hành lang cũng được nhưng phải có hành lang phụ. Nếu tất cả người bệnh, nhân viên, y bác sĩ đi cùng một lối giữa sẽ dẫn đến nguy cơ phơi nhiễm cao”, TS Điền lý giải.

Trong buổi tập huấn khẩn cấp với y bác sĩ địa phương, vị tiến sĩ nói chỉ còn cách sử dụng quạt hút công nghiệp để hút khí. Tuy nhiên, hệ thống này cần phải thi công nhưng không thể đưa đội thợ vào vì sẽ dẫn đến phơi nhiễm F1.

Trong tình huống đó, họ phải sáng chế chân đỡ, nâng quạt hút khí này lên cao bằng cửa sổ để đặt ở cuối hàng lang hút, tạo luồng khí một chiều.

Lãnh đạo trung tâm lập tức liên hệ với các nhà hảo tâm. “Khi tôi đang tập huấn, 2 tiếng sau đã thấy họ mang đến những chiếc quạt đó rồi. Họ đã xử lý rất nhanh. Sau này, chúng tôi gọi đó là quạt Covid”, TS Điền kể.

Ngoài sáng tạo đó, chỉ trong ngày 29/1, nhiều sáng tạo khác được hoàn thành như khiên chắn khí ngăn giọt bắn, phòng mổ dã chiến chuẩn bị trong trường hợp khẩn cấp khi Bệnh viện dã chiến có các ca bệnh phụ nữ mang thai 35-36 tuần.

Từ đó, công tác điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến 1 dần đi vào quy củ. Các bác sĩ, điều dưỡng địa phương đã thành thạo hơn, không còn tâm lý như những ngày đầu.

Những ngày cận Tết, đoàn chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bộ Y tế mới thở phào và có thời gian để kể thêm về những điều chưa từng được tiết lộ trong chuyến công tác đặc biệt này.

TS Vũ Minh Điền chia sẻ khi nhận thông tin về ổ dịch ở Chí Linh, ông và mọi người đã tình nguyện lên đường. “Tôi chỉ kịp điện thoại cho vợ chuẩn bị quần áo nhưng lúc đó không dám nói là về Chí Linh vì sợ cô ấy sẽ giật mình”, ông kể.

Khi có mặt tại Chí Linh, ông còn chưa cầm trên tay văn bản quyết định chính thức nào từ Giám đốc Bệnh viện và Bộ Y tế. “Với trách nhiệm là một chuyên gia đầu ngành, có kinh nghiệm 12 năm hồi sức cấp cứu và người từng trải qua các đợt chống dịch, tôi phải lên đường ngay. Tình huống quá khẩn cấp”, TS Điền nói.

Vị tiến sĩ cũng đã tính toán đến khả năng phải ăn Tết ở Hải Dương từ trước. Bởi nếu ngăn chặn dịch nhanh nhất, khi ông và đoàn về thực hiện cách ly xong thì cũng đã quá Tết.

“Chuyện này bình thường, Tết năm nào cũng có, nhưng việc về giúp Hải Dương là sứ mệnh lịch sử rất thiêng liêng và cao cả. Vì đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng y tế một trăm năm qua mới xảy ra một lần”, TS Điền chia sẻ thêm.

Và khi tình hình Chí Linh dần được kiểm soát trước Tết, TS Điền và những người trong đoàn mới có chút thời gian riêng tư hơn để có những cuộc gọi cho vợ con và người thân, họ hàng.

Hôm 29 Tết, điều dưỡng Ngô Văn Tiến đứng ở hành lang khu nhân viên của Bệnh viện dã chiến 1 xem lại ảnh hai con trai do vợ gửi.

"Cu lớn đang tập gói bánh chưng này chồng. Cậu út đã biết cười toe toét khi cho xem ảnh bố".

Đọc những dòng tin nhắn trên và xem những bức hình của hai con, anh Tiến cười tủm tỉm. "Ngày 7/2 vừa qua, tức 26 Tết, là ngày con trai lớn tôi tròn 3 tuổi. Tôi không có mặt ở nhà", anh Tiến tâm sự.

Thay vào đó, anh có cuộc gọi video với vợ mình kéo dài 3 phút để tham dự sinh nhật con và chúc con những điều an lành rồi quay trở lại với guồng quay công việc.

Chiều 30 Tết, 22 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tại Bệnh viện dã chiến 1 được công bố khỏi bệnh và ra viện. Ngày đặc biệt hôm đó có lẽ là một trong những ngày vui nhất ở đây.

Điều dưỡng Tiến và đồng nghiệp cũng ra tham dự buổi lễ. Anh đứng lặng lẽ từ xa, nở nụ cười hiền và dùng điện thoại ghi lại những khoảnh khắc lịch sử này.

Hai hôm sau (mùng 2 Tết), điều dưỡng Tiến, TS Vũ Minh Điền và một số thành viên trong đoàn vẫn miệt mài bám bệnh viện dã chiến để hỗ trợ, tư vấn khi cần thiết. Trong khi đó, 2 chuyên gia khác đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, sửa soạn hành lý để rút khỏi Chí Linh, về cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Trong đó, bác sĩ Đỗ Minh Tân - người đàn ông dáng thấp, luôn mang bên mình một chiếc túi ngang vai, là người đã đóng góp quan trọng vào việc phòng chống lây nhiễm sang nhân viên y tế và lây nhiễm từ ngoài vào cơ sở tại Bệnh viện dã chiến 1.

"Công tác này tôi đã chuyển giao lại cho Bệnh viện dã chiến 1, hiện tình hình tạm ổn, nếu có thay đổi, tôi sẽ tiếp tục tăng cường vào. Còn tình hình dịch bệnh chung của Hải Dương còn diễn biến khá phức tạp, ngoài đội ngũ y tế, cần có sự vào cuộc, tham gia quyết liệt của toàn thể ban ngành và ý thức của cộng đồng", bác sĩ Tân chia sẻ ngắn gọn trước khi lên chiếc xe cứu thương để trở về Hà Nội.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Phó trưởng đoàn công tác của Bộ Y tế tại Hải Dương, đánh giá cao sự hỗ trợ kịp thời của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ những ngày đầu.

Về sự kiện 22 ca mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh vào chiều 30 Tết, ông Khoa cho rằng đó là cơ sở để chúng ta tin sẽ chiến thắng trong đợt dịch này.

Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến dịch còn phức tạp, ông Nguyễn Trọng Khoa khuyến cáo người dân trên toàn quốc phải hết chú ý đến các biện pháp phòng chống dịch mà Bộ Y tế đã đưa ra.

Niềm vui của 22 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh chiều 30 Tết 22 bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến 1, TP Chí Linh (Hải Dương), được công bố khỏi bệnh chiều 30 Tết. Họ vỡ òa niềm vui được về nhà sum họp với gia đình.

Nguyễn Dương

Ảnh: Thạch Thảo - Nguyễn DươngĐồ họa: Phượng Nguyễn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giai-cuu-chi-linh-su-menh-lich-su-post1183638.html