'Giải cứu công chúa': Chúng ta cần nhiều hơn một bộ phim hoạt hình đơn thuần chỉ để giải trí

'Giải cứu công chúa' (tên gốc: Stolen princess) là phim hoạt hình được làm dựa trên huyền thoại 'Ludmila và tráng sĩ Ruslan' của A.S.Pushkin. Đó là một trong những tác phẩm vô cùng sáng giá của đại thi hào người Nga, nhưng từ văn học đến điện ảnh thật sự là một khoảng cách rất xa.

Khi truyện cổ tích không còn thu hút khán giả nhỏ tuổi như xưa

Poster phim

Ludmila và tráng sĩ Ruslan là một tác phẩm truyện thơ mang âm hưởng anh hùng ca, được Pushkin viết trong vòng 2 năm. Việc mang một tác phẩm văn học lên màn ảnh rộng là việc làm táo bạo của ekip làm phim. Họ đã bỏ ra không ít thời gian, công sức và cả tiền của để thổi hồn vào trang văn của đại thi hào nước Nga.

Yêu nhau ngay từ ánh mắt đầu tiên

Giải cứu công chúa là câu chuyện kể về chuyện tình của chàng nghệ sĩ lang thang Ruslan và nàng công chúa Mila. Ban đầu, Ruslan tự nhận mình là một dũng sĩ để tiếp cận Mila; nhưng rồi sau đó nàng bị tên pháp sư đầy tham vọng Chernomor bắt cóc, hắn muốn dùng chính tình yêu của nàng để gia tăng pháp lực cho mình. Từ đây, Ruslan thật sự đã trở thành một dũng sĩ. Chàng san bằng mọi hiểm nguy để cứu lấy người con gái mình yêu, mà không màng đến an nguy của bản thân.

Đủ hài hước nhưng thiếu nội hàm

Nghe qua cốt truyện như thế với một “happy ending”, người ta cho rằng phim không khác truyện cổ tích là bao. Hơn nữa, ở thời điểm hiện tại, khi những câu chuyện thần tiên đã không còn mang sức hút tối thượng đối với khán giả nhỏ tuổi, thì những phim hoạt hình như Giải cứu công chúa rất dễ bị lép vế. Trên thực tế, ở thời buổi mà mọi thứ đều có thể tìm thấy chỉ bằng một nút “search” thì thị phần điện ảnh dành cho khán giả nhí cần những bộ phim có nội hàm và sâu sắc hơn. Đương nhiên, nội dung không cần thiết phải quá xa vời hay “đao to búa lớn”, cái chính yếu là phải gây được cảm xúc và gieo lại trong lòng họ điều gì thật gần gũi với cuộc sống. Cốt lõi của việc làm này là để nâng tầm tính giáo dục của điện ảnh.

Hơn nữa, chúng ta dễ dàng nhận thấy hiện nay không chỉ trẻ con mới xem hoạt hình. Ngay cả những người trưởng thành, họ cũng tìm đến rạp để thư giãn với những thước phim về nàng công chúa, chàng hoàng tử để xa lánh cuộc sống bộn bề. Vậy nên nội hàm của một bộ phim lại càng phải được chú trọng nhiều hơn. Dù Ludmila và tráng sĩ Ruslan là huyền thoại sáng giá của Pushkin, nhưng việc điện ảnh hóa một tác phẩm văn học là điều không hề dễ dàng. Nhất thiết phải giữ được cái hồn câu chuyện, song bên cạnh đó nhà làm phim mang trọng trách lớn lao hơn - lấp đầy những “lỗ hổng” thời đại bằng sự sáng tạo để câu chuyện trở nên gần gũi với cuộc sống.

Điểm nhấn đến từ hình ảnh

Giải cứu công chúa bấm máy vào năm 2016, nhưng phần kĩ xảo và hình ảnh đã “ngốn” của ekip làm phim tận 10 năm ròng rã. Đạo diễn Oleh Malamuzh dành thời gian lớn chăm chút tỉ mỉ cho từng chi tiết nhỏ trong tạo hình nhân vật. Trang phục và phụ kiện đi kèm theo họ đều được thiết kế riêng, để phù hợp với xu hướng tính cách của từng người.

Hình ảnh được chăm chút kĩ lưỡng

Bộ giáp được khắc họa đến từng đường nét

Khi xem phim, người ta nhìn ra được sự chỉn chu khi ngay cả những chi tiết dù rất nhỏ cũng không hề bị làm qua loa. Chỉ bấy nhiêu là đủ, đủ để khán giả cảm nhận sự nghiêm túc của ekip khi làm nghề. Hơn thế nữa, sự tâm huyết của những người lao động nghệ thuật ấy là điều không một ai có thể phủ nhận được. 10 năm không phải là khoảng thời gian ngắn, ấy thế mà họ đã dành tất cả cho Giải cứu công chúa - đứa con tinh thần của mình.

Sự uyển chuyển trong hành động

Cũng vì vậy mà khi xem phim, khán giả sẽ có những phút giây thật sự mãn nhãn với kĩ xảo huyền diệu và đẹp mắt. Bên cạnh đó, những chuyển động của các nhân vật trong phim từ con người, con vật hay đến cả quái vật cũng nhịp nhàng, uyển chuyển.

Được giới chuyên môn đánh giá cao, điện ảnh không chỉ cần có vậy

Giải cứu công chúa sau khi công chiếu tại một số liên hoan phim lớn đã nhận được không ít lời khen từ giới phê bình điện ảnh. Hiện tại, phim nhận được số điểm 8/10 trên IMDB - một trang web điện ảnh hàng đầu. Nhưng bấy nhiêu liệu có đủ để tạo nên sự thành công của một tác phẩm màn ảnh rộng?

Có một điều phải thừa nhận, rằng phim ảnh được làm ra mang tính chất đại chúng. Tức là chúng ta không làm phim cho một bộ phận cá biệt nào đó thưởng thức, mà phải thỏa mãn được thị hiếu số đông. Đương nhiên, một tác phẩm vừa đáp ứng những yêu cầu về nghệ thuật, vừa đảm bảo tính chất thương mại thật sự rất khó làm. Nhưng trên thực tế, khi đời sống vật chất ngày càng phát triển thì nhu cầu bồi đắp tâm hồn của những con người hiện đại lại ngày một nâng cao. Kéo theo đó, những chuẩn mực điện ảnh cũng “leo thang”, đó là thách thức lớn đối với các nhà làm phim, song cũng là động lực giúp họ hoàn thiện tác phẩm của mình hơn.

Giải cứu công chúa là một bộ phim dễ xem, dễ cảm nhưng cũng lại dễ quên. Nói cách khác, nếu chỉ cần một câu chuyện mang tính chất giải trí nhẹ nhàng thì đây sẽ là lựa chọn tốt nhất cho gia đình vào dịp cuối tuần. Nhưng nếu đòi hỏi một điều gì đó tầm cỡ kiểu Coco của hai đạo diễn Lee Unkrich và Adrian Molina, thì đây không thật sự là một bộ phim thích hợp cho bạn.

Jin Yin

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/giai-cuu-cong-chua-chung-ta-can-nhieu-hon-mot-bo-phim-hoat-hinh-don-thuan-chi-de-giai-tri-2624218.html