Giải cứu gấu: Bao giờ bàn chân chạm đất?

Theo thống kê của Cục Kiểm lâm (Bộ NNPTNT), tính đến tháng 7.2018, Việt Nam vẫn còn khoảng 780 cá thể gấu được nuôi nhốt ở đâu đó trong điều kiện tồi tàn, chật hẹp. Và cho đến khi nhận thức của người dân chưa thay đổi, chính quyền địa phương, ngành chức năng chưa vào cuộc quyết liệt thì ước mơ bàn chân chạm đất của gấu vẫn còn rất xa vời.

Chuồng gấu thành chuồng gà

Vụ việc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (EVN) phát hiện ở Nghệ An gần đây cho thấy, những mánh khóe của các hộ nuôi nhốt gấu trái phép nhằm qua mắt cơ quan chức năng khiến công tác cứu hộ gấu vẫn còn gian nan.

Theo đó, EVN đã nhận được thông tin một số hộ gia đình ở xã Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu, Nghệ An) có hành vi nuôi nhốt gấu trái phép, trong đó có hộ ông C., ở xóm 5, xã Quỳnh Yên có ít nhất 5 cá thể gấu.

Ngày 18.09.2018, ENV đã gửi Công văn khẩn số 623/2018/ENV tới UBND tỉnh Nghệ An cũng như Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Công an tỉnh Nghệ An (PC49 Nghệ An) để đề nghị lập phương án xử lý vụ việc. Ngày 19.9.2018, lãnh đạo ENV cũng trực tiếp đến gặp, chuyển giao toàn bộ thông tin, hình ảnh vi phạm (tên hộ nuôi nhốt trái phép; địa chỉ cụ thể; mối quan hệ với các hộ nuôi nhốt có phép khác; video và các tài liệu, hình ảnh khác chứng minh hành vi vi phạm) đến lãnh đạo UBND, PC49 Nghệ An và Chi cục Kiểm lâm.

Chuồng gấu của một hộ dân ở Nghệ An biến thành chuồng nuôi gà chỉ sau vài ngày. Ảnh: EVN.

Sáng 29.9.2018, 10 ngày sau nguồn tin ban đầu, PC49 Nghệ An, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An và đại diện Công an xã Quỳnh Yên tiến hành kiểm tra đúng địa điểm ENV cung cấp nhưng “không phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật” tại cơ sở. Kết quả kiểm tra tại nhà ông C. chỉ cho thấy ông này nuôi 2 con gà (mỗi con ở trong một chuồng gấu), 4 con hươu sao và vài con chó.

Sự việc này cho thấy, sự thiếu quyết tâm xử lý cộng với nhận thức của người dân chưa thay đổi thì việc giải cứu những cá thể gấu còn lại vẫn gặp nhiều khó khăn. “Chúng ta sẽ không bao giờ thành công nếu chỉ có quyết tâm “nửa vời” trong công tác triệt phá tội phạm về động vật hoang dã” - bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc ENV cho biết.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Thành công ở Thái Nguyên và Tiền Giang gần đây cho thấy sự phối hợp của các cơ quan chức năng địa phương với các tổ chức phi chính phủ về bảo vệ gấu đã góp phần đẩy nhanh tiến trình chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam. Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc ENV khẳng định: “Tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật có chấm dứt hay không phụ thuộc rất lớn vào cam kết và nỗ lực của lực lượng kiểm lâm và các cơ quan chức năng địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với chi cục kiểm lâm các địa phương để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi nhốt gấu và vận động người dân chuyển giao gấu”.

Cứu hộ gấu ở Tiền Giang. Ảnh: EVN.

Ngày 12.6, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành chuyển giao một cá thể gấu ngựa đã bị nuôi nhốt khoảng 18 năm đến Trạm Cứu hộ gấu thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên (do tổ chức Free the Bears quản lý). Chỉ trong vòng 1 tuần, đây là cá thể gấu thứ hai của địa phương này được tự nguyện chuyển giao. Trước đó, ngày 6.6, một cá thể gấu ngựa cũng đã được tổ chức Free the Bears tiếp nhận và chuyển giao về Trạm cứu hộ.

Với hai cá thể gấu được chuyển giao trong tháng 6, hiện Lâm Đồng còn 6 cá thể gấu bị nuôi nhốt. Các cơ quan chức năng cùng các tổ chức đang tiếp tục nỗ lực để vận động chuyển giao 6 cá thể gấu còn lại, sớm đưa Lâm Đồng trở thành địa phương tiếp theo trong cả nước trở thành địa phương không còn gấu nuôi nhốt.

Năm 2005, Việt Nam có hơn 4.300 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại hàng trăm cơ sở trên cả nước. Tuy nhiên, sau gần 13 năm với những nỗ lực bền bỉ, số lượng gấu bị nuôi nhốt ngoài các trung tâm cứu hộ đã giảm xuống. Cũng trong năm này, Chính phủ cam kết nỗ lực chấm dứt nuôi nhốt gấu.

Ông Nguyễn Mạnh Hiệp (Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ - Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết, mặc dù đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trên chặng đường tiến tới không còn gấu nuôi nhốt.

Để đưa gấu trở lại rừng, bàn chân được chạm đất, không bị trích hút mật thô bạo, theo ông Hiệp, ngành chức năng sẽ theo dõi, kiểm tra để quản lý tốt các cá thể gấu đang bị nuôi nhốt. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động để người dân tự nguyện giao nộp gấu cho các Trung tâm cứu hộ để tiếp tục chăm sóc nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.

Kiên quyết ngăn chặn và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể thực hiện hành vi nuôi nhốt gấu không có hồ sơ nguồn gốc hợp pháp, đảm bảo không tăng số lượng gấu nuôi nhốt và tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc nuôi nhốt gấu bất hợp pháp tại Việt Nam. Xây dựng kế hoạch bảo tồn gấu tại Việt Nam đồng thời phối hợp với các tổ chức phi chính phủ để vận động đầu tư, hỗ trợ xây dựng các trung tâm cứu hộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn để thực hiện tiếp nhận gấu do người dân tự nguyện giao nộp, đặc biệt là ở khu vực phía Nam.

Ông Trần Thế Liên - Vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ khẳng định tại Diễn đàn về gấu lần thứ ba: “Việt Nam sẽ sớm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật trong một tương lai không xa”.

Nhưng để đạt được điều này, đòi hỏi sự vào cuộc, chung tay trách nhiệm của cả cộng đồng, từ chính quyền, ngành chức năng đến người dân. Chỉ khi người ta không tin vào sự thần kỳ từ mật gấu, thì bàn chân những cá thể gấu mới được chạm đất đúng nghĩa.

Anh Thơ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/moi-truong-xanh/giai-cuu-gau-bao-gio-ban-chan-cham-dat-924870.html