Giải cứu 'Kỳ lân châu Á' khỏi bờ vực tuyệt chủng

Sao La là loài thú cực kỳ quý hiếm, nguy cấp và tiêu biểu cho đa dạng sinh học của Việt Nam. Việc tìm kiếm và giải cứu Sao La khỏi bờ vực tuyệt chủng đang được Quảng Bình cùng các đơn vị liên quan rốt ráo thực hiện trong thời gian qua.

Xuất hiện "Kỳ lân châu Á" tại Quảng Bình

Sao La có tên khoa học là Pseudoryx Nghetinhensis, được các nhà khoa học phát hiện lần đầu tiên vào năm 1992 tại Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh). Sau khi tiến hành tìm kiếm, khảo sát, các nhà khoa học phát hiện thêm 20 con Sao La mới sinh sống các vùng rừng thuộc dãy Trường Sơn dọc biên giới Việt - Lào. Cơ quan chức năng, các nhà khoa học vẫn chưa có số liệu thống kê, xác định số lượng cụ thể của loài Sao La đang tồn tại trong tự nhiên.

Ngay sau đó loài này được xếp hạng vào danh mục những loài động vật nguy cấp, cực kỳ quý hiếm (có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao) trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và Sách Đỏ của Việt Nam. Loài động vật này được các nhà khoa học mệnh danh là "Kỳ lân châu Á".

Sao La được các nhà khoa học mệnh danh là "Kỳ Lân Châu Á" (ảnh: WWF Việt Nam).

Ở khu vực rừng núi phía Tây tỉnh Quảng Bình, vào năm 2010, các nhân viên bảo vệ thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Động Châu (nay thuộc Ban Quản lý Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong tỉnh Quảng Bình) phát hiện 3 cá thể Sao La tại khu vực Dốc Khỉ, thuộc xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy. Trong 3 cá thể được phát hiện, có 2 con trưởng thành và 1 còn nhỏ.

Cùng với đó, nhờ vào hệ thống bẫy ảnh, các nhà bảo tồn nhận thấy thấy sự hiện diện của loài Sao La tại khu lõi rừng được bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, năm 2019, nhờ bẫy ảnh trong rừng nguyên sinh của vườn, lực lượng nghiên cứu khoa học bất ngờ thu được hình ảnh nghi là của cá thể Sao La. Để đảm bảo an toàn cho loài vật quý hiếm này trước mối đe dọa của nạn săn bắt động vật hoang dã, Ban quản lý vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng không cung cấp thông tin về vị trí cụ thể phát hiện.

Các nhà khoa học phát hiện sinh vật nghi là Sao La sau khi đặt bẫy ảnh trong rừng nguyên sinh Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Từ đó, các nhà khoa học và Ban quản lý vườn tiếp tục thu thập thêm các bằng chứng để khẳng định sự hiện diện của loài thú quý hiếm này. Cùng với đó triển khai nhiều biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt, nhằm tránh các hoạt động gây hại đến Sao La.

"Giải cứu Sao La khỏi bờ vực tuyệt chủng"

Nhằm phát hiện và bảo tồn loài Sao La, tỉnh Quảng Bình tiên phong khởi động Dự án "Giải cứu Sao La khỏi bờ vực tuyệt chủng". Dự án này sẽ hỗ trợ khẩn cấp và trực tiếp để xác định, giảm thiểu mối đe dọa với Sao La. Đồng thời phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm tăng khả năng phát hiện Sao La trong phạm vi cư trú của loài này.

Địa phương này quyết định thành lập Ban Quản lý Dự án Rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT). Đơn vị này sẽ phối hợp với Tổ chức WWF - Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động tìm kiếm, bảo vệ Sao La.

Đặt bẫy ảnh để nhận diện Sao La.

Ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án VFBC tỉnh Quảng Bình cho biết, do đặc tính quý hiếm nên hiện không có cá thể Sao La nào được nuôi nhốt. Phạm vi phân bổ của loài thú này rất hẹp, chỉ tập trung ở khu vực rừng Trường Sơn và Lào.

Chính vì sự quý hiếm và bí ẩn mà ít người biết được tính cấp thiết của việc bảo vệ những cá thể Sao La cuối cùng, trước khi loài này hoàn toàn biến mất.

"Trước mắt chúng tôi thực hiện phổ biến kiến thức cho người dân, cộng đồng từ đó thu thập thông tin có giá trị nhằm tăng khả năng phát hiện Sao La. Ngoài ra, sẽ sử dụng hệ thống bẫy ảnh tại nhiều khu vực để giám sát, tìm kiếm nhằm phát hiện cá thể này", ông Long cho biết.

Dự án "Giải cứu Sao La khỏi bờ vực tuyệt chủng" chú trọng hoạt động tìm kiếm và phát hiện Sao La trên toàn khu vực Trung Trường Sơn từ các tỉnh Nghệ An đến Quảng Nam thông qua hợp tác với các Tổ chức bảo tồn thiên nhiên, Viện nghiên cứu gen trong nước và quốc tế.

Dự án ưu tiên khoảng 15 khu vực có mức độ nhận diện Sao La cao nhất để khảo sát và đặt 2. 400 bẫy ảnh flash trắng. Riêng Quảng Bình, sẽ đặt 3 khu vực (200 bẫy ảnh cho mỗi khu vực) để nhận diện Sao La.

Cùng với việc bẫy ảnh, các nhà khoa học thực hiện thu thập khoảng 1.200 mẫu eDNA để phân tích nhằm phát hiện Sao La.

Tiếp đó, các nhà khoa học thực hiện thu thập khoảng 1.200 mẫu eDNA để phân tích nhằm phát hiện Sao La.

Đồng thời tuyển dụng người dân địa phương có kinh nghiệm theo dấu động vật hoang dã, có kiến thức sinh thái về các loài móng guốc để hỗ trợ hoạt động bắt giữ, cứu hộ Sao La trong tương lai.

Sao La - Điều ít biết về loài linh vật được chọn cho SEA games 31.

Viễn Phương

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/giai-cuu-ky-lan-chau-a-khoi-bo-vuc-tuyet-chung-172231022130142992.htm