'Giải cứu' nông sản và vấn đề đặt ra với 3 Bộ

Tại phiên chất vấn của Ủy ban TVQH với Bộ trưởng Bộ KH&CN diễn ra vào chiều 19/3, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) kể lại nhiều lần đi tiếp xúc cử tri bà con thắc mắc không hiểu khái niệm sản xuất chuỗi và không biết làm cách nào đi vào chuỗi...

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

Tập trung vào nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng: Một vấn đề lớn đặt ra trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua dưới góc độ KHCN phải đặc biệt lưu ý đó là tình trạng giải cứu nông sản.

Gửi câu hỏi tới 3 Bộ trưởng Bộ KH&CN, NN&PT NN và Bộ Công Thương, bà Nga đặt vấn đề: Vừa rồi phải giải cứu dưa hấu, hành, tỏi…và hiện nay là giải cứu su hào, củ cải. Đây không phải là thực trạng năm nay mà xảy ra nhiều năm rồi.

"Xin Bộ trưởng cho biết, dưới góc độ KH CN hiệu quả nghiên cứu KH phục vụ cho tiêu thụ chế biến nông sản trong thời gian qua như thế nào? Giải pháp nào để khắc phục tình trạng giải cứu nông sản như trong thời gian vừa qua?”- ĐB Lê Thị Nga nêu.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Kh&CN Chu Ngọc Anh cho biết, đây là vấn đề quan tâm nhằm tăng cường hiệu quả cho nhà nước. Với Bộ KH&CN nhìn nhận, trước có một chương trình quốc gia với nhiệm vụ có liên quan đến chế biến nông sản. Vừa rồi nhận thức đây là một khâu rất quan trọng do đó không chỉ các chương trình quốc gia mà Bộ cũng đặt hàng một số DN, một số nghị định thư với các nước để chuyển giao công nghệ nhanh nhất cho chế biến nông sản.

“Giải pháp bước đầu đặt ra đồng bộ, giải quyết thấu đáo vấn đề này. Ví dụ không chỉ cây trái mà sang cả lĩnh vực khác (ví dụ như vải thiều lục ngạn sau khi áp dụng KHCN xử lý đã xuất khẩu ra nhiều nước…). Còn giải pháp căn cơ sẽ thực hiện tư duy chuỗi sản xuất xử lý. Chúng tôi đã thống nhất với Bộ NN & PTNN toàn bộ sản phẩm quốc gia trái cây, củ quả phần chế biến (xác định nghiên cứu và chuyển giao công nghệ) ngay trong năm nay 8 nhà máy chế biến nông sản, củ quả sẽ tham gia vào chuỗi này”- ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Tham gia trả lời thêm, Bộ trưởng NNPTNN Nguyễn Xuân Cường cho biết, câu hỏi liên quan đến cả 3 bộ, rộng hơn cả hệ thống. Trên thực tế, sức sản xuất các mặt hàng nông nghiệp của chúng ta rất lớn nhưng cả hai khâu còn yếu: chế biến và tổ chức thị trường. Đây là hai khâu yếu, chính vì thế nghị quyết của QH, chủ trương của Chính phủ đang tập trung trong tái cơ cấu nông nghiệp đi sâu vào hai mặt đang yếu.

“Về một số mặt hàng rau quả như đại biểu nêu chúng ta đang tập trung cả thể chế, cơ chế, chính sách, KHCN… Năm nay sẽ khởi công, khánh thành 8 nhà máy để tiếp tục khai thác lợi thế dư địa nhóm hàng nông sản rau quả Việt Nam. Mùng 4 tới đây khánh thành nhà máy Long An với công suất 2.000 tấn, tiếp đến Tây Ninh, Đồng Tháp và Gia Lai…”- ông Cường nhấn mạnh.

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Không thể phủ nhận vai trò của Bộ KH & CN trong sản xuất nông nghiệp. Theo Bộ trưởng Tuấn Anh, đây là yếu tố mang tính then chốt, chúng ta cần phải tổ chức tái cơ cấu lại trên cơ sở sản xuất chuỗi chứ không thể sản xuất nhỏ lẻ manh mún.

Mặc dù năng lực sản xuất, cơ hội tiếp cận thị trường thế giới lớn, nhu cầu là có tuy nhiên khi chúng ta ký được FTA không có nghĩa sản phẩm của chúng ta vào được thị trường đó… Chính vì vậy việc phối hợp với ba bộ phải bắt đầu từ quy hoạch đồng thời các sản phẩm phải đáp ứng được những thị trường khó tính thì vượt qua các hàng rào kỹ thuật là vấn đề được đặt ra.

Nhằm làm rõ hơn khái niệm mà các Bộ trưởng đưa ra “kêu gọi người nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đã giơ bảng xin tranh luận. Theo ông Nhưỡng trong nhiều lần đi tiếp xúc cử tri, “bà con thắc mắc không hiểu khái niệm chuỗi và không biết làm cách nào chúng tôi đi vào chuỗi. Bà con hình dung chuỗi là dành cho các công trình công nghệ cao, nhà máy to, công nghệ lớn còn bà con chỉ biết chuồng lợn nhà mình nuôi mấy con…”. Do đó, ĐB Lưu Bình Nhưỡng đề nghị, có giải pháp nào để định hướng, đưa bà con vào chuỗi.

Giải đáp câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT đã giải thích rõ thế nào là “chuỗi sản xuất nông nghiệp” đồng thời cũng cho biết sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và tham gia vào chuỗi sản xuất này.

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/giai-cuu-nong-san-va-van-de-dat-ra-voi-3-bo-post256821.info